Văn kiện Đại hội XIII cần nêu bật cơ chế chính sách với kinh tế tư nhân

Tài chínhThứ Ba, 10/11/2020 07:26:00 +07:00
(VTC News) -

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long góp ý văn kiện Đại hội XIII, cho rằng văn kiện cần nêu rõ hơn cơ chế chính sách để kinh tế tư nhân phát huy hết sức mạnh.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Kinh tế tư nhân đã trở thành “chân kiềng” vững chắc của nền kinh tế Việt Nam”. Trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, KTTN (KTTN) tiếp tục được nhấn mạnh là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN).

Điều đó chứng tỏ sau hơn 30 năm đổi mới, từ vị trí không được thừa nhận, bị hạn chế phát triển, KTTN ở Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể, với việc từng bước được “cởi trói” và dần trở thành một thành phần không thể thiếu trong nền kinh tế. Song, cơ chế chính sách với KTTN vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ trong Văn kiện Đại hội XIII.

VTC News giới thiệu ý kiến của PGS. TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) về vấn đề này.

Văn kiện Đại hội XIII cần nêu bật cơ chế chính sách với kinh tế tư nhân  - 1

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường; đất nước đang đứng trước thời cơ, thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức đan xen; cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để đất nước ta phát triển nhanh và bền vững hơn.

Một trong các quan điểm phát triển chủ đạo xuyên suốt của chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 được nêu trong “Dự thảo báo cáo chính trị của ban chấp hành trung ương Đảng khoá XII” tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là: “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN trong đó coi KTTN là động lực quan trọng của nền kinh tế; Khuyến khích phát triển KTTN là tư duy đột phá, một tác động mang tính chuyển đổi của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội”. Đây là nội dung được cộng đồng xã hội quan tâm.

Kinh tế tư nhân đột phá

Lịch sử 90 năm phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi nhận những bước đột phá trong tư duy phát triển kinh tế. Đảng thừa nhận kinh tế thị trường là phương thức phát triển kinh tế năng động nhất mà nhân loại đã tìm ra, là sản phẩm của nền văn minh nhân loại, chứ không phải chỉ là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản. Đây là bước ngoặt về đổi mới tư duy về phát triển kinh tế của Đảng, mở đường cho đất nước phát triển, để người dân thực hiện quyền tự do kinh doanh.

Tuy nhiên, từ chỗ kỳ thị kinh tế thị trường chuyển sang thừa nhận và phát triển kinh tế thị trường, chúng ta không tránh khỏi tình trạng “thận trọng, dò đá qua sông” khi phát triển KTTN trong nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Một trong những bước tiến lớn về nhận thức, bước đổi mới tư duy của Đảng phải kể đến đó là đưa KTTN thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Chúng ta đều nhớ quãng thời gian cách đây chưa xa khi hoạt động kinh doanh tư nhân bị coi thường và phân biệt đối xử. Khu vực tư nhân vẫn là một thuật ngữ cấm kỵ, chưa nói đến việc được chính thức công nhận và thường được gọi là “khu vực ngoài nhà nước" trong các văn kiện chính thức của Đảng và Chính phủ tới tận cuối những năm 90. Thậm chí Đảng viên đã không được phép tham gia kinh doanh. 

Qua từng thời kỳ Đại hội Đảng, sự tồn tại và phát triển cũng như vai trò của khu vực KTTN dần được khẳng định và nhấn mạnh tầm quan trọng. Năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ VI với chính sách “Đổi mới” đặt dấu mốc vô cùng quan trọng cho sự phát triển của khu vực tư nhân. Theo đó, khu vực KTTN chính thức được công nhận là bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và của nền kinh tế nhiều thành phần. Thay đổi trong nhận thức của Đảng đã tạo một bước ngoặt lớn cho khu vực KTTN, soi rõ và chỉ dẫn con đường mới cho thành phần kinh tế nhiều tiềm năng này.

Kể từ đó, qua các Đại hội VI đến XII, vấn đề phát triển KTTN nhiều lần được đưa ra thảo luận. Đến Đại hội VII, đặc biệt từ Hội nghị Trung ương 2, Khóa VII (1992) KTTN đã được coi trọng và khuyến khích phát triển “không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm”.

Đại hội IX của Đảng (năm 2001) khẳng định: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc”.

Văn kiện Đại hội XIII cần nêu bật cơ chế chính sách với kinh tế tư nhân  - 2

Kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. 

Tại Đại hội X (năm 2006), Đảng có những khẳng định mới về vai trò của KTTN khi coi KTTN là bộ phận cấu thành không thể thiếu, có vị trí quan trọng đặc biệt và ý nghĩa chiến lược trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đồng thời, khuyến khích thành phần kinh tế này phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tiếp theo của công cuộc đổi mới đất nước.

Đại hội XI của Đảng (năm 2011) tiếp tục xác định phải hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh KTTN trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Có thể thấy, quan niệm coi KTTN là “một trong những động lực của nền kinh tế” trong 2 kỳ Đại hội X và XI phản ánh bước tiến mới trong tư duy của Đảng về vị trí, vai trò của KTTN trong nền kinh tế Việt Nam.

Tại Đại hội XII (năm 2016), Đảng tiếp tục khẳng định KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Văn kiện Đại hội XII nhấn mạnh việc: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh KTTN ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”. 

Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XIII, Đảng lại tiếp tục khẳng định KTTN là một động lực quan trọng; tiến thêm một bước: “Khuyến khích phát triển KTTN ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, phát triển thành các tập đoàn KTTN mạnh, có sức cạnh tranh cao Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ; phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động”.

Có thể thấy đây là một tư duy mang tính đột phá trong nhận thức và lý luận của Đảng về KTTN. Chủ trương “Hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi phát triển mạnh KTTN ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế” đã được dự thảo văn kiện đại hội XIII  chỉ rõ.

Nhìn lại quá trình nhận thức về KTTN từ Đại hội VI của Đảng đến nay, Đảng đã luôn chú trọng đến phát triển khu vực kinh tế này. Quá trình thay đổi quan điểm nhận thức của Đảng cũng là một chặng đường đổi thay nhanh chóng của khu vực KTTN. Với việc nhấn mạnh khu vực tư nhân là “động lực quan trọng” của nền kinh tế, chủ trương của Đảng đã tháo gỡ mọi vướng mắc trong nhận thức, mở đường cho thành phần kinh tế này trở mình lột xác, phát triển.

Sau hơn 30 năm đổi mới với những đóng góp lớn vào quy mô GDP, cơ cấu vốn và việc làm cho nền kinh tế, KTTN từ một thành phần kinh tế vô thừa nhận đã trở thành một trong ba trụ cột quan trọng, đóng vai trò đầu tàu cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Có thể nói, chưa bao giờ KTTN lại được Đảng, Nhà nước quan tâm như hiện nay, là kết quả của quá trình thay đổi nhận thức, đột phá tư duy qua các thời kỳ.

Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và nhiều giải pháp đã được triển khai để cải thiện môi trường kinh doanh và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc góp phần phát triển KTTN theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng.

Những dẫn chứng trên cho thấy sự xác nhận thành phần KTTN trong nền kinh tế đất nước là cả quá trình nhận thức của Đảng, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại và tình hình thực tế của đất nước, hoàn toàn đúng với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với quan điểm phát huy nội lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng. Đây chính là thành quả của sự đổi mới tư duy lãnh đạo kinh tế của Đảng, là sự nỗ lực của khu vực KTTN.

Sự tăng trưởng ngày một mạnh mẽ của Kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nước ta được thể hiện rất rõ nét. Từ chỗ chỉ tồn tại thoi thóp, cầm chừng trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, luôn luôn lo ngại về nguy cơ bị cải tạo, bị phân biệt đối xử không chỉ trong ý thức xã hội mà còn cả trong cơ chế, chính sách nhà nước, KTTN đã vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho xã hội và phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có ở mỗi địa phương cũng như trong cả nước.

Thực tiễn của nước ta trong giai đoạn 2015 - 2020, khi chính sách kinh doanh rõ ràng, nhiều tập đoàn tư nhân mạnh đã hình thành và phát triển. Những tên tuổi Vingroup, Massan, Vietjet, Hòa Phát… đã vươn tầm quốc tế. Tư nhân đã dám đầu tư xây sân bay, đầu tư ngành công nghiệp ô tô, ngành công nghiệp thép, các tập đoàn mua bán lẻ… Kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực KTTN trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước

Văn kiện Đại hội XIII cần nêu bật cơ chế chính sách với kinh tế tư nhân  - 3

Nhiều tập đoàn tư nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, vươn tầm thế giới.

Cần cơ chế chính sách “thoáng” hơn

Mặc dù khu vực KTTN trong nước ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên những kết quả này vẫn còn thấp so với mức tiềm năng, tỷ trọng của khu vực này vẫn chưa xứng tầm và trì trệ, năng lực cạnh tranh còn thấp. Hầu như không có tương tác giữa FDI và các doanh nghiệp tư nhân trong nước, cơ hội tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất hạn chế. Doanh nghiệp FDI quy mô lớn chủ yếu vẫn phục vụ thị trường nước ngoài và hoạt động theo phương thức và công nghệ hiện đại, rất đối lập với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phục vụ thị trường trong nước, hầu như không gia nhập chuỗi giá trị với doanh nghiệp lớn.

Chỉ khi xác định rõ tính hai mặt của KTTN trên cơ sở đó xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với đối tượng rất phong phú về hình thức và nhiều cấp độ về tiềm lực này mới có thể phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể kinh tế này. Đồng thời, mọi cơ chế, chính sách đối với KTTN cũng cần được cụ thể hơn nữa theo hướng có sự phân biệt về lượng, không thể chỉ có một cơ chế chung cho tất cả mọi chủ thể thuộc thành phần KTTN vì nó sẽ là không phù hợp và do đó sẽ không thể có tính khả thi.

Văn kiện Đại hội XIII cần nêu bật cơ chế chính sách với kinh tế tư nhân  - 4

Ngo Tri Long 22.jpg

Để phát triển KTTN với tư cách là động lực phát triển của nền kinh tế, cần dỡ bỏ những rào cản, cải cách mạnh mẽ về thể chế.

PGS. TS Ngô Trí Long

Để phát huy vai trò của KTTN với tư cách là một động lực phát triển của nền kinh tế nước ta; Khuyến khích phát triển KTTN ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, thì cần phải ưu tiên cao hơn nữa nhiệm vụ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chỉ như những gì đang vận hành thôi thì chắc chắn là không đủ. Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được xác định là một trong ba giải pháp đột phá ngay từ Đại hội XI, song cho tới nay vẫn còn rất chậm do gặp phải những lực cản từ sự bất cập về năng lực của bộ máy quản lý nhà nước.

Để khuyến khích phát triển KTTN ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, trở thành động lực thực sự của nền kinh tế thì thể chế kinh tế phải đạt đến trình độ: Mọi chủ thể kinh tế đều được “làm tất cả những gì luật pháp không cấm”. Khi và chỉ khi đạt đến điều đó mới có thể tạo lập được sự bình đẳng thực tế giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trước mọi cơ hội và mọi quy định, chế tài của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, như tinh thần trong văn kiện khoá XIII của Đảng đã nêu. Tạo mọi cơ hội để các doanh nghiệp có thể khai thác và có một môi trường bình đẳng, công khai và minh bạch đối với tất cả mọi doanh nghiệp. Xét cho cùng, đó cũng chính là thực hiện tối ưu nhất vai trò kinh tế của Nhà nước.

Làm thế nào để các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đa phần có quy mô còn nhỏ, có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu? Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể mở rộng quy mô, chuyển sang mô hình doanh nghiệp nhằm phát huy lợi thế, tạo nhiều của cải hơn cho bản thân mình và cho cả xã hội? Vì thế, để phát triển KTTN với tư cách là động lực phát triển của nền kinh tế thì đồng thời cần dỡ bỏ những rào cản, cải cách mạnh mẽ về thể chế.

Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, khuyến khích, tạo bình đẳng trong phát triển, được bảo vệ và tạo cơ hội. Về tạo bình đẳng, trước hết là KTTN bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực. Kinh tế tư nhân được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật. Giảm sự chồng chéo, tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho KTTN.

Văn kiện Đại hội XIII cần nêu bật cơ chế chính sách với kinh tế tư nhân  - 5

Để phát triển KTTN với tư cách là động lực phát triển của nền kinh tế thì cần dỡ bỏ những rào cản, cải cách mạnh mẽ về thể chế.

Trao cơ hội là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm. Đẩy mạnh cổ phần hóa, chống độc quyền cũng là mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bình đẳng.

Tuy nhiên, để làm việc đó, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo các điều kiện cần và đủ trong sự vận hành khoa học của thể chế nhà nước. Nói cụ thể, ở đây, trên bình diện này, đặc biệt là về việc giảm tệ hành chính quan liêu, các thể chế kinh tế  cần được hiện đại hóa và cần được cải cách liên tục theo hướng bình đẳng về khuôn khổ pháp lý, cởi bỏ những rào cản về tâm lý, để cho phép khu vực tư nhân phát triển thịnh vượng.

Chừng nào còn có sự thiếu minh bạch về thay đổi cơ chế, chính sách, chừng đó còn có những doanh nghiệp bị đổ vỡ “oan”, chừng nào còn tồn tại sự chi phối của “lợi ích nhóm”, chừng đó đa số các doanh nghiệp tư nhân còn bị phân biệt đối xử nếu không chấp nhận sự chi phối của “nhóm” đó, chừng nào độc quyền nhà nước trao cho các doanh nghiệp nhà nước bị lạm dụng để biến thành độc quyền doanh nghiệp thì chừng đó các chủ thể thuộc KTTN còn gặp khó khăn và phải mất thêm nhiều chi phí khi tiếp cận các hàng hóa, dịch vụ công và các nguồn lực, các cơ hội khác,...

Cần ban hành cơ chế, chính sách kiến tạo để phát triển các tập đoàn KTTN mạnh; tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân lớn và lớn được. Cần có một chính sách khẳng định rõ ràng về việc các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ là trụ cột của nền kinh tế quốc dân và của năng lực cạnh tranh quốc gia.

Để phát huy được vai trò của khu vực tư nhân trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Thực hiện giải pháp này chính là khuyến khích, tạo mọi cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh. Cần khuyến khích các cơ sở khoa học, các nhà quản lý, các nhà khoa học liên kết với doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến cho doanh nghiệp.

PGS.TS Ngô Trí Long
Bình luận
vtcnews.vn