Vai phụ!

Tổng hợpThứ Năm, 11/04/2013 04:55:00 +07:00

Dù có khi nhạt nhòa, dù có khi chỉ là thoảng qua trên màn ảnh.Với những vai phụ nhỏ nhoi ấy, ông đã lao động hết mình...

Việt Nam, thực sự rất hiếm diễn viên nào yêu nghề đến mức đam mê cháy bỏng như NSƯT Hồ Kiểng. Không yêu nghề, không thể tham gia diễn xuất nhiều phim, nhiều vở kịch như thế: 200 bộ phim, 48 vở kịch nói, 304 vở kịch nói truyền thanh, 12 vở cải lương. Lồng tiếng cho 16 phim hoạt hình. Chưa kể hơn 200 bài ca vọng cổ do ông sáng tác. Quả là một khối lượng công việc khổng lồ và đáng nể.

   Ðiều trớ trêu hay là do duyên nghiệp, ông toàn đóng các vai phụ. Vai mà đa số các diễn viên đều chê bai, từ chối. Với Hồ Kiểng, ông luôn trân trọng và nâng niu, yêu thương từng vai diễn. Dù có khi nhạt nhòa, dù có khi chỉ là thoảng qua trên màn ảnh. Yêu thương vai phụ, như yêu thương những số phận hẩm hiu, những thân phận mờ nhạt bị lãng quên hay hắt hủi, cả trên màn ảnh lẫn trong đời thường. Với những vai phụ nhỏ nhoi ấy, ông đã lao động hết mình, nghiêm túc, đổ mồ hôi trong từng vai diễn và khoảnh khắc.

 
    Ðã từng lăn lộn trên phim trường mấy chục năm với tư cách là diễn viên, hẳn có đôi lúc ông cũng chạnh lòng vì chưa bao giờ được mời làm vai chính! Hẳn ông cũng có đôi lúc tự ái nghề nghiệp, tủi thân và đấu tranh nội tâm quyết liệt. Nhưng tình yêu nghiệp diễn, tâm hồn nghệ sỹ, tính cách nghệ sỹ đã khiến ông vượt qua tất cả được những mặc cảm bản thân và vai diễn. Ðể rồi từ đó, sống chết, đổ mồ hôi sôi giọt máu cùng nó. Vai phụ mà ông diễn công phu, nhiệt huyết, có khi còn hơn cả những người đóng vai chính. Người ta biết, ông đã vài lần tai nạn nghề nghiệp, thập tử nhất sinh vì vai diễn của mình. Bị rắn độc cắn (Phim Rừng xà nu), ngã ngựa (Phim Ðêm săn tiền) phải nhai nguyên cả một con cá sống (Phim Những nẻo đường phù sa).

   Với những tai nạn sống còn khốc liệt như thế, hỏi có mấy ai là diễn viên đã từng kinh qua và tiếp tục bước tới, dù chỉ là với những vai phụ nhỏ bé trên phim?

   Biết mình biết ta, Hồ Kiểng đã cực kỳ có văn hóa khi nhận vai diễn, ông không tham lam đòi hỏi những vai diễn không thuộc về mình, mặc dù với ông, điều ấy hoàn toàn có thế và xứng đáng, từ những mối quan hệ với nghiệp diễn trường kỳ của mình. Có lẽ với ông, đúng là không có vai diễn nhỏ chỉ có diễn viên nhỏ mà thôi. Thái độ của ông với vai diễn, với nhân vật cũng là thái độ của một con người có tâm hồn, nhân hậu, nhân văn và cũng đầy văn hóa. Ông đã từng tâm sự, trăn trở vô cùng, có khi mất ăn mất ngủ vì nhân vật. Như vậy ông đã sống cùng nhân vật trong từng phút giây trước và trong khi khi diễn.

   Những vai phụ chẳng mang lại vinh hoa phú quý, danh lợi nọ kia. Trong phim, khán giả chỉ chăm chú xem diễn viên chính mà bỏ qua vai phụ. Thảm đỏ, đón mời nâng niu những bước chân của vai chính. Vai phu, lặng lẽ, riêng một góc trời, phía dưới khán đài hay hội trường. Ðã đôi lần người ta bắt gặp Hồ Kiểng, cô đơn lủi thủi dưới khán phòng, lắng nghe thiên hạ xưng tụng vai chính, như một người vô danh, như một thân phận nhợt nhạt, dù, cái vô danh không tên tuổi ấy đã làn đòn bẩy để cho vai chính chói ngời.

Hồ Kiểng trong Phim Mùa hè lạnh
   Không đem lại lợi danh, thậm chí, cả đời ông chỉ toàn những vai đắng cay trắc trở, nhưng ông vẫn không rời xa chúng. Yêu thương chúng, như yêu thương tôn trọng chính bản thân mình, cuộc đời mình. Không một chút toan tính nhỏ nhoi tầm thường sặc mùi vật chất xa hoa. Bỏ cả gia đình vợ con, bỏ cả hạnh phúc riêng tư để sống còn quyết liệt với những vai phụ, Hồ Kiểng, đích danh là một người nghệ sỹ chân chính đích thực. Bỏ cả một đời với những vai diễn, những con người ấy, hẳn không có nhiều trên mảnh đất này, thậm chí cả trên thế giới. Có lẽ, với ông, định mệnh là, sinh ra, chỉ để diễn với những vai phụ, với những cuộc đời nhỏ nhoi chăng? Không có gì để lại trần gian, ngoài một khối lượng vai diễn khổng lồ trên phim trường lẫn trên sân khấu, ông xứng đáng được ghi danh tạc tượng trong lòng khán giả với những gì trân quý nhất dành cho người nghệ sỹ.

   Hồ Kiểng, đại diện cho một thế hệ diễn viên, sống chết hết mình với vai diễn mà không thái độ, không đòi hỏi bất cứ điều gì ở cuộc đời này cũng như ở vai diễn. Sống là cho, là cống hiến, là cháy hết mình, đam mê đến tận cùng trong từng phút giây xuất hiện trước máy quay hay dưới ánh đèn sân khấu. Cảm giác như ông đã bỏ quên đời thường đâu đó ngoài phim trường để bước vào đời sống ảo của vai diễn. Cảm giác, như ông đã sống và diễn, hệt như nhau. Có nghĩa là, sống cuộc đời của những vai phụ. Cũng trần gian, cũng nhỏ bé khiêm nhường! Vai phụ, nhân vật phụ, đã vận vào đời ông chăng?

   Nhưng, lạ lùng thay, người ta chưa bao giờ thấy ông kêu ca, than phiền hay trách oán về cuộc đời cũng như thân phận của mình. Với ông, được sống, được diễn những vai, dù phụ, cũng là một hạnh phúc, một may mắn lắm rồi. Và như thế, cuộc đời đã rất công bằng, đã tặng, đã thưởng cho ông vô vàn điều quý giá. Bởi đi đâu, ông cũng được công chúng yêu quý đón nhận như một diễn viên thực sự, như một người nghệ sỹ chân chính. Và người ta, ngả mũ trước nhân cách, tâm hồn của ông.

   Từ Hồ Kiểng, lại chạnh lòng với thế hệ diễn viên sau ông. Họ chê vai, đòi hỏi rất nhiều yêu sách trước và sau khi nhận vai. Tài năng thì không thấy, chỉ thấy những thái độ chảnh chọe ngang ngửa các ngôi sao Hollywood. Họ đến với nghiệp diễn, qua thời gian ngắn ngủi, tình yêu nghề nghiệp nỗi đam mê ban đầu đã vội vàng nhạt phai tan biến rất nhanh như bong bóng xà phòng để nhường chỗ cho toan tính lợi danh.

 Hồ Kiểng (phải) trong phim Tiếng sóng
   Lại đành phải ngậm ngùi mà than vãn. Biết tìm đâu, đốt đuốc giữa ban ngày, thời nay, để tìm ra một vài diễn viên có nhân cách tư chất như Hồ Kiểng và những bạn diễn cùng thế hệ ông?

   Khó lắm thay, muốn được như Hồ Kiểng, phải thực sự là nghệ sỹ chân chính, có tâm hồn có văn hóa, mới đủ mạnh để bước qua những phù phiếm xa hoa, tạm quên đời thực hóa thân vào vai diễn, đồ mồ hôi và sống chết cùng nhân vật.

   Chừng nào người nghệ sỹ còn nghĩ đến tiền bạc lợi danh trước khi bước vào con đường sáng tạo thì chừng đó, họ chưa bao giờ là nghệ sỹ, có chăng chỉ là những anh thợ công nhân lao động nghệ thuật lành nghề mà thôi. Và như thế, họ đã vô tình hoặc cố tình, giết chết tài năng sáng tạo hay tâm hồn nghệ sỹ của họ. Còn lại chăng là những “giả nghệ sỹ” với những tâm hồn vay mượn cóp nhặt ở đâu đó hoặc tệ hơn là họ đang gồng mình lên để diễn, mơ hồ lẫn lộn giữa thật và giả, để cuối cùng, mắc nạn mất lối ra trong những mớ bùng nhùng thực hư đen trắng nhập nhèm ấy do chính họ bày đặt và tạo ra.

 
   Hồ Kiểng đã về nơi cuối trời, lặng lẽ như một làn khói trắng. Ông đã đến và đi khỏi cuộc đời này, nhẹ gót trần ai như một cuộc dạo chơi đầy vất vả nghiệt ngã của nghiệp diễn mà không một lời than thân trách phận.

   Nhưng những gì ông để lại cõi trần không hề nhỏ bé  chút nào. Người ta nhớ đến ông như nhớ đến một con người thực sự có tâm hồn, có nhân cách của một người nghệ sỹ chân chính.

   Dù chỉ là những vai phụ! Nhưng không có vai phụ, thì không có vai chính. Thế thôi!

   Có khi nào vai chính, dừng lại ngẫm nghĩ, nhìn nhận lại vai phụ và biết ơn họ? Bởi chính họ, những vai phụ ấy đã như một điều gì đó, một cái gì đó vô cùng quan trọng để cho vai chính bật lên và tỏa sáng. Như một nốt bè trầm trong bản nhạc, như một gam màu tối trong một bức tranh, như những người đàn bà không tên phía sau những người đàn ông danh tiếng thành đạt!

   Hãy biết trân trọng và nâng niu, nhìn nhận đánh giá đúng đắn những vai phụ. Cả trong nghệ thuật lẫn trong đời sống thường này!

    Kao Nguyên

Bình luận
vtcnews.vn