Văn bằng vừa làm, vừa học phải cùng chuẩn đánh giá với hệ chính quy.

Giáo dụcThứ Tư, 20/07/2016 13:28:00 +07:00

TS. Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT đã đóng góp nhiều ý kiến về Dự thảo Quy chế đào tạo đại học theo hình thức vừa làm, vừa học.

Bộ GD&ĐT vừa có Dự thảo Thông tư quy định về Quy chế trình độ đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học để xin ý kiến xã hội.

Thay đổi hệ vừa học vừa làm

Những năm gần đây, ngành đại học nước ta nổi lên sự cần thiết và cấp bách của việc nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo hình thức vừa làm vừa học (VLVH) nói riêng.

vua hoc vua lam

 

Hình thức VLVH được triển khai đào tạo trong những năm qua nhằm hỗ trợ người học là những người đã đi làm, hoặc những người không có điều kiện tham gia học tập như hệ chính quy.

Các quy định về tổ chức đào tạo đối với hình thức VLVH còn nhiều hạn chế, các cơ sở giáo dục đại học có thể tổ chức đào tạo với nội dung không đảm bảo như hệ chính quy, quy mô đào tạo nhỏ lẻ theo các hình thức liên kết với các trường ở địa phương, cơ sở vật chất kỹ thuật yếu kém, chất lượng đào tạo thấp dẫn đến mất lòng tin trong giới tuyển dụng đối với hình thức đào tạo này.

Vì vậy, Dự thảo này đã được được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa lên mạng xin ý kiến cách đây một tháng và đã nhận được những phản hồi tích cực từ các cơ sở đào tạo.

Dự thảo này quy định việc tuyển sinh đầu vào đối với hình thức vừa làm, vừa học được giao về cho các cơ sở giáo dục đại học đúng tinh thần của Luật Giáo dục đại học. Việc tuyển sinh sẽ được tổ chức theo hai phương thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Dự thảo cũng quy định kết quả đầu ra của hệ đào tạo này được kiểm soát để tiến tới tiếp cận chất lượng đào tạo như hệ chính quy.

Để thực hiện điều này, dự thảo đã quy định về chương trình đào tạo phải đảm bảo như chương trình đào tạo chính quy nhưng cho phép tổ chức đào tạo mềm dẻo, linh hoạt để phù hợp với đối tượng người học là những nhiều người học khác nhau.

Cụ thể, dự thảo quy định tổ chức đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học sẽ theo học chế tín chỉ, yêu cầu các sinh viên học hoặc thi kết thúc các học phần như hệ chính quy.

Như vậy, đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học đã có những bước đổi mới quan trọng, nhưng để quy định này trở thành hiện thực Bộ GD&ĐT cần rà soát thêm những quy định mang tính kỹ thuật của đào tạo tín chỉ.

Có như vậy, các trường có thể thực hiện nhất quán không chỉ trong mỗi trường mà còn đối với các lớp đào tạo theo liên kết.

Mềm dẻo

Với những quy định trong dự thảo đào tạo vừa làm, vừa học cho thấy công tác quản lý hệ thống đại học đã được đổi mới theo hướng tăng cường tự chủ, công khai, khuyến khích tính chủ động, năng động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học.

ts-le-viet-khuyen-1

 TS Lê Viết Khuyến (Ảnh: Phạm Thịnh)

TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng muốn có chất lượng đối với hệ vừa làm, vừa học phải có sự mềm dẻo về quy trình.

Ông Khuyến cho rằng ngoài sự mềm dẻo thì còn cần chặt chẽ về chất lượng đào tạo. Chất lượng được thể hiện ở kết quả đánh giá, chương trình đào tạo, điều này phải  tương đương với các chương trình chính quy.

“Dự thảo đã bám sát chương trình, nội dung và tiếp cận với đánh giá với hệ chính quy, nhưng cần mềm dẻo về quy trình, có nghĩa rằng thời gian của người học có thể dài ra, chứ không chỉ học tập trung trong một số năm.

