Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương: 'Mất cán bộ, rất tiếc nhưng không thể không xử'

Thời sựThứ Bảy, 30/12/2017 07:49:00 +07:00

Ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhìn nhận công tác kỷ luật Đảng viên vi phạm năm 2017, tâm tư: “Mất cán bộ thì rất tiếc, trăn trở và day dứt nhưng không thể không xử”.

Nhìn lại một năm công tác kỷ luật cán bộ đảng viên, ông Hà Quốc Trị đã có cuộc trao đổi thẳng thắn trong chương trình Góc nhìn thẳng:

- Thưa ông, khép lại năm 2017, ngay trong tháng 12, Bộ Chính trị đã ban hành hai văn bản hết sức quan trọng là Quy định 102 và Quy định 105. Vậy xin ông cho biết nhận định của mình về những điểm mới nhất cốt lõi và quan trọng trong các quy định mới này?

Trong năm 2017 nói riêng và từ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác kiểm tra giám sát của Đảng đã có những đổi mới quan trọng. Có thể thấy minh chứng gần đây nhất, thực hiện Chương 7, Chương 8 của Điều lệ Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung tham mưu trình Bộ Chính trị xem xét và quyết định ban hành Quy định 102 về kỷ luật đảng viên vi phạm. Quy định 105 là do Ban Tổ chức Trung ương tham mưu trình Bộ Chính trị.

“Mất cán bộ, rất tiếc, day dứt nhưng không thể không xử”

“Mất cán bộ, rất tiếc, day dứt nhưng không thể không xử”

Đối với riêng Quy định 102, chúng tôi đã giữ nguyên bố cục của Quy định cũ số 181, nhưng bổ sung thêm 14 điều mới, trong đó có một số điều rất quan trọng.

Ví dụ, một cán bộ đang trong quá trình kiểm tra, giám sát và xem xét thi hành kỷ luật thì không được luân chuyển, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn. Chúng tôi đưa ra quy định này là bởi vừa qua, trong thực tế đã xuất hiện trường hợp có các đơn vị thực hiện lách luật, cán bộ đang trong quá trình xem xét kỷ luật thì lại luân chuyển, dẫn tới kết quả bổ nhiệm những cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn.

 
Khi chúng tôi xem xét xử lý các trường hợp vi phạm đó, bản thân chúng tôi cũng rất trăn trở, day dứt. 

Ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Một điểm quan trọng khác mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình với Bộ Chính trị là phải tập trung làm rõ những sai phạm liên quan đến kê khai, nhất là kê khai tài sản không trung thực, nguồn gốc tài sản... Các vấn đề đó đã được cụ thể hóa ở trong quy định 102. Ngoài ra, còn rất nhiều điểm mới khác như thời hiệu xử lý kỷ luật...

- Khá nhiều người dân có cảm giác trong năm 2016 – 2017, dường như công tác kỷ luật đảng viên vi phạm được thực hiện một cách dồn dập hơn với nhiều trường hợp giữ những chức vụ rất cao, thậm chí là Ủy viên Bộ Chính trị cũng bị kỷ luật vì có vi phạm. Vậy cá nhân ông nhìn nhận riêng nào về vấn đề này?

 Mỗi thời kỳ cách mạng, mỗi giai đoạn cách mạng và mỗi thời điểm, công tác kiểm tra của Đảng xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, yêu cầu của công tác xây dựng Đảng tại thời điểm đó.

Cho đến nay, Đảng ta vẫn nhận định là tình hình vi phạm trong Đảng không những không giảm mà còn có những diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI chưa đạt yêu cầu đề ra. Do vậy, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vẫn tiếp tục nhấn mạnh điều này. Có một số nội dung đã được cụ thể hóa và cụ thể hơn, nhấn mạnh đến 27 biểu hiện suy thoái của cán bộ đảng viên.

Nghị quyết nói rằng rõ ràng tình hình vi phạm không giảm, nhưng có một vấn đề là, như những câu truyền miệng người dân hay nói, một bộ phận không nhỏ ấy nằm ở đâu. Chính xuất phát từ những yêu cầu, nhận định đó và đến cả dư luận cũng nói vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng quyết liệt xây dựng kế hoạch thành những chương trình hành động rất cụ thể.

Trọng tâm của chúng tôi là kiểm tra đảng viên và tổ chức Đảng khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào các tập đoàn, các đơn vị kinh tế trực tiếp quản lý tiền, hàng. Kết quả kiểm tra, kỷ luật đảng viên vừa rồi đã nói lên rằng, việc kiểm tra của Đảng đã lựa chọn đúng vấn đề, đúng đối tượng.

Video: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích việc kỷ luật ông Đinh La Thăng

- Cụ thể trong năm 2017, theo ông, các trường hợp