Văn Quyến- Bi kịch của "vua quảng cáo"

Thể thaoThứ Năm, 12/04/2012 02:36:00 +07:00

Khi Lê Công Vinh đã được coi là ngôi sao số 1 của BĐVN thì Vinh cũng chưa thể trở thành một thỏi nam châm hút những bản hợp đồng quảng cáo như đàn anh Văn Quyến

Khi Lê Công Vinh đã được coi là ngôi sao số 1 của BĐVN thì Vinh cũng chưa thể trở thành một thỏi nam châm hút những bản hợp đồng quảng cáo như đàn anh Văn Quyến.

Thời còn ở đỉnh cao, Văn Quyến từng được xưng tụng là Vua quảng cáo. Bi kịch thay, chính anh là nạn nhân của cuộc sống vương giả sau những bản hợp đồng kếch xù thu được.


Nổi lên từ VCK giải VĐ U16 Châu Á tổ chức tại Đà Nẵng, Quyến "béo" khiến  người ta phải thốt lên rằng: "A thần đồng của bóng đá Việt Nam đây rồi". Nhưng giải đấu đánh dấu sự trưởng thành của Quyến chính là SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam, giải đấu mà Quyến đã thăng hoa với những siêu phẩm để đời. Và dù để tuột mất chiếc HCV vào tay người Thái, nhưng Quyến vẫn được ghi nhận như một ngôi sao sáng chói. Bằng chứng, chỉ 1 năm sau, anh đoạt danh hiệu QBV Việt Nam 2003.

Công Vinh thua xa Văn Quyến về khả năng hút quảng cáo

Cuộc sống của Văn Quyến đổi thay đến chóng mặt. Mà nói như chiến hữu Nguyễn Ánh Cường (đá cặp với Quyến tại giải U16 châu Á): "Sau một sáng thức giấc, thằng Béo đã bị cục tiền rơi trúng trốc (đầu)". Hàng loạt các đối tác xếp hàng mời văn Quyến tham gia casting. Quyến nhanh chóng giàu có với những bản hợp đồng béo bở, mang về hàng tỷ đồng.


Anh kí với hãng điện tử LG bản hợp đồng có thời hạn 1 năm trị giá 13.000USD (trong đó có 3000 USD bằng hiện vật: TV, điện thoại di động cùng một số vật dụng cá nhân khác). Bên cạnh đó, Quyến còn quảng cáo cho hàng loạt nhãn hàng như Pepsi, hãng xe máy Hamun, nước tăng lực Super Horse... Ước tính tất cả những hợp đồng quảng cáo này đã giúp Quyến kiếm được hàng tỷ đồng, còn đội bóng xứ Nghệ cũng được thơm lây với số tiền khoảng 600 triệu đồng.

Quyến "béo"- thời oanh liệt nay còn đâu

Như chuyện cổ tích, cậu bé chăn trâu cắt cỏ ở xứ Hưng Nguyên ngày nào, bỗng chốc biến thành hoàng tử trong nháy mắt. Quyến sống chẳng khác gì công tử, đế vương. Anh xài hàng hiệu, chơi đồ khủng. Chân dài, bay đêm... là những thứ không thể thiếu trong đời sống của "Thằng béo" lúc bấy giờ.

Bi kịch thay, sau năm 2004, phong độ của Quyến sa sút thảm hại. Và năm 2005, thực sự là năm "mạt vận" của Quyến, khi anh dính vào vụ án bán độ tại SEA Games 23 (Bacolod, Philippines). Từ một ông vua quảng cáo sống trong hào quang của tiền bạc, được bạn bè xưng tụng, Quyến đánh mất tất cả những gì ông trời ban cho. Nếu thời gian có quay trở lại, có lẽ Quyến sẽ xin không làm vua quảng cáo nữa, bởi đơn giản, chính nó là hố sâu chôn vùi sự nghiệp của cậu bé vàng của ĐTVN. Nhưng muộn rồi, Quyến ơi.

Những ông vua quảng cáo

Danh thủ Hồng Sơn nổi lên như một ngôi sao không chỉ trên sân bóng mà còn cả ở địa hạt quảng cáo. Anh là đại diện cho hãng dầu gội đầu Rejoy, Pepsi, Yamaha. Trong nam có Lê Huỳnh Đức được CLB Lifan Trùng Khánh mượn sang chơi tại giải nhà nghề Trung Quốc, nhưng thực chất đây là "chiêu" để bán xe máy Lifan ở Việt Nam. Tiền vệ Võ Hoàng Bửu cũng từng làm diễn viên cho thuốc đau đầu Panadol...

Sau này, Văn Quyến nổi lên với hàng chục bản hợp đồng lớn nhỏ. Khi Quyến xuống thì đến lượt Công Vinh, Tài Em, Minh Phương, Thanh Bình...thay nhau đi làm diễn viên. Trong số này, có lẽ Công Vinh là người đắt show nhất. Vinh trở thành đại diện cho một khu resort 5 sao tại Vũng Tàu, rồi một hãng Đông Dược, hay cùng Tài Em, Phước Tứ tham gia vào một chiến dịch quảng cáo của Panasonic.

Cựu đội trưởng ĐTVN, Minh Phương vào năm 2005 đã được hãng thực phẩm Nutifood mời quảng cáo cho một sản phẩm sữa với giá trị 10000 USD/3 năm (Minh Phương được hưởng 20-50% giá trị hợp đồng). Không chỉ các cầu thủ mà ông Calisto cũng trở thành gương mặt cho hãng bia Zorok. Hay trước đó, ông Riedl tham gia quảng cáo cho một hãng nồi cơm điện.

Theo BĐ&CS

Bình luận
vtcnews.vn