'Vật thể lạ trong áo Trung Quốc' khiến bé trai ngất xỉu: Chuyên gia nêu nghi vấn

Sức khỏeThứ Ba, 23/02/2016 11:25:00 +07:00

Một chuyên gia trong lĩnh vực điện, điện tử cho rằng, muốn biết thiết bị đó gây hại cho trẻ thế nào cần mang đi kiểm nghiệm nhưng có thể, cái áo chật.

(VTC News) – Một chuyên gia trong lĩnh vực điện, điện tử cho rằng, muốn biết thiết bị đó gây hại cho trẻ thế nào cần mang đi kiểm nghiệm nhưng có thể, cái áo chật và bó sát khiến trẻ bị ngất xỉu.

Bà Châu Thị Giấy, nhà ở chợ Xuân Khánh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết, sáng 22/2 cháu ngoại Trương Ngọc Minh (8 tuổi) mặc áo thun do mẹ mua tặng dịp Tết từ người bán dạo. Sau gần 2 tiếng mặc, Minh kêu mệt mỏi, đau ở ngực rồi ngất.
Vật thể lạ trong áo: Ảnh VNE
Bà Giấy vội lột chiếc áo trên người Minh thì lúc sau cháu tỉnh lại. Mọi người trong gia đình bà Giấy kiểm tra chiếc áo, phát hiện “vật thể lạ” được bọc băng keo và gắn rất kỹ ngay trước ngực áo. Nó giống con chip điện tử, màu vàng, có gắn pin, hình tròn dẹt, nhỏ bằng đầu ngón tay.

Chiều 22/2, Công an quận Ninh Kiều đến nhà bà Giấy ghi nhận sự việc, thu giữ chiếc áo cùng vật thể lạ trong áo Trung Quốc để điều tra, làm rõ.

Trao đổi với phóng viên VTC News, bà Nguyễn Lan Ngọc chuyên gia về điện và thiết bị điện tử cho rằng: Cần phải kiểm tra để biết con chip đó hoạt động như thế nào thì mới biết chính xác nó gây tác hại đến sức khỏe trẻ hay không.

Bà Ngọc cho rằng, sau khi mặc 2 giờ, trẻ bị tức ngực thì có nhiều nguyên nhân như mặc áo quá chật, bó vào cơ thể nên trẻ khó thở dẫn đến ngất xỉu.

Khi biết thông tin này, một bác sỹ tại Trung tâm y học Thái Hà rất bất bình vì đây không phải là lần đầu những vật dụng cho trẻ bị gắn thiết bị lạ.
Vật thể lạ trong áo: Ảnh VNE
Mới đây, mũ len có xuất xứ Trung Quốc cũng bị gắn thiết bị điện tử ảnh hưởng việc nghe của trẻ.

Còn TS. Nguyễn Tuyết Xương, BV Nhi Trung ương tự đặt câu hỏi: Nhà sản xuất làm như vậy nhằm ý đồ gì?

Trẻ ngất xỉu đột ngột, cần làm gì?

Phân tích về chứng ngất xỉu, các chuyên gia cho rằng, đây là trạng thái mất ý thức đột ngột, thoáng qua làm người bất tỉnh, da tái nhợt. Phổi không thở hoặc như người ngạt thở. Tim không đập hoặc đập rất chậm và khẽ. Ngất liên quan đến tình trạng thiếu oxy não lan tỏa tạm thời.

Xỉu hay lịm là tình trạng mất ý thức không hoàn toàn, diễn ra từ từ và kéo dài hơn, là thể nhẹ hơn ngất. Có rất nhiều nguyên nhân gây ngất như bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, thần kinh, tiêu hóa và nội tiết ...

Trong đó, có ngất do các bệnh về hô hấp: Do ngừng hô hấp trong các trường hợp gây mê, trường hợp bị điện giật, chết đuối, viêm tủy xám, nhồi máu phổi, ngộ độc hơi độc.

Trong tăng thông khí, thường gặp bệnh nhân bị choáng váng, đôi khi ngất, xảy ra chủ yếu ở những người thần kinh bị kích động và lo âu, bệnh nhân thở nhanh và sâu làm đào thải khí carbonic quá mức, gây tình trạng nhiễm kiềm hô hấp thứ phát. Biểu hiện là bệnh nhân bị lú lẫn, chóng mặt, có cảm giác kiến bò, run lẩy bẩy, có khi có cơn co giật.

Khi trẻ có hiện tượng ngất cần đặt trẻ nằm đầu thấp hơn chân, cho ngửi tinh dầu thơm, nới quần áo chật hoặc những chỗ thắt chặt khác. Ðể đầu quay sang một bên nhằm đề phòng tụt lưỡi vào cổ họng hoặc hít phải chất nôn vào phổi. Nếu thân nhiệt thấp hơn bình thường thì cho đắp chăn ấm.

Sau khi đặt bệnh nhân nằm và nới lỏng quần áo, cần xoa bóp, kích thích lên cơ thể như giật tóc mai, tát vào má, đắp khăn ướt lên mặt, xoa bóp bằng cồn long não, cho ngửi amoniac, giấm...

Trong trường hợp ngất nặng, ngoài cách xử trí như trên còn phải làm hô hấp nhân tạo hoặc thổi ngạt, ấn tim ngoài lồng ngực.

Dân gian còn sử dụng một số cách sau khi trẻ ngất: Quả bồ kết nướng giòn, tán mịn, thổi nhẹ vào 2 lỗ mũi; hoặc đốt bồ kết, thổi khói vào 2 lỗ mũi. Cũng có thể dùng lông gà ngoáy kích thích niêm mạc trong mũi để gây hắt hơi.

Nếu chân tay lạnh, dùng gừng tươi 12 g, tỏi 4 g giã nhỏ, cho thêm 20 ml nước sôi, vắt lấy nước, lọc trong, sau đó cho thêm 5 ml rượu trắng, khuấy đều cho uống.

Nam Anh
Bình luận
vtcnews.vn