Sự mềm dẻo ở đây, tức là người học có thể lấy kết quả học ở chính quy (đối với một số môn) thay cho chương trình học ở hệ vừa làm, vừa học. Cũng có thể được chấp nhận trong quá trình đánh giá thi cử, thể hiện ở việc số lần thi có thể nhiều hơn. Trên tinh thần như vậy thì người học sẽ học tốt” TS. Lê Viết Khuyến cho hay.

Cũng theo TS. Khuyến, để cho hệ này có chất lượng dứt khoát phải chấp nhận cùng chuẩn đánh giá với hệ chính quy.

“Nếu đúng như dự thảo này làm tốt chuẩn đánh giá thì rõ ràng chuẩn đầu ra giữa hệ chính qua và hệ vừa làm, vừa học sẽ được xã hội tin tưởng, yên tâm. Muốn vậy, tổ chức đào tạo sẽ phải nghiêm túc, không tổ chức lớp học riêng, không bớt thời gian, thầy phải chặt chẽ không khâu cho điểm.

Đích để đi tới là để đảm bảo làm sao cho người học có văn bằng được xã hội đánh giá bình đẳng với hệ chính quy” TS. Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Điều 3. Điều kiện tuyển sinh

1. Cơ sở đào tạo được tuyển sinh, đào tạo đại học theo hình thức VLVH những ngành đã có quyết định cho phép mở ngành đào tạo đại học chính quy và được tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ.

2. Các quy định của cơ sở đào tạo về phương thức tuyển sinh, số lần tuyển sinh, thời điểm tuyển sinh trong năm và địa điểm tổ chức tuyển sinh phải được đăng trên trang thông tin điện tử (website) của cơ sở đào tạo trước kỳ tuyển sinh 3 tháng.

3. Kế hoạch đào tạo được xây dựng phù hợp với việc tổ chức đào tạo theo hình thức VLVH.

4. Có đội ngũ giảng viên đủ số lượng, đạt chuẩn và đồng bộ về cơ cấu; có cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện đồng thời đào tạo chính quy và đào tạo theo hình thức VLVH.

5. Đã xây dựng và ban hành Quy chế tuyển sinh VLVH. Quy chế tuyển sinh VLVH của cơ sở đào tạo không trái với Quy chế tuyển sinh hệ chính quy hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định tại Quy chế này.

Điều 4. Đối tượng và điều kiện dự tuyển

1. Đối tượng dự tuyển đáp ứng được điều kiện sau:

a) Tính đến thời điểm xét tuyển, đã tốt nghiệp trung học phổ thông theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề, trung cấp nghề (sau đây gọi chung là trung cấp).

Người tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Có đủ sức khoẻ để học tập theo quy định hiện hành. Đối với những người tàn tật, khuyết tật, tuỳ tình trạng sức khoẻ và yêu cầu của ngành học, thủ trưởng cơ sở đào tạo xem xét, quyết định;

c) Đạt được các yêu cầu sơ tuyển nếu dự tuyển vào các trường có quy định sơ tuyển;

d) Trong độ tuổi quy định đối với các trường hoặc các ngành có giới hạn tuổi do các trường quy định;

e) Nộp đầy đủ, đúng thủ tục, đúng thời hạn các giấy tờ hợp lệ và lệ phí đăng ký dự tuyển.

2. Những người không đủ các điều kiện kể trên và những người thuộc diện dưới đây không được dự tuyển:

a) Không chấp hành Luật nghĩa vụ quân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang trong thời kỳ thi hành án hình sự;

b) Những người bị tước quyền dự tuyển sinh hoặc bị kỷ luật buộc thôi học chưa đủ thời hạn quy định tính từ ngày ký quyết định kỷ luật đến ngày dự tuyển;

c) Quân nhân hoặc công an nhân dân tại ngũ chưa được thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cho phép đi học.

Trích dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn