Vay tiêu dùng: Khốn đốn vì lãi suất và thủ tục

Kinh tếThứ Ba, 24/05/2011 11:12:00 +07:00

Việc vay tiêu dùng chưa lúc nào khó hơn thời điểm này. Người đã trót vay khóc ròng với lãi suất, còn người cần tiền, đi vay ngân hàng thì bội phần vất vả.

Việc vay tiêu dùng chưa lúc nào khó hơn thời điểm này. Người đã trót vay khóc ròng với lãi suất, còn người cần tiền, đi vay ngân hàng thì bội phần vất vả.

Số ít các ngân hàng cho vay thì không chỉ nâng lãi suất lên đến 24 -  25% một năm, mà các kỳ hạn cho vay cũng thay đổi theo hướng lùi về ngắn hạn.

Lãi cao vẫn không dễ vay

Từ hai tháng nay, người cần vay rơi vào thế bí, bởi nhiều ngân hàng thẳng thừng lắc đầu. Chị Mai, nhân viên một cơ quan ở Tân Bình cần vay thêm 350 triệu đồng để mua căn hộ. Tuy nhiên, “hầu hết nhân viên tín dụng khi tôi đặt vấn đề đều ái ngại, với câu trả lời chung là ngân hàng đang siết cho vay”, chị Mai cho biết.

Người có nhu cầu vay tiêu dùng hết sức khốn đốn không chỉ vì lãi cao mà cửa vay bị chặn. Ảnh: TNLinh. 

Cuối cùng, chị chọn một ngân hàng nước ngoài, vì nơi đây có lãi suất thấp so với các ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, hồ sơ vay không đơn giản, dù thu nhập của chị được xác nhận thuộc loại rất tốt để vay số tiền trên. Mất hơn một tuần với đủ các yêu cầu bổ sung thủ thục, chị Mai được thông báo ngân hàng vừa điều chỉnh lãi suất thêm 0,5% một tháng, tương đương mức lãi 18,75%.

Chấp nhận vay, chị đóng số tiền 1,8 triệu đồng cho phí thẩm định tài sản. Thẩm định xong, mất thêm một tuần, nhân viên tín dụng lại nhắn: Ngân hàng chuẩn bị tăng lãi suất thêm 1%, tức sẽ là 19,75%. Và điều quan trọng là ngân hàng chỉ duyệt cho vay 40% giá trị căn nhà, chứ không phải 70% như đã hứa. Lỡ phóng lao, lại tiếc khoản phí thẩm định, tiếc công làm thủ tục hai tuần qua, chị Mai chẳng đặng đừng chấp nhận và đóng thêm 800.000 đồng phí công chứng tài sản bảo đảm. Đó là chưa kể khoản bảo hiểm rủi ro cứ 3 năm đóng một lần, với giá trị bằng 0,22% tổng số tiền chị vay.

Không tiếp cận được ngân hàng, anh Quân, kỹ sư một công ty xây dựng quyết định vay qua Công ty bảo hiểm P. Tại đây, với nhu cầu vay tiêu dùng, không cần tài sản thế chấp, chỉ cần các giấy tờ cần thiết, chứng minh thu nhập... sẽ được giải ngân bằng 9 lần mức thu nhập, với lãi suất dao động từ 1,39% đến khoảng 1,89% một tháng (khoảng 16 - 22% một năm). Thấy lãi “dễ chịu”, anh Quân vay 100 triệu đồng, thời gian 48 tháng. Tuy nhiên, sau một tuần vã mồ hôi với giấy tờ, anh Quân được gọi thẩm định hồ sơ lần cuối và tá hỏa với lãi suất lên đến 29,52% một năm, bằng 2,46% mỗi tháng. Thắc mắc vì lãi suất khác với quảng cáo, anh được giải thích, đây là lãi suất tính trên dư nợ giảm dần. Còn mức lãi suất… quảng cáo là lãi suất do nhân viên tư vấn đặt ra, để…lấy được hồ sơ khách hàng.

Lùi về kỳ hạn ngắn

Ngoài đẩy lãi lên mức cao, các ngân hàng đang chung xu hướng ưu tiên cho khoản vay ngắn hạn.

Kim Ngân, nhân viên tài chính cá nhân của Ngân hàng T., khi tư vấn cho khách hàng vay tiêu dùng không ngần ngại: Thời điểm này khách hàng không nên vay, vì lãi quá cao. Mức lãi mà Kim Ngân thông báo với anh Tuấn, dự định vay 200 triệu đồng tại đây lên đến 25% một năm. Theo giải thích, lãi suất là 21% một năm, ngoài ra khách hàng phải đóng thêm 4% phí bảo hiểm rủi ro cho số tiền vay. Tuy nhiên, khoản vay kỳ hạn 15 năm cho tiêu dùng đã dừng, nên với 200 triệu, nếu vay 3 năm, anh Tuấn phải trả gốc, lãi hàng tháng trên 10 triệu đồng. Gợi ý của nhân viên này là nếu có nhu cầu thì khách nên vay thấu chi. Đây là hình thức trả gốc, lãi linh hoạt, và số tiền tối đa có thể vay là 500 triệu đồng. “Làm nhân viên tín dụng, kiếm thêm khách càng nhiều càng được thưởng. Nhưng khoản thời gian này em phải tư vấn khách hàng cân nhắc khi vay”, Ngân chia sẻ. 

Rút ngắn thời gian vay cũng là tiêu chí của các công ty tài chính, mà điển hình là công ty bảo hiểm P. hiện chỉ cho vay dài nhất là 48 tháng, chứ không còn thời hạn 5 - 7 năm như trước.

Bán nhà chạy lãi

Không chỉ vay mới vã mồ hôi, mà những người vay trước đây cũng khóc ròng với lãi ào ào tăng. Chị D., phóng viên một tờ báo ngày ở TP HCM, từ sau tết đến nay điêu đứng với khoản nợ 500 triệu đồng vay mua nhà từ ngân hàng T. Chị cho biết, mức lãi 13,5% một năm vay cuối năm 2008 giờ đã 19,8%. Nhưng tháng tới chị phải chịu mức lãi trên 20% mà ngân hàng này đang áp dụng. Số tiền cả gốc lẫn lãi ban đầu trả nhẹ nhàng, giờ thì hai vợ chồng chạy bở hơi tai, dù đã trả phần gốc khá lớn. Lẽ ra số tiền phải trả hằng tháng phải giảm đi, nhưng giờ cao hơn so với thời điểm dư nợ gốc còn lớn.

Hết tự tin với khả năng trả nợ, một số khách hàng vay mua nhà đành tính đến giải pháp không có trong suy nghĩ, là bán nhà chạy lãi. Anh Minh ở Bình Chánh vay 300 triệu của Ngân hàng Q. cho biết, đang rao bán căn nhà mới mua để trả nợ, vì lãi cao, cộng với thời gian vay ngắn khiến số nợ phải trả hàng tháng quá lớn. Đây cũng là giải pháp anh Thanh, biên tập viên một tờ tạp chí chọn. Dù phải bán nhà lỗ gần 50 triệu đồng, chịu phạt hơn 21 triệu đồng tất toán nợ trước hạn, nhưng anh Thanh cho rằng, mình vẫn còn may, bởi khoản nợ 700 triệu đồng của anh chỉ hơn một năm vay đã 4 lần tăng lãi, mà phần lãi mỗi tháng hơn 12 triệu đồng.

Theo Báo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn