VCCI báo cáo Thủ tướng vụ Asanzo

Kinh tếThứ Tư, 04/09/2019 20:49:00 +07:00

Báo cáo gửi Thủ tướng ngày 4/9, VCCI khẳng định việc ghi trên nhãn hàng hóa như của Asanzo là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đó, Asanzo ghi trên nhãn hàng hoá là “sản xuất tại Việt Nam”, “chế tạo tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ tại Việt Nam”... 

Cụ thể, báo cáo có nói rõ, thời gian vừa qua, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được đơn kêu cứu của Công ty Asanzo liên quan đến thông tin về sản phẩm và thương hiệu mang tên Asanzo gây thiệt hại lớn cho công ty này. Trong đó có nội dung trên nhãn hàng hoá lắp giáp tại Việt Nam từ linh kiện nhập khẩu.

Theo Asanzo, việc truyền thông đăng tải đã gây thiệt hại rất nặng nề cho công ty khi sản phẩm bị người tiêu dùng tẩy chay, hoạt động sản xuất của công ty bị đình trệ, hàng nghìn lao đông mất việc làm và công ty trên bờ vực phá sản, đóng cửa. Sự việc này gây tâm lý lo lắng, hoang mang cho nhiều doanh nghiệp khác.

asanzo

 

Trong khi chờ đội các bộ, ngành liên quan đưa ra kết luận chính thức về vụ việc, trước vấn đề của Công ty Asanzo, là một cơ quan đại diện cho quyền lợi của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời cũng là cơ quan có chức năng cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, VCCI đã chủ động thành lập một tổ công tác để trực tiếp làm việc với Asanzo.

Tổ công tác của VCCI đã tìm hiểu kỹ vụ việc, lắng nghe ý kiến của công ty, cử chuyên gia pháp lý rà soát và nghiên cứu các quy định của pháp luật về xuất xứ trong và ngoài nước.

Trên cơ sở các thông tin tìm hiểu được, VCCI nhận thấy sản phẩm điện tử của Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hoá là “sản xuất tại Việt Nam”, “chế tạo tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ từ Việt Nam... là phù hợp với quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam hiện hành.

 VCCI đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nhanh chóng có kết luận cụ thể vụ việc để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Bên cạnh đó, VCCI cũng đề nghị cần thiết phải hoàn thiện các quy định liên quan tới việc ghi xuất xứ để các doanh nghiệp có căn cứ rõ ràng trong thực thi pháp luật về vấn đề này, tránh xảy ra tình huống như công ty Asanzo.

Tuy nhiên, do các quy định này sẽ có tác động trực tiếp tới thông lệ sản xuất kinh doanh của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam, gắn với các đặc điểm của nền sản xuất hiện đại toàn cầu, việc soạn thảo cần được cân nhắc thận trọng, phù hợp.

Liên quan đến lùm xùm thay đổi nguồn gốc xuất xứ, ngày 30/8, Asanzo cho biết doanh nghiệp này đã phải thông báo tạm dừng hoạt động sản xuất. Bởi, trong suốt 2 tháng qua, doanh nghiệp này thiệt hại đến hàng ngàn tỷ đồng dẫn đến kiệt quệ. Trong khi, các cơ quan ban ngành liên tục đến kiểm tra, song chưa đơn vị nào đưa ra kết luận chính thức.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn