Văn hóa doanh nghiệp tạo nên sức hấp dẫn cho tổ chức

Kinh tếThứ Hai, 26/10/2015 02:00:00 +07:00

Nhiều người tìm việc giờ đây không chỉ quan tâm đến lương bổng trước khi quyết định bước chân vào một tổ chức.

(VTC News) - Nhiều người tìm việc giờ đây không chỉ quan tâm đến lương bổng trước khi quyết định bước chân vào một tổ chức. Văn hóa doanh nghiệp đã trở thành một tiêu chí đánh giá sức hấp dẫn của doanh nghiệp trong việc thu hút nhân sự. 

Điểm mặt những công ty đang đứng đầu các bảng xếp hạng nơi làm việc tốt nhất thế giới hiện nay, dễ nhận thấy Google, Microsoft, hay IBM đều sở hữu Văn hóa doanh nghiệp rất đậm nét.

Chẳng hạn, văn hóa của Google là sự cởi mở trong giao tiếp, ứng xử - tất cả mọi người trong công ty đều có thể thoải mái nêu quan điểm hay chia sẻ cảm nghĩ.
 
Nhân viên Google có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho các lãnh đạo của mình về bất kỳ vấn đề nào của công ty trong cuộc họp hàng tuần của toàn công ty. Thậm chí thiết kế văn phòng và quán cà phê của Google cũng khuyến khích sự tương tác giữa các nhân viên trong giờ làm việc hay lúc nghỉ ngơi.

Không chỉ lương bổng hay chế độ phúc lợi mà Văn hóa doanh nghiệp đã góp phần làm cho những tổ chức này trở thành nơi làm việc đáng mơ ước cho người lao động. Khi thu nhập đạt đến một mức nào đó, người ta sẵn sàng đánh đổi chọn mức thu nhập thấp hơn để được làm việc ở một môi trường hoà đồng, thoải mái, được đồng nghiệp tôn trọng và có cơ hội phát triển.

Hơn thế, những người thực sự có tài năng còn có khuynh hướng gắn bó với những tổ chức có văn hóa phù hợp với định hướng, mục tiêu và các giá trị cá nhân, có thể giúp họ đạt đến thành công trong sự nghiệp. Chính vì vậy, những tổ chức có văn hóa mạnh có sức thu hút các ứng cử viên tài năng và ngược lại.

Trên các trang như LinkedIn, Glassdoor và Indeed…, có một khối lượng vô cùng lớn dữ liệu là các đánh giá của người lao động về doanh nghiệp của mình, trong đó, những ý kiến xác đáng và các trao đổi đáng tin cậy về một doanh nghiệp, những câu chuyện có thật về một CEO… có thể được tham khảo và tác động tới quyết định ứng tuyển.
 
Đó là những thông tin có thể tiết lộ nhiều điều về văn hóa của tổ chức, bao gồm những giá trị cốt lõi, chính sách nhân sự, khả năng phát triển của nhân viên, môi trường làm việc... Sự quan tâm của người lao động cho thấy những yếu tố truyền thống như tiền lương, chức danh ... đang phải “cạnh tranh” tích cực với Văn hóa doanh nghiệp trong việc thu hút và giữ chân những tài năng thực sự.

Đối với các nhà quản lý, Văn hóa doanh nghiệp đang trở thành một cách thức quản lý hấp dẫn bởi hiệu quả tích cực nó đem lại. Một Văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ chính là chất keo kết nối giúp đoàn kết toàn bộ nhân viên trong một tổ chức, vốn đến từ các nền tảng khác nhau với thói quen và quan điểm văn hóa riêng của họ.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó TGĐ Techcombank, một ngân hàng TMCP hàng đầu ở Việt Nam cho biết, trong vài năm gần đây, ngân hàng đẩy mạnh xây dựng Văn hóa doanh nghiệp đề cao tính hợp tác, phối hợp làm việc của CBNV. Nền Văn hóa doanh nghiệp đó phù hợp với nguyên tắc quản trị hướng tới tính hiệu quả vì khách hàng của Techcombank.

