Vai trò của truyền thông trong công tác dân số

Tin tứcThứ Sáu, 18/09/2020 20:43:00 +07:00
(VTC News) -

Truyền thông có vai trò quan trọng với công tác dân số, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Vai trò của truyền thông trong công tác dân số

Thời gian qua, nhờ có công tác tuyên truyền mà những khẩu hiệu, pháp lệnh dân số được người dân biết đến và nhiệt tình hưởng ứng hơn. Công tác tuyên truyền được triển khai đến người dân bằng nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu và phù hợp với nhiều nhóm đối tượng.

Trong đó, chú trọng loại hình tư vấn đối thoại trực tiếp với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, các gia đình sinh con một bề... Góp phần vào sự thành công của công tác tuyên truyền phải kể đến những nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, những cộng tác viên (CTV), cán bộ y tế cơ sở... Lợi thế của người làm công tác tuyên truyền dân số đó là chính những cộng tác viên dân số, cán bộ y tế là những người sống ở ngay trong cộng đồng khu dân cư, họ có thể hiểu rõ nhu cầu, họ có thời gian gần gũi với dân nên mọi lúc, mọi nơi có thể tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe cho người dân hiệu quả nhất.

Nếu trong giai đoạn 1993-2000, đội ngũ cộng tác viên dân số mới chỉ tập trung tuyên truyền về KHHGĐ, chưa thực hiện truyền thông nhiều về các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản khác như là quyền sinh sản; làm mẹ an toàn; phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS; sức khỏe sinh sản vị thành niên; bình đẳng giới... thì từ sau năm 2000 đến nay, các cộng tác viên dân số có nhiệm vụ tuyên truyền, cung cấp các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân một cách toàn diện hơn.

 Vai trò của truyền thông trong công tác dân số  - 1

Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, theo cục Dân số (Bộ Y tế), mặc dù công tác truyền thông đã đạt được hiệu quả nhất định, nhưng vẫn chưa thật sự đi vào chiều sâu, mới tập trung vào các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, các vùng đông dân cư và kinh tế phát triển; chưa quan tâm triển khai được nhiều chiến dịch truyền thông dân số tới những vùng sâu, vùng xa, nơi mà trình độ dân trí còn thấp và cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn. Với đối tượng vị thành niên, nam giới, chưa có được nhiều nội dung tư vấn phong phú; nhất là dân tộc thiểu số và các tôn giáo.

Người cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản chưa được đặt đúng vị trí trong công tác truyền thông, vì thế họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tài liệu tư vấn về SKSS/KHHGĐ.Thiếu kiến thức hiểu biết về các vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản. Với nhiệm vụ chính trong giai đoạn hiện nay là tuyên truyền, cung cấp các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân một cách toàn diện, thì hạn chế này lại càng bộc lộ rõ.

Vì đội ngũ CTV dân số được tuyển chọn từ ngay trong cộng đồng, trên cơ sở lòng nhiệt tình tham gia với công tác xã hội là chính, cho nên họ hầu như không có chuyên môn về y tế, mặc dù hằng năm họ đều được tập huấn, nhưng thời gian tập huấn thường rất ngắn.

Ngoài ra, đối với đội ngũ làm công tác tuyên truyền viên dân số, ngành dân số sẽ tiếp tục nâng cao kiến thức, chuyên môn kỹ năng truyền thông và tư vấn cho đội ngũ này. Cần nghiên cứu, tìm ra những mô hình, giải pháp truyền thông, các dịch vụ SKSS/KHHGĐ phù hợp từng vùng, từng địa phương để chất lượng dân số càng được nâng cao.

Nội dung công tác tuyên truyền dân số trong tình hình mới

Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả mọi người, các cộng đồng và các quốc gia trên thế giới. Vì vậy truyền thông dân số trong tình hình mới cần nâng cao nhận thức về nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục cũng như tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh đại dịch.

Công tác tuyên truyền, truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỉ số giới tính khi sinh cao.

Nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cư trú, về cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ngoài ra, cần đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh, tập trung vận động, khơi dậy phong trào mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe tầm vóc, thể lực người Việt Nam nhằm đạt mục tiêu chiều cao người Việt Nam đạt 168,5 cm đối với nam, 157,5 cm đối với nữ khi đủ 18 tuổi, chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn