VCBS: Lạm phát năm 2011 khó giữ được mức 7%

Kinh tếChủ Nhật, 06/03/2011 06:58:00 +07:00

(VTC News)- Theo đánh giá của Công ty TNHH Chứng khoán ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS): Áp lực lạm phát 2011 sẽ nặng nề hơn nhiều so với 2010.

(VTC News) - Mục tiêu năm 2011 của Việt Nam là giữ lạm phát ở mức 7%, nhưng lạm phát sau hai tháng đầu năm đã ở mức khá cao - 3,87% bằng 70% chỉ tiêu Quốc hội đặt ra trước đó. Theo đánh giá của Công ty TNHH Chứng khoán ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS): Áp lực lạm phát 2011 sẽ nặng nề hơn nhiều so với 2010.

Trong một báo cáo gần đây, VCBS nhận định: Nền kinh tế Việt Nam đã từng bước phục hồi và tăng trưởng với tốc độ khá nhanh nhưng vẫn chận hơm so với các nước đã có tăng trưởng âm trong năm 2009 như Malaysia, Thái Lan và Phillippines.

Năm vừa qua, các khu vực chính trên thế giới đều tăng trưởng rất khả quan, trong đó tăng trưởng mạnh nhất là Trung Quốc và các nước đang phát triển. Ở khu vực Mỹ, Đức, EU vẫn còn gặp những khó khăn nhất định như vấn đề về lao động và việc làm ở Mỹ vẫn đè nặng lên chính sách của nước này, cũng cản trở khả năng phát triển nền kinh tế một cách mạnh mẽ. Đối với EU, vấn đề nợ công của một loạt các thành viên đã ảnh hưởng chung tới chính sách tiền tệ và tài chính kinh tế của khu vực, thậm chí ảnh hưởng to lớn tới niềm tin của người dân trong thời gian tới.

Tuy nhiên, khi nhìn nhận lại, cả năm 2010, nền kinh tế thế giới tiếp tục được đà phát triển và hồi phục, thoát khỏi khủng hoảng của năm 2009. Cuối 2010, nền kinh tế thế giới tăng trưởng 3,6%, tuy nhiên, các chuyên gia dự báo tăng trưởng của thế giới năm 2011 sẽ giảm so với 2010 do những yếu tố bất ổn vẫn chưa được giải quyết thấu đáo trong thời gian vừa rồi. VCBS cho rằng: Kinh tế thế giới đã tạm vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro và bộc lộ dấu hiệu kìm hãm đà phục hồi.

Hiện tại, chỉ số giá tiêu dùng vẫn đang ở mức cao, do đó, VCBS đánh giá: Mục tiêu CPI khoảng 7% năm 2011 khó đạt được. 

Ở Việt Nam, trong bối cảnh vừa qua, đồng tiền VND mất giá so với đồng USD. Ngày 11/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm biên độ tỷ giá từ +/-3% xuống +/-1% và nới tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 18.932 VND/USD lên 20.693 VND/USD. Bước điều chỉnh tỷ giá “vô tiền khoáng hậu” này đã khiến thị trường phản ứng rất mạnh, tỷ giá USD tự do có lúc lên tới 22.400 đồng. Giải thích về điều này, ông Nguyễn Đức Hải, trưởng phòng nghiên cứu phân tích của VCBS cho rằng: “Khi nhà nước tiến hành điều chỉnh tỷ giá, các nhà đầu tư lại kỳ vọng sẽ có một lần điều chỉnh tiếp. Điều đó khiến tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh”.

Thông thường theo quy luật, sau khi điều chỉnh tỷ giá, 3 – 4 tháng sau, các mặt hàng tiêu dùng sẽ rích rắc tăng lên. Tuy nhiên, trong năm nay, với chính sách của NHNN, ngay trong tháng 2/2011, giá cả hàng hóa tiêu dùng đã leo thang chóng mặt, do đó, theo đánh giá của Công ty TNHH Chứng khoán ngân hàng Ngoại thương Việt Nam áp lực lạm phát 2011 sẽ nặng nề hơn rất nhiều so với mức lạm phát 2010.

Thêm vào đó, cũng theo phân tích của VCBS: Do giá năng lượng, giá lương thực trên thế giới cũng tăng khiến Nhà nước phải điều chỉnh các mặt hàng chiến lược như giá xăng, dầu, điện, than,… tác động rất mạnh tới CPI. “Nhìn lại lịch sử với năm 2010, mức lạm phát của nước ta là  11,7%, tuy nhiên, năm nay, nếu chính phủ giữ nguyên như năm ngoái, mức lạm phát có thể tăng mạnh hơn 11,7%” – Ông Hải nhận xét. 