Các hoạt động Văn hóa doanh nghiệp của Techcombank rất đa dạng, có chiều sâu, bao gồm văn hóa làm gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, tăng sự kết nối hỗ trợ hiệu quả giữa các bộ phận, xây dựng văn hóa cảm ơn đa chiều, thúc đẩy và lan tỏa niềm tin đối với những việc làm tốt, con người tốt trong ngân hàng… đã thực sự tăng cường sự gắn kết giữa mỗi cá nhân với ngân hàng. Minh chứng rõ nhất là con số 90% CBNV toàn ngân hàng khẳng định các hoạt động cải thiện mức độ gắn kết nhân viên là có hiệu quả (theo khảo sát Employee Engagement Survey – EES năm 2014).

Bên cạnh đó, các chính sách linh hoạt và động viên CBNV như nhân viên được nghỉ một ngày làm việc vào dịp sinh nhật (chương trình WeCare), nhân viên được lựa chọn khung giờ làm việc linh hoạt phù hợp hoàn cảnh cá nhân, lộ trình phát triển nghề nghiệp cho nhân viên, đào tạo nâng cao năng lực bằng nhiều hình thức… không chỉ làm cho CBNV ngày càng gắn bó với Techcombank mà còn khuyến khích họ nâng cao năng lực, phấn đấu làm việc đạt kết quả không chỉ tốt mà còn “tốt nhất”.

Bạn trẻ Nguyễn Thị Việt Hoài, nhân viên mới làm việc ở Techcombank Tràng An tâm sự: “Trước đây tôi chỉ nghĩ mình sẽ phấn đấu làm tốt công việc được giao, hoàn thành tốt KPI . Nhưng từ khi hiểu hơn về Văn hóa doanh nghiệp của Techcombank thì tôi đã thay đổi, tôi phấn đấu mạnh mẽ để cùng góp phần đạt mục tiêu chung của cả Ngân hàng, tạo mối quan hệ thân thiện với đồng nghiệp, tận tụy với các khách hàng, đóng góp một phần nhỏ bé để xây dựng hình ảnh Techcombank đẹp hơn”.

Còn anh Lữ Trọng Vân, Quyền Giám đốc dịch vụ ngân hàng ưu tiên, Techcombank chi nhánh Hà Thành cho rằng:  “Việc đẩy mạnh phát triển Văn hóa doanh nghiệp là một trong những yếu tố cốt lõi giúp Techccombank xây dựng được một hình ảnh khá đẹp và chuyên nghiệp trong mắt khách hàng, với sắc đỏ truyền thống quen thuộc. Khi bạn làm việc trong một  tập thể có tính chuyên nghiệp cao, luôn đề cao quyền lợi của khách hàng, thì chắc chắn sẽ truyền cho bạn lòng nhiệt huyết, đặt trách nhiệm với công việc lên hàng đầu.  Kết quả tất yếu là khách hàng của bạn sẽ được dùng dịch vụ tốt và luôn hài lòng”.

Một câu nói nổi tiếng của Simon Sinek, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực nhân sự, là “Khách hàng sẽ không bao giờ yêu quý một công ty cho tới khi chính nhân viên làm việc tại đó yêu quý công ty của mình”.

Khi Văn hóa doanh nghiệp xây dựng được một môi trường làm việc tích cực nuôi dưỡng sự sáng tạo và cho phép con người thực hiện được khả năng tốt nhất của họ; đồng thời, tạo sự gắn kết và thống nhất giữa doanh nghiệp và nhân viên, tất cả cùng chung chí hướng, chung niềm tin và các giá trị hành vi thì khi đó, văn hóa đã đảm bảo được nền tảng vững chắc cho sự thành công của cả doanh nghiệp cũng như mỗi cá nhân.

Biển Đông
Bình luận
vtcnews.vn