Vắng 'nhà báo' Mai Xuân Hiển, hoãn tòa xử vụ tống tiền CSGT tại Tiền Giang

Pháp luậtThứ Bảy, 06/07/2019 08:15:00 +07:00

Phiên xét xử vụ các “nhà báo” xưng làm ở báo Nhân đạo và Ðời sống cưỡng đoạt 250 triệu đồng của đội CSGT ở Tiền Giang được hoãn do vắng “nhà báo” Mai Xuân Hiển.

 Ngày 3/7, Tòa án Nhân dân TP Mỹ Tho (Tiền Giang) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ các “nhà báo” xưng làm ở báo Nhân đạo và Ðời sống cưỡng đoạt 250 triệu đồng của một đội CSGT thuộc Phòng CSGT Công an Tiền Giang. Tuy nhiên, phiên tòa đã buộc phải hoãn vì thiếu “nhà báo” Mai Xuân Hiển.

Có mặt tại phiên tòa là 2 bị can Phan Dũng (SN 1964, ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM) và Nguyễn Văn Uần (SN 1979, ngụ phường Tân Lập, TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bị Viện KSND tỉnh Tiền Giang truy tố tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo điểm a, khoản 3, Điều 170 Bộ luật hình sự.

Sau phần thủ tục, đại diện VKS đồng ý tiếp tục phiên tòa, tuy nhiên luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Uần yêu cầu hoãn phiên tòa vì “thiếu nhân chứng quan trọng” là ông Mai Xuân Hiển. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa theo đề nghị của luật sư bào chữa.

10c_tzuc

 Bị can Uần (áo trắng) và Dũng tại phiên tòa sáng 3/7.

Trước đó, khoảng 10 giờ ngày 28/7/2018, Dũng, Uần, Mai Xuân Hiển (SN 1980, ngụ huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) và Nguyễn Minh Phụng (SN 1972; ngụ quận 12, TP.HCM) đi trên ôtô 4 chỗ do Uần điều khiển đến đường dẫn cao tốc TP.HCM- Trung Lương (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) thì thấy tổ công tác của Phòng CSGT làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, do khoảng cách xa nên Phụng không quay clip được và đưa máy cho Dũng quay. Sau đó, do trời mưa nên cả ba quay lại và lên xe vì tổ CSGT không làm nhiệm vụ nữa.

Sau đó, 4 người đến Phòng CSGT và Hiển giới thiệu với ông L.A.T - đội trưởng của một đội CSGT thuộc Phòng CSGT Công an Tiền Giang - mình là phóng viên báo Nhân đạo và Đời sống, có đưa cho ông T. xem giấy giới thiệu. Sau đó, Hiển mở máy tính xách tay đọc cho ông T. nghe bài báo mình viết có liên quan đến sai phạm của tổ tuần tra, có nội dung: “… Chặn dừng xe, kiểm tra chớp nhoáng…” và nói sáng mai (29/7/2018) sẽ cho đăng bài báo này lên báo Nhân đạo và Đời sống. Còn Dũng mở camera cho ông T. xem clip CSGT nhưng không rõ ràng. Ông T. có năn nỉ bỏ qua nhưng Dũng, Hiển không đồng ý và nhận xét: “Sai phạm quá rõ ràng không thể bỏ qua được”. Rồi cả nhóm bỏ đi về.

Sau nhiều lần trao đổi qua lại bằng điện thoại, cuối cùng Dũng và Uần hẹn ông T. đến TP.HCM nhận 250 triệu đồng thì bị bắt quả tang. Tuy nhiên, sau khi điều tra chỉ có Dũng, Uần bị đề nghị truy tố. Riêng Mai Xuân Hiển, theo kết luận điều tra, “trong vụ án cưỡng đoạt tài sản này, ngoài Dũng, Uần thì cả hai còn khai Hiển cùng trực tiếp tham gia với vai trò chủ mưu. Tuy nhiên, Hiển chỉ thừa nhận trong hai ngày 28 và 29/7/2018 có cùng Dũng và Uần đến Tiền Giang nhưng không thừa nhận tham gia cưỡng đoạt, vì vậy không đủ cơ sở để khởi tố Hiển.

Ai là chủ mưu?

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 3/7, Mai Xuân Hiển được mời với tư cách nhân chứng nhưng đã không có mặt. Ngoài ra, bị hại là ông T., thuộc CSGT tỉnh Tiền Giang cũng không có mặt tại phiên tòa.

Theo vị luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn Uần, trong các bút lục lời khai của Dũng và Uần đều khai Mai Xuân Hiển là chủ mưu trong vụ cưỡng đoạt tài sản nói trên; và ngay cả bị hại là ông T. cũng khai ông Mai Xuân Hiển là chủ mưu… nên cần sự có mặt của ông Mai Xuân Hiển để thực hiện việc đối chất nhằm làm rõ các lời khai của các bị can và bị hại. Vị luật sư này cũng đề nghị, nếu mời mà ông Mai Xuân Hiển không đến thì cần có biện pháp cưỡng chế áp giải đến phiên tòa.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn