Vải thiều Bắc Giang xuất ngoại trong 'bão dịch' COVID-19

Thị trườngThứ Ba, 15/06/2021 17:06:00 +07:00
(VTC News) -

Ngày 15/6, Công ty Cổ phần Pacific Foods chính thức xuất lô vải thiều Lục Ngạn đầu tiên vượt "bão dịch" COVID-19 đi liên minh Châu Âu (EU).

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, năm 2021, tổng diện tích trồng vải của toàn huyện khoảng 15.450ha, sản lượng ước đạt trên 120 nghìn tấn. Xác định chỉ đưa ra thị trường dòng sản phẩm chất lượng, huyện đã tăng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP lên hơn 12.400ha (tăng 700ha so với năm 2020) và theo quy trình GlobalGap khoảng 31 ha, để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính.

Ông Thi cho biết: "Năm 2021, tổng diện tích trồng vải của toàn huyện Lục Ngạn là 15.450 ha, sản lượng ước đạt trên 120 nghìn tấn. Xác định chỉ đưa ra thị trường dòng sản phẩm chất lượng, tỉnh đã tăng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP lên hơn 12.400 ha (tăng 700 ha so với năm 2020) và theo quy trình GlobalGap khoảng 318 ha, để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính".

Năm 2021, mặc dù bị tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19, song với sự vào cuộc tích cực của các tập đoàn, các doanh nghiệp chung tay cùng địa phương vải thiều đã vượt nhiều khó khăn và vững vàng tiến vào các thị trường khó tính. Đặc biệt là đàm phán để trái vải thiều được hưởng những ưu đãi thuế quan và tiến sâu vào thị trường quốc tế. Ngoài ra, thời gian thông quan, Bộ NN&PTNN, Bộ Công Thương đã kết hợp với các cơ quan chuyên môn đã chỉ đạo, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trong quá trình quảng bá, xúc tiến và kết nối tiêu thụ vải.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, huyện tập trung cao bảo đảm cho các vùng vải thiều "Sạch - không bị tác động của dịch bệnh Covid-19", như đưa cách ly tất cả các đối tượng F1 ra ngoài vùng vải thiều của huyện, lập các tổ chốt kiểm soát người, phương tiện vào vùng vải thiều tập trung, bảo đảm quy định phòng dịch. 

Vải thiều Bắc Giang xuất ngoại trong 'bão dịch' COVID-19 - 1

Vải thiều Lục Ngạn.

"Với quy trình từ chăm sóc, thu hoạch cho tới đóng gói nghiêm ngặt, tuân thủ phòng chống dịch, tỉnh Bắc Giang đã kiểm soát tốt vùng vải thiều an toàn, không COVID-19, được đưa đi tiêu thụ mọi nơi và xuất khẩu nước ngoài", ông Thi cho biết thêm.

Vải thiều Bắc Giang xuất ngoại trong 'bão dịch' COVID-19 - 2

Ngày 15/6, Công ty Cổ phần Pacific Foods chính thức xuất lô vải thiều Lục Ngạn đầu tiên vượt qua "bão dịch" COVID-19 đi liên minh Châu Âu (EU).

Ông Chung Trí Phong, Tổng Giám đốc Pacific Foods - đơn vị xuất khẩu vải Lục Ngạn sang EU xúc động chia sẻ, sau chuyến hàng khởi đầu thuận lợi đưa trái vải Thanh Hà (Hải Dương) cập cảng hàng không Cộng hoà Czech, Pacific Foods đã tiếp tục xuất khẩu lô vải thiều từ vùng nguyên liệu nổi tiếng Lục Ngạn tại Bắc Giang vào EU theo tiêu chuẩn Global GAP, Vietgap.

Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam, với nền tảng sẵn có, cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam.

Trước đó, nhiều ý kiến nhận định vải thiều là sản phẩm đã có thương hiệu trong và ngoài nước đã nhiều năm, tuy nhiên dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới ít nhiều đã ảnh hưởng tới việc xuất khẩu. Tuy nhiên, với sự đồng hành của Chính phủ, các bộ ban ngành, sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân, vải thiều Bắc Giang đã lưu thông thông suốt ở nhiều nước trên thế giới và ở trong nước trái vải thiều đã tới mọi miền đất nước.

Đáng chú ý, nhiều tổ chức cá nhân trong nước đã có cách làm sáng tạo, ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ, phân phối nông sản khi Bắc Giang đối diện với dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Ngoài ra, năm nay cũng là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối một cách bài bản, có hệ thống và đồng loạt ở 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, do đó vải thiều Bắc Giang đến tay người tiêu dùng ở cả 63 tỉnh thành trong cả nước một cách nhanh nhất, đảm bảo chất lượng tươi, ngon, giá cả phù hợp.

Tuy nhiên, để tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng vượt qua được khó khăn không xảy ra tình trạng được mùa mất giá hoặc vướng mắc do dịch bệnh thì cần phải đẩy mạnh tiêu thụ, đặc biệt là tiêu thụ thông qua hệ thống online. Và để thực hiện tiêu thụ online, phải giải quyết được vấn đề đảm bảo sự tin cậy về chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, sản xuất phải bài bản, đảm bảo chặt chẽ quy trình, đảm bảo chất lượng uy tín sản phẩm tạo ra sản phẩm có tiếng có thương hiệu. Để từ đó, sản phẩm mới chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.

Tiến Dũng
Bình luận
vtcnews.vn