Vàng giảm kỷ lục: Ai hưởng lợi, ai 'chết'?

Kinh tếThứ Bảy, 29/06/2013 06:39:00 +07:00

(VTC News) - Giá vàng biến động nhanh và mạnh khiến không ít người hốt bạc nhưng cũng không ít người ngậm ngùi nhìn khối tài sản khổng lồ “bốc hơi”.

(VTC News) - Giá vàng biến động nhanh và mạnh khiến không ít người hốt bạc nhưng cũng không ít người ngậm ngùi nhìn khối tài sản khổng lồ “bốc hơi”.

Vàng “sinh” nhiều rủi ro

Trong suốt tuần này, cả giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đều ghi nhận những phiên biến động rất mạnh và liên tục lập “đáy” mới. Trong đó, đáng kể nhất là sáng 28/6, thời điểm giá vàng trong nước chạm ngưỡng thấp kỷ lục của nhiều năm qua 34 triệu đồng/lượng (mua vào).

Đây là thời điểm giá vàng trong nước có tốc độ giảm mạnh hơn giá vàng thế giới nên chênh lệch giữa hai mức giá rút xuống “chỉ” còn khoảng 4 triệu đồng/lượng. Trong những phiên gần đây, con số này dao động từ 5 tới 6 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, mức chênh lệch thấp này không tồn tại được lâu. Tới gần trưa, giá vàng phục hồi mạnh mẽ. Tới chiều, đà tăng được củng cố, giá vàng trong nước vọt lên mức 37 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, giá vàng thế giới dù tìm lại ngưỡng 1.200 USD/ounce nhưng tốc độ tăng rất chậm chạp.

Nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng vọt chính là việc người đổ xô tới các cửa hàng để gom vàng. Động thái này khiến chênh lệch giữa hai mức giá lại vọt lên hơn 5 triệu đồng/lượng.

Mua vàng
Mua vàng tại thời điểm này nhà đầu tư gặp phải khá nhiều rủi ro 
Ts Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng đánh giá đây là mức chênh lệch rất cao, có thể mang tới nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, ông Hiếu còn cho rằng khoảng cách giữa mức giá mua vào và bán ra quá cao tại các cửa hàng vàng cũng là một rủi ro khác của người mua vào. Giao dịch không đúng thời điểm, nhà đầu tư có thể chịu thiệt hại.

Trong những phiên giá vàng biến động mạnh, cả hai yếu tố này xuất hiện cùng một lúc. Vào buổi sáng 28/6, khoảng cách giữa giá bán ra và mua vào trên thị trường phổ biến ở mức 1 triệu đồng/lượng. Tới chiều, con số này đã giảm nhưng vẫn ở mức cao ngất ngưởng 700.000 đồng/lượng. Thông thường, con số này chỉ dao động từ 100.000 tới 200.000 đồng/lượng, có thời điểm thậm chí còn thấp hơn.

Không ít nhà đầu tư đã biết được điều này nhưng vì tham rẻ nên đã chịu lỗ trong ngày 28/6. Chị Ngô Thu Thủy (Bắc Giang) chia sẻ: “Tôi mua vàng ở mức giá 36,60 triệu đồng/lượng. Tới chiều giá vàng tăng lên 37 triệu đồng/lượng nhưng đây là mức giá mà cửa hàng vàng bán ra. Còn giá họ mua vào thấp hơn tới 700.000 đồng, nghĩa là chỉ 36,30 triệu đồng/lượng. Cứ tưởng lãi, hóa ra lại lỗ 300.000 đồng/lượng”.

“Nhưng đây chỉ là con số tính toán chứ tôi chưa bán ra nên chưa phải chịu lỗ thực. Tôi hy vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên, tôi vẫn rất lo lắng vì nhiều người dự báo giá vàng thế giới có thể giảm xuống 1.000 USD/ounce. Nếu điều đó xảy ra, không biết giá vàng trong nước sẽ giảm sâu tới đâu. Nói chung, nắm giữ vàng bây giờ là rất rủi ro. Nhưng vì khả năng sinh lợi của vàng vẫn cao nên tôi đành liều mua vào” - Chị Thủy không giấu được nỗi lo lắng khi nắm giữ vàng.

Ai thiệt hại, ai hưởng lợi?

Trong bối cảnh nắm giữ vàng gặp phải nhiều rủi ro như hiện nay, chắc chắn sẽ có những người may mắn lãi lớn nhưng sẽ có những người lỗ khủng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết hiện tại giá vàng trong nước giảm mạnh cùng giá vàng thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng, không cho doanh nghiệp nào nhập khẩu nên lợi là thuộc về ngân hàng, thiệt về người dân.

Ông Long phân tích đáng lẽ ra khi giá vàng thế giới giảm, người dân phải được hưởng. Nhưng thực tế, giá thế giới đi xuống, người dân chỉ hưởng theo xu hướng giảm vì chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ở mức rất cao.

Theo ông Long, giá vàng thế giới được dự báo giảm xuống 1.000 USD/ounce nên giá vàng trong nước phụ thuộc giá vàng thế giới và giảm theo. Nhưng điều quan trọng hơn cả đó là xem mức chênh lệch là bao nhiêu.

mua vàng
Ai cũng có thể được hưởng lợi hoặc mất mát khi nắm giữ vàng 
TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội lại có cách đánh giá khác. Ông Phong cho biết việc giá vàng giảm mạnh phản ánh động thái giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới. Bên cạnh đó, giá vàng giảm vì đây là thời điểm sát ngày tất toán trạng thái vàng, nhu cầu vàng giảm thiểu, Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán. Bên cạnh đó các hoạt động kinh doanh khác cũng đã cảm nhận được sự xuống của cầu.

Giá vàng giảm mạnh rồi tăng là phản ánh tự nhiên của các nhà cung cấp trước bối cảnh nghi ngờ giá vàng thế giới có thể tăng trở lại. Cộng với tâm lý có thể tạo sóng trong giới kinh doanh đã tạo ra sự lên xuống mạnh trên thị trường.

Nhưng ông Phong khẳng định giá vàng lên, xuống 1 triệu trong ngày đúng là cao nhưng không phải quá hoảng hốt. Có thời điểm, giá vàng tăng đột ngột hơn rất nhiều. Một ngày có thể tăng cả chục lần. Đây chỉ tăng một lần.

Giãn cách giá mua vào và bán ra lớn phản ánh tâm lý đó của giới kinh doanh. Thứ nhất, theo ông Phong, họ đề phòng trường hợp giá vàng tăng lại nên để giãn cách lớn. Trong lịch sử, hàng năm nay, giá vàng chưa bao giờ xuống thấp như thế. Đây còn là cơ hội để kiếm tiền. Họ làm chậm tốc độ xuống để giữ lợi nhuận cao hơn. Điều này cũng bình thường.

Việc giãn cách giá mua vào và bán ra lớn tại các cửa hàng đương nhiên giúp giới kinh doanh có lợi, khách hàng thiệt hơn, chịu nhiều rủi ro hơn. Nhưng ông Phong nhận định Nhà nước không cần phải quản lý mức chênh lệch này vì sau khi doanh nghiệp mua vàng và tung ra thị trường, thị trường lên thì giá lên, thị trường xuống thì giá xuống.

Ngân hàng Nhà nước chỉ độc quyền nhập khẩu vàng chứ không quản lý giá trần bán vàng. Đây là điều nên làm để tránh việc chỉ đạo cứng quá gây nên cảnh lạm dụng hoặc làm mất giá thị trường. Nếu Ngân hàng Nhà nước áp giá bán, khi giá vàng tăng, Ngân hàng Nhà nước phải tung vàng ra bán với giá thấp hơn. Điều đó còn nguy hiểm hơn.

Còn người dân có quyền của mình. Đó là quyền lựa chọn và từ chối. Nếu thấy rẻ thì mua vào, đắt thì không mua nữa. Chính vì vậy, người thiệt hại lớn nhất là người mua vào giá cao, bán ra giá thấp. Người hưởng lợi là người mua vào giá thấp, bán ra giá cao.

Ông Phong đánh giá thực tế, cả ngân hàng, người dân và doanh nghiệp đều rơi vào cả hai trường hợp trên. Nhiều ngân hàng đã mua rất nhiều vàng từ thời điểm giá cao. Đến nay, vàng không bán được, giá vàng giảm, họ phải chịu lỗ. Không chỉ riêng ngân hàng, người dân cũng vậy. Tùy từng trường hợp cụ thể, các đối tượng có thể dễ dàng chuyển từ người chịu thiệt sang người hưởng lợi và ngược lại. Tất cả tùy thuộc vào thời điểm giao dịch.

Thanh Hà

Bình luận
vtcnews.vn