Văn phòng Chủ tịch nước công bố 9 luật và nghị quyết

Thời sựThứ Hai, 16/07/2012 06:51:00 +07:00

Chiều 16/7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 Luật và 2 Nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ ba

Chiều 16/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố bảy Luật và hai Nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ ba.
7 Luật được công bố lần này gồm Luật giá; Luật giám định tư pháp; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật quảng cáo; Luật tài nguyên nước (sửa đổi); Luật biển Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013; Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014.

2 Nghị quyết về việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân cũng đã được công bố tại buổi họp báo.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, Luật giá gồm 5 Chương, 48 điều. So với Pháp lệnh giá, Luật giá có điểm mới là quy định chế độ phải công khai thông tin về giá đối với cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hạn chế thị trường ngầm, tạo ra sự đồng thuận chung trong xã hội về chủ trương quản lý, điều hành giá để có những phản ứng tâm lý tích cực của người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại cuộc họp báo công bố luật chiều 16/7/2012 (Ảnh: Dân trí). 

Pháp lệnh giá trước hết là quy định về điều hành giá của Nhà nước, sau đó mới quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và không có quy định quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng.

Luật giá trước hết đã khẳng định và quy định rõ ràng hơn về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, sau đó mới quy định về hoạt động điều tiết giá của Nhà nước. So với Pháp lệnh giá, Luật giá cũng đã quy định rõ về nghĩa vụ niêm yết giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để quy định này đi vào cuộc sống.

Với việc Luật giá được thông qua, Việt Nam sẽ có một môi trường pháp lý công khai, minh bạch để quản lý, điều hành giá của toàn bộ nền kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường và cam kết quốc tế; là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần giúp Việt Nam được cộng đồng quốc tế xem xét, công nhận là nền kinh tế thị trường.

Từ môi trường pháp lý đó sẽ có căn cứ để điều hành giá cả vận động theo các quy luật kinh tế khách quan nhưng không thoát ly vai trò điều tiết của Nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, xác lập nguồn thu hợp lý và ổn định, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cảu xã hội, làm lành mạnh nền tài chính quốc gia…

Luật giám định tư pháp được thiết kế 8 Chương với 46 điều quy định về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp. Về phạm vi giám định tư pháp, Luật có mở rộng hơn so với quy định của Pháp lệnh.

Theo quy định của Luật, đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền tự yêu cầu giám định tư pháp sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Quy định này của Luật đã mở ra cơ hội mới, tạo điều kiện chủ động cho các bên đương sự chủ động thu thập chứng cứ để chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đây là bước tiến đáng kể trong hoạt động tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp, tăng cường dân chủ hóa hoạt động tố tụng, góp phần mở rộng quyền tự do dân chủ của công dân, hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cho biết Luật phổ biến, giáo dục pháp luật có 5 Chương, 41 điều quy định về quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; chính sách của Nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật và xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật; nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật chung cho công dân và cho một số đối tượng đặc thù.

Luật lấy ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân. Đây là ngày Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Hiến pháp năm 1946 - đạo luật cơ bản đầu tiên của Nhà nước Việt Nam.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng giới thiệu một số nét chính của Luật xử lý vi phạm hành chính gồm 6 phần, 12 Chương, 142 điều. So với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Luật đã có sự thay đổi theo hướng hạn chế áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi...

Một điểm thay đổi trong đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là trường hợp người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định, nếu theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sẽ thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, tuy nhiên, theo Luật này, đối tượng đó sẽ được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thay vì đưa vào trường giáo dưỡng.

Liên quan đến việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, ông Phạm Quý Tỵ cho biết Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp, có nhiều quy định mang tính nhân đạo, có lợi cho người vi phạm, nhiều quy định mang tính chuyển tiếp, do vậy, ngày 20/6/2012, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2012/QH13 về việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính để hướng dẫn thi hành Luật.

Kể từ thời điểm công bố Luật đến khi Luật có hiệu lực (kể từ ngày 1/1/2014), không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Người có hành vi bán dâm bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý đã được quy định tại Bộ luật Hình sự hoặc nhiều lần có hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối trật tự công cộng.

Luật quảng cáo gồm 5 Chương, 43 điều. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải cho biết Chương I của Luật gồm 11 điều, cơ bản tập trung quy định những vấn đề có tính nguyên tắc.

Điểm mới của Chương này là đã quy định cụ thể những loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo gồm thuốc lá, rượu từ 15 độ trở lên, sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, bình vú và vú ngậm nhân tạo; sản phẩm hàng hóa có tính chất kích dục và kích động bạo lực; súng săn, đạn súng săn, vũ khí thể thao.

Ngoài ra Luật còn quy định Chính phủ căn cứ vào tình hình phát sinh trên thực tế để quy định những loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo.

So với Luật tài nguyên nước hiện hành, Luật tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung 39 điều mới hoàn toàn về nội dung và sửa đổi, bổ sung 40 điều.

Luật có 10 Chương, 79 điều, bổ sung quy định một số dự án liên quan đến khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng và tổ chức, cá nhân liên quan nhằm đề cao trách nhiệm, minh bạch thông tin về những tác động tiêu cực có thể gây ra ngay từ khi chuẩn bị thực hiện dự án.

Luật cũng quy định phân loại lưu vực sông, nguồn nước làm căn cứ phân công, phân cấp quản lý và bổ sung quy định về phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước.

Tóm tắt một số nội dung của Luật Biển Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết với 7 Chương và 55 điều, Luật Biển Việt Nam quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam , phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia. Mọi cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Nhà nước phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền biển, đảo; khuyến khích việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển; khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Luật biển Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Nhà nước ta là giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước láng giềng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Nhà nước ta đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có nhiều lĩnh vực hợp tác cụ thể về biển và đại dương.

Nghị quyết số 29/2012/QH13 về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 21/6/2012.

Theo đó, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng công trình hạ tầng kinh tế xã hội cũng được giảm 30% số thuế thu nhập phải nộp năm 2012.

Theo TTXVN

Bình luận
vtcnews.vn