Vừa rồi, Chính phủ cũng phản ứng khá mạnh mẽ khi mục tiêu năm 2011 của nước ta là giữ lạm phát ở mức 7%, nhưng lạm phát sau hai tháng đầu năm đã ở mức khá cao - 3,87% bằng 70% chỉ tiêu quốc hội đặt ra trước đó. Vì vậy, chính phủ chủ động đưa ra 1 nhóm các giải pháp trong đó tập trung mạnh vào nhóm giải pháp liên quan tới tiền tệ và kích cầu hóa. Chính phủ tiến hành nâng mức lãi suất tái cấp vốn từ 9 lên 11%, tăng lãi suất thị trường mở từ 11% lên 12% cho kỳ hạn 7 ngày. Giảm một số mục tiêu đã đề ra ban đầu, giảm tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất, nhất là chứng khoán và bất động sản, so với tổng dư nợ tối đa là 22% vào cuối tháng 6/2011 và 16% vào cuối tháng 12/2011.

NHNN thực hiện chính sách tiền tệ rất quyết liệt để đảm bảo mục tiêu giảm tổng cầu. Do khi mức lãi suất trên thị trường tăng sẽ khiến doanh nghiệp giảm đầu tư do phải cân đối chi phí để đầu tư sản xuất kinh doanh và khả năng lợi nhuận đạt được của DN và chỉ đầu tư vào các dự án có hiệu quả rõ rệt. Về phía người tiêu dùng phải cân nhắc giữa tiêu dùng trong hiện tại và chi dùng trong tương lai bởi lãi suất ngân hàng một năm gửi được khoảng 14% -17%. Tất cả điều đó giúp chính phủ cố gắng điều tiết tổng cầu của nền kinh tế trong đó có cầu của khu vực tư nhân trong hoạt động tiêu dùng, cầu của DN trong lĩnh vực đầu tư cũng như cầu của chính phủ, từ đó giảm áp lực lạm phát trong thời gian tới.

Tuy nhiên, VCBS cho rằng: cũng phải xem xét xem chính sách tiền tệ của chúng ta có nhất quán hay không. “Vì có người cho rằng: Năm 2010, chúng ta không nhất quán trong chính sách tiền tệ và tài khóa, mặc dù chúng ta tuyên bố: Ổn định kinh tế vĩ mô trước khi tăng trưởng kinh tế nhưng đến tháng 7/2010, trước áp lực của báo giới, áp lực của các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp, khiến Nhà nước phải nới lỏng, giảm lãi suất xuống. Bên cạnh đó, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng không được phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp khi chính sách tài khóa lại được mở rộng trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ. Chính sự thiếu nhất quán và thiếu đồng bộ trong chính sách đã góp phần dẫn đến bất ổn trong vĩ mô và lạm phát tăng cao đột biến vào cuối năm. Thời gian tới nếu ổn định về mặt chính sách, mọi thông tư được đưa ra nhất quán hơn sẽ tạo nên kỳ vọng cho nhà đầu tư” – Đại diện của VCBS cho biết.

 Giá cả hàng hóa tiêu dùng leo thang chóng mặt, áp lực lạm phát 2011 sẽ nặng nề hơn rất nhiều so với mức lạm phát 2010.

Và cho tới thời điểm hiện tại, chỉ số giá tiêu dùng vẫn đang ở mức cao, do đó, VCBS đánh giá: Mục tiêu CPI khoảng 7% năm 2011 khó đạt được.

Dự báo về kinh tế vĩ mô tháng 3/2011 này, theo VCBS, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam quý I/2011vẫn tiếp tục tăng khá nhưng khó có thể đạt được mức tăng 5,8% của quý I/2010. Lạm phát trong tháng 3 cũng chưa thể giảm nhanh được. “Khi chúng ta thắt chặt tiền tệ cũng cần một độ trễ nhất định của chính sách, hành vi tiêu dùng và đầu tư không thể ngay lập tức thay đổi mà cần thời gian để ngấm, chưa xuống nhanh như kỳ vọng của các năm trước” –  Trưởng phòng nghiên cứu phân tích Nguyễn Đức Hải nhận định.
 
Thêm vào đó, VCBS dự đoán: Trong tháng 3/2011, vốn đăng ký và tăng thêm FDI vẫn chưa thể khởi sắc. Nhập siêu có khả năng vẫn cao dù tỷ giá đã được điều chỉnh tăng. Chỉ số CPI tháng 3 sẽ khó có thể thấp hơn 2%. Lãi suất cam kết ở mức 14% có thể không còn áp dụng và lãi suất huy động và cho vay sẽ được điều chỉnh linh hoạt sát với thị trường. Tỷ giá USD/VND không có sự điều chỉnh thêm, tuy nhiên, khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và trên thị trường tự do vẫn còn tồn tại.

Theo VCBS: Trong thời gian tới, các biện pháp điều chỉnh mà Chính phủ và NHNN có thể thực hiện tiếp theo sẽ là: Nâng mức lãi suất điều hành (lãi suất cơ bản, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn…); nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc; giảm lượng cung tiền trên thị trường mở. Bên cạnh đó, theo dự đoán của VCBS: Bộ Công thương và Tài chính có thể hạn chế danh mục các mặt hàng được phép nhập khẩu, ưu đãi thuế đối với những mặt hàng nhập khẩu thiết yếu.


Công ty TNHH Chứng khoán ngân hàng Ngoại thương Việt Nam

Bình luận
vtcnews.vn