Vạch trần mánh khóe lừa tình - tiền của 'trai Tây' qua facebook

Sức khỏeThứ Ba, 19/04/2016 07:56:00 +07:00

Mạng xã hội có nhiều mặt tích cực, nhưng mặt tiêu cực thì cũng không ít, điển hình ở đây là những quý bà U50 bị lừa tình - tiền bởi các chàng 'trai tây'.

Mạng xã hội có nhiều mặt tích cực, nhưng mặt tiêu cực thì cũng không ít, điển hình ở đây là những quý bà U50 bị lừa tình - tiền bởi các chàng 'trai Tây'.

facebook kết nối những người có nhu cầu gặp gỡ, tìm hiểu nhau để tiến tới mối quan hệ xa hơn. Nhưng nó cũng là công cụ để kẻ xấu lừa gạt phụ nữ độc thân ngày càng tinh vi và có tổ chức.
Phụ nữ độc thân cẩn thận kẻo bị lừa tình trực tuyến. Ảnh minh họa 

Kịch bản lừa tình của “trai Tây”

Rất nhiều U50 độc thân đã bị lừa cả tình lẫn tiền. Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ triệt phá băng nhóm tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia của Micheal IkeChukwu Leonard (kết hợp với 3 người Việt Nam). Người này đã dùng facebook lừa tình hơn 100 phụ nữ tính từ đầu năm 2015 đến khi bị bắt (5/4/2016), ẵm gọn hơn 20 tỉ đồng của họ.

Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh cũng triệt phá đường dây lừa tình trên facebook do Nguyễn Thị Thùy Trang (29 tuổi, ngụ tại ấp Bàu Tép, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu), kết hợp với một phụ nữ ở Hải Phòng và 3 người đàn ông gốc Phi, tạo các nick name ngoại quốc rồi kết bạn, hứa hẹn tình cảm, hứa gửi quà, tiền giá trị… chiếm đoạt gần 15 tỉ đồng và gần 24.000 USD của hơn 80 phụ nữ độc thân,

Nhiều quý bà độc thân ngậm đắng nuốt cay khi “người tình face” lộ diện là gã Tây đen chuyên lừa đảo. Chị N.T.N (47 tuổi, ở Cần Thơ) bị nick name Piero Dwain lừa như sau: Tháng 3/2013 họ làm quen và yêu nhau.

Khi gã ngỏ ý sang Việt Nam làm ăn và kết hôn thì chị đồng ý ngay. Khi có người gọi điện báo Dwain bị tạm giữ vì mang tới 600.000 bảng Anh (hơn 18 tỉ VNĐ) trong hành lý, nếu nộp tiền phạt sẽ được thả. Không ngần ngại chị N gửi vài lần tiền vào tài khoản lạ để cứu “chồng sắp cưới”, gửi tới hơn 60 triệu đồng mới tá hỏa biết là bị lừa.


Nữ trí thức Mai H (ở Hà Nội) lớn tuổi, giỏi tiếng Anh nên tìm được gã trai Tây có những tâm sự buồn vì vợ con đã tử vong trong một tai nạn, gã mắc bệnh nan y, chỉ mong có bạn gái để tâm sự, chia sẻ nốt quãng đời còn lại. Gã thề non hẹn biển, dỗ dành chị gửi tới 2 tỉ đồng để nhận hàng và… biến mất.

Quý bà khác 41 tuổi, ở Quảng Ngãi được “tình ảo” nói muốn đưa ra nước ngoài chung sống, gã bảo đã gửi tiền về Việt Nam để chị lo liệu mọi chuyện. Tiền chưa tới thì email một ngân hàng nước ngoài gửi tới yêu cầu chị chuyển 2.000 USD, rồi 4.000 USD… và “người tình” lặn mất.

Chưa hết, 6 tháng sau có người gửi email báo “tình ảo” bị tai nạn nên đứt liên lạc, giục chị chuyển gần 200 triệu đồng nộp viện phí… và email cuối cùng chị nhận được là lời cảm ơn chị đã gửi tiền và “tình ảo” biến mất hẳn.


Làm sao để không trở thành “con mồi”?

Phụ nữ ngoài 40 là đối tượng chính của các băng nhóm lừa tình xuyên quốc gia. Độ tuổi mà đa phần họ đã dư giả tiền bạc, nhưng phần nào chậm tiếp xúc công nghệ, không biết kiểm tra thông tin cá nhân của bạn face… nên dễ mắc bẫy tình.

Thủ đoạn của các trai Tây là: Tạo nick ảo - chủ động kết bạn - nhắn tin qua lại – tâm sự thân thiết để moi thông tin - tạo ra các tình huống (mua nhà, gửi hàng, gửi tiền về…) và dụ nàng sập bẫy.

Các trang cá nhân của chúng tạo ra như đang sống và làm việc ở nước ngoài, có địa vị, giàu có, là người thành đạt… và tin tưởng dốc bầu tình cảm tâm sự với phụ nữ độc thân về chuyện gia đình trắc trở (hôn nhân không may mắn, ly hôn, vợ chết…) để đánh vào sự nhẹ dạ, dễ tin người, tiến tới đánh vào lòng tham và tạo tình huống hợp lý để lừa tiền.

Khổ nỗi chị em có yếu điểm lớn là thích lời đường mật, mới chat, chưa tỏ mặt biết gì về nhau mà đã thề thốt yêu đương, và tin tưởng vào lời hứa kết hôn, choáng vì “tình ảo” gửi tiền, tài sản có giá trị…


Một phụ nữ từng bị “săn tình” trên face chia sẻ: Kẻ lừa tình thường chọn phụ nữ hơn tuổi để “săn”, do đó nên chú ý đến khoảng cách tuổi tác của bạn face. Thi thoảng gã mới nhắn tin, đang nhắn thì bỏ bẵng… để làm bạn mong nhớ, khi nhắn tin hay trêu trọc để bạn vui vẻ và thích chúng.

“Yêu em, nhớ em, hứa hẹn điều tốt đẹp…” là ngôn từ kẻ lừa tình hay viết dù họ chưa gặp, chưa biết gì về nhau. Hãy nói về tương lai xa (như ra mắt gia đình, bạn bè, cưới xin…) thì chúng sẽ lảng tránh, hoặc ngắc ngứ vì chúng chả nghĩ tới những chuyện đó.

Kẻ lừa tình hay nhắc tới “chuyện ấy”, bằng ngôn từ, hình ảnh nhạy cảm - kích thích phụ nữ độc thân nhanh sa “bẫy”. Do đó trước khi quyết định gửi tiền, hay làm gì với “tình ảo”, chị em nên mạnh dạn nhờ người ngoài cuộc tỉnh táo hơn xem xét giúp.

Theo ông Vũ Đức Sơn, Trung tâm An ninh mạng BKIS, phụ nữ độc thân đừng tin những thông tin trên face, hãy tự học cách kiểm tra khi thấy bạn face bảo là góa vợ, làm việc ở nước ngoài…

Hãy dùng Google tìm hình ảnh, thông tin về họ, bởi ngoài hình nền ảnh, khuôn mặt, còn có thể kiểm tra môi trường, cảnh quan và các vật dụng xung quanh. Kiểm tra xem bạn bè của họ có cùng địa điểm sống, chỗ làm, trường học không, thời gian kết bạn có đúng như họ nói không. Nếu thấy bạn bè xa lạ, cảnh quan môi trường không đúng như nói thì hãy cảnh giác.


Nếu thấy có mâu thuẫn trong thông tin cá nhân, lời chat… thì có thể kiểm tra địa điểm, thời gian hoạt động trên face. Kiểm tra kỹ các email, tin nhắn xem có viết tên mình, tên bạn face sai không, hoặc kiểm tra ngôn ngữ của “tình ảo” nếu ở nước ngoài (vì không phải ai cũng thành thạo ngôn ngữ thứ hai).

Khi thất tình, ly hôn… đừng chia sẻ lên face, hoặc thay đổi trạng thái sang độc thân (single), vì lộ ra cô đơn là cần có mối quan hệ mới và rất dễ bị “tấn công”.

Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân (địa chỉ, số điện thoại, tên đầy đủ, tài khoản...) vì nhìn vào profile, website, diễn đàn… phụ nữ tham gia có thể dò được mật khẩu. Các thông tin về địa chỉ, trường học, mối quan hệ, tên bạn bè và gia đình… trên face cũng đừng bộc lộ.


Đừng bao giờ tiết lộ địa điểm trên facebook 24/7, kể cả đăng ảnh đi chơi vì kẻ xấu sẽ theo dõi bạn mọi nơi, mọi lúc và biết mọi thói quen, thời gian, điểm đến… để lợi dụng lừa tình – tiền. Nếu dùng ảnh chân dung nên giảm kích thước xuống tối thiểu để không bị dùng lại vào mục đích xấu.

Một số dấu hiệu nghi ngờ qua Facebook:

- Profile mới tạo, ít hình ảnh, ít post các hoạt động hàng ngày. Cẩn thận với các profile có nghề nghiệp làm ở nước ngoài, độc thân, hoặc nửa đường “đứt gánh”, đang li hôn, có con nhưng không ở cùng…

- Hay kể nghèo khổ, hoặc khoe khoang giàu có xa hoa.

- Dùng số điện thoại không báo số. Trao đổi thông tin chỉ qua tin nhắn điện thoại, email, chat.

- Hãy trang bị kỹ năng với "tình yêu online", đừng nhẹ dạ, cả tin khi nghe có “tiền, quà, hàng” từ nước ngoài gửi về bị “ách” lại và đề nghị chuyển tiền. Nếu nghi ngờ hãy báo với nhà mạng, hoặc để lại khuyến cáo để giúp phụ nữ khác.


Nguồn: Giadinh&xahoi


Bình luận
vtcnews.vn