Vải thiều hút khách trên sàn thương mại điện tử

Thị trườngThứ Năm, 27/05/2021 16:13:44 +07:00

Đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử, vào siêu thị song song với xúc tiến xuất khẩu là cách bảo đảm tiêu thụ vải thuận lợi trong điều kiện dịch COVID-19.

Vải thiều hút khách trên sàn thương mại điện tử - 1

Vải thiều Bắc Giang lên sàn thương mại điện tử Lazada với nhiều sản phẩm tươi và được chế biến khác nhau. (Ảnh: VGP/Đỗ Hương)

Vừa lên sàn, đơn hàng bay về tới tấp

Theo ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã xây dựng các kế hoạch tiêu thụ vải thiều vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh vừa bảo đảm kết nối tiêu thụ vải thuận lợi. 

Từ ngày 19/5, vải thiều Thanh Hà của tỉnh Hải Dương đã được mở bán ngay trên trang chủ với vị trí ưu tiên trên sàn thương mại điện tử Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” cùng chính sách giá ưu đãi, hấp dẫn, hướng tới thị trường người tiêu dùng trong cả nước.

Ngày 24/5 vải thiều Thanh Hà tiếp tục được bán trên sàn thương mại điện tử Sendo. Đại diện Sendo cho biết, chỉ sau hơn 4 tiếng mở bán, đã có hơn 3 tấn vải thiều Thanh Hà được khách hàng đặt mua.

Nhà cung cấp và Sendo đang triển khai chính sách kinh doanh không lợi nhuận, hỗ trợ giá để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm đúng nguồn gốc. Hiện giá mua tại vườn của vải đưa lên sàn là 25.000 đồng/kg, song giá niêm yết tại sàn chỉ từ 18.000 đồng/kg.

Ngoài ra, khi đặt mua vải Thanh Hà trên sàn Sendo, khách hàng còn được ưu đãi 1.000 mã miễn phí vận chuyển, tối đa 30.000 đồng/mã áp dụng cho mọi hình thức thanh toán. Nếu thanh toán qua ứng dựng ZaloPay sẽ có thêm 1.500 mã vận chuyển, tối đa 35.000 đồng/mã. Chương trình áp dụng từ ngày 24-27/5.

Ngoài sàn Sendo, Voso, vải Thanh Hà cũng đang được bán trên sàn thương mại điện tử Lazada. Theo đánh giá, vải thiều Thanh Hà bán qua sàn Lazada rất tốt, đơn đặt hàng nhiều hơn mong đợi của chủ sàn Ladaza.

Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ, đơn vị chuyên thu mua cung cấp vải thiều cho các sàn thương mại điện tử cho biết, sau vài ngày đưa vải thiều Thanh Hà lên sàn thương mại điện tử Lazada, phản hồi của khách hàng rất tốt. Công ty Rồng Đỏ dự kiến sẽ thu mua khoảng 300 tấn vải thiều Thanh Hà phục vụ xuất khẩu và bán trên các sàn thương mại điện tử.

Tại Bắc Giang, Sở NN&PTNT tỉnh cho biết sản lượng vải toàn tỉnh dự kiến khoảng 180.000 tấn/vụ năm nay, trong đó hơn 45.000 tấn vải sớm.

Báo Bắc Giang thông tin, Sở Công Thương Bắc Giang và đại lý Alibaba.com tại Việt Nam đã tập huấn cho doanh nghiệp đưa vải thiều lên sàn giao dịch này.

Việc tham gia sàn giao dịch Alibaba.com là cơ hội bán hàng trực tuyến rất lớn tới khách hàng trên toàn thế giới mà không cần qua các kênh marketing truyền thống, nhằm quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ vải thiều Bắc Giang thuận lợi, nâng cao giá trị hàng hóa.

Vải thiều hút khách trên sàn thương mại điện tử - 2

Vải thiều Hải Dương đang thuận lợi trong xuất khẩu - Ảnh:VGP/Đỗ Hương

Đa dạng hóa thị trường tiêu thụ

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia" trên các sàn thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì đang triển khai rộng khắp các tỉnh, thành phố được đánh giá là một giải pháp hiệu quả, bền vững giúp các doanh nghiệp tại địa phương ứng dụng công nghệ số, ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng, tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn quốc.

Ngay trong tháng 5 này, khi mùa vải thiều Bắc Giang đang bắt đầu vào vụ với sản lượng lớn, cùng với các đơn vị khác của Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế đã sớm lên phương án làm việc, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bắc Giang, hợp tác với các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Postmart, Lazada... và các đối tác để tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vải thiều Bắc Giang qua phương thức thương mại điện tử.

Trong buổi làm việc trực tuyến với tỉnh Bắc Giang mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, việc tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Giang không nên quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu truyền thống, cần tập trung tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Điều này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trong năm nay mà còn trong thời gian tới.

Để Bắc Giang tiêu thụ nông sản thuận lợi, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ địa phương quảng bá, xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều trên môi trường số, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử, các phiên giao thương trực tuyến với các thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Không để các địa phương đơn độc trong chiến tuyến phát triển thương mại nông sản, nhất là trong khó khăn dịch bệnh diễn biến phức tạp như tại tỉnh Bắc Giang. Hôm qua (26/5), Phó Thủ tướngLê Văn Thành đã giao các bộ liên quan và UBND các tỉnh phối hợp hỗ trợ, tháo gỡ.

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương liên quan, các hiệp hội ngành hàng, thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, người nông dân kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Các địa phương có cửa khẩu xuất khẩu lượng lớn hàng nông sản (Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh...) phối hợp với các bộ, ngành chức năng thông tin, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang cũng như các địa phương khác tổ chức vận chuyển, lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn và thuận lợi, nhất là đối với các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch.

(Nguồn: Báo điện tử Chính phủ)
Bình luận
vtcnews.vn