VĐV Trung Quốc và thế giới: 'Án tử' mang tên doping

Thể thaoThứ Ba, 07/08/2012 08:30:00 +07:00

(VTC News)- Không có thành công nào là không phải trả giá. Càng chọn con đường dễ đi thì cái giá mà bạn phải trả càng cao.

(VTC News)- Không có thành công nào là không phải trả giá. Càng chọn con đường dễ đi thì cái giá mà bạn phải trả càng cao.

Thật vậy, đối với một VĐV chuyên nghiệp, doping là con đường ngắn nhất đến đỉnh vinh quang nhưng cũng là cái hố sâu khổng lồ có thể vùi lấp cả sự nghiệp và cuộc đời họ. Bởi lẽ việc lạm dụng các chất kích thích không chỉ lấy đi danh dự của một VĐV mà còn hành hạ họ bởi những căn bệnh quái ác suốt phần đời còn lại.

Doping đã ra đời như thế nào?

Doping là việc sử dụng các chất hoặc các phương pháp bị cấm nhằm tăng cường thành tích thể thao một cách giả tạo và bất hợp pháp.

 Bóng ma doping luôn đe dọa các kỳ thế vận hội.

Việc sử dụng các chất kích thích đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại, các VĐV đã được cung cấp thành phần dinh dưỡng đặc biệt trong thức ăn để tăng cường sức mạnh thể chất.

Trong Thế vận hội Olympic thế kỷ III TCN, các vận động viên đã cố gắng để tăng thành tích bằng cách sử dụng nấm. Vào thế kỷ I , các VĐV Hy Lạp cũng đã được uống một loại nước uống thảo dược để tăng sức mạnh và độ dẻo dai.

Càng ngày, các chất kích thích được sử dụng càng nhiều trong thi đấu thể thao và từ "doping" trở nên phổ biến vào nửa cuối TK XIX. Nhưng phải đến những năm 1960, những bài kiểm tra doping mới được đưa vào để đảm bảo tính công bằng. Đây là một cuộc đua đầy khốc liệt giữa những nhà quản lí với các VĐV bởi từ đó đến nay sự kiểm soát doping ngày càng gắt gao nhưng cũng không ngăn nổi số lượng VĐV sử dụng chất cấm ngày càng tăng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi bất chấp sức khỏe của bản thân.

Doping và những bản án tử hình

Cái chết đột ngột của Richard Chelimo năm 2001 gây chấn động thế giới.
Trên thực tế, những cái kết không có hậu dành cho các VĐV có dính líu đến doping đã không ít lần làm rúng động dư luận và là lời cảnh tỉnh đanh thép nhất cho các VĐV có ý định đùa giỡn với tính mạng của mình. 

Trong năm 1990, Liên đoàn đua xe đạp Hà Lan đã mở một cuộc điều tra sau những cái chết đáng ngờ liên tiếp do trụy tim của bảy người bao gồm cả những người trẻ tuổi như Johannes Draaijer, ở tuổi 27, Connie Meijer, 25 tuổi, hay Bert Oosterbosch, 32 tuổi. Khám nghiệm tử thi không được tiết lộ, nhưng vợ của Johannes Draaijer, nói rằng chồng cô đã được dùng erythropoietin (EPO) và hy vọng rằng cái chết của anh sẽ là một cảnh báo. Tiêm EPO ở dạng tổng hợp trở nên rất phổ biến với các VĐV bởi nó giúp tăng cường vận chuyển oxy đến các cơ bắp và tất nhiên kéo theo những nguy cơ về biến cố xảy ra với tim mạch.

Năm 2001 cũng chứng kiến sự ra đi đột ngột của nhà cựu kỷ lục thế giới ở nội dung chạy 10.000 m, Richard Chelimo, ở tuổi 29 do căn bệnh ung thư não. Người đồng nghiệp của anh sau đó đã chua xót bày tỏ với truyền thông rằng : "Trong nhiều năm tới thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều sự ra đi của nhiều VĐV vì doping"

Nhắc đến việc lạm dụng chất kích thích, người ta không thể không nhắc tới Trung Quốc, quốc gia có lịch sử về việc đưa các chất kích thích vào huấn luyện. Tham vọng trở thành một cường quốc thể thao hàng đầu không chỉ khiến Trung Quốc đánh đổi danh dự bằng những vụ bê bối gian lận rùm beng mà còn tuyên "những bản án tử hình" cho các VĐV của họ.

Zou Chunlan, nhà vô địch cử tạ quốc gia Trung Quốc, cáo buộc các HLV đã lừa dối về tác hại khủng khiếp của các chất cấm tiêm vào người cô trong suốt thời gian thi đấu.

Những mũi tiêm ấy đã cướp đi tất cả những điều tuyệt vời nhất mà tạo hóa đã ban cho một người phụ nữ, để rồi giờ đây người ta phải làm quen với hình ảnh một Zou Chunlan có giọng nói ồm ồm, cạo râu mỗi sáng và cô đơn suốt quãng đời còn lại vì căn bệnh vô sinh vật lộn hàng ngày với cuộc sống mưu sinh trong các phòng tắm công cộng.

Zou Chunlan phải cạo râu mỗi sáng do thay đổi hóc môn cơ thể. 

Zhao Yonghua năm nay mới 36 tuổi, nhưng đã mắc bệnh tiểu đường nhiều năm qua. Thật khó để tin rằng người phụ nữ đang nằm liệt giường này đã từng là một nhà vô địch trượt tuyết quốc gia.

Năm 1997, Zhao giành được bốn huy chương vàng tại giải vô địch quốc gia và gần như ngay sau  đó cô đã đổ bệnh. Các HLV ban đầu cho rằng cô bị cảm lạnh, nhưng với sự đấu tranh quyết liệt từ mẹ mình, Zhao đã được đưa vào bệnh viện và được chuẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. "Họ nói rằng con tôi bị chứng bệnh bẩm sinh nhưng thật khó tin điều đó khi con bé đã bị huấn luyện suốt thời gian dài ở trại tập trung" mẹ của Zhao cay đắng hồi tưởng lại. Cần phải biết thêm rằng, việc sử dụng các nội tiết tố tăng trưởng để tăng sức bền cho các VĐV là một nguyên nhân trực tiếp gây đái tháo đường.

Do không đủ khả năng tự chi trả cho mình, Zhao đã phải sử dụng insulin chiết xuất từ ​​động vật thay vì insulin tổng hợp như các bệnh nhân tiểu đường khác. Việc không được điều trị đến nơi đến chốn đã khiến Zhao bị hành hạ bởi những biến chứng và ở tuổi 30 cô đã trên bờ vực của sự mù lòa.

"Con bé mắc một căn bệnh nghiêm trọng, không ai muốn ở bên cạnh nó," mẹ cô đau đớn thừa nhận. "Các cô gái khác có bạn trai, kết hôn và sinh con - con gái của tôi chỉ nằm trên giường cả ngày"

Zhao và gia đình cô cũng không dám tin vào khả năng phục hồi, cơ thể của cô đã bị suy thoái quá lâu và rất có thể cô sẽ không bao giờ quay trở lại như xưa nữa.

Có thể thấy, trên giấy tờ, các chất kích thích hoàn toàn bị cấm trong thể thao, nhưng trên thực tế, nó lại trở nên ngày càng thông dụng. Với những bài học nhãn tiền về tác động khủng khiếp của các chất kích thích, trước khi đi đến quyết định sử dụng nó, bản thân mỗi VĐV hay mỗi chính phủ cần phải cân nhắc kĩ lượng lựa chọn của mình xem liệu con đường đó sẽ dẫn tới vinh quang hay mở ra cổng địa ngục.

Thanh Tú

Bình luận
vtcnews.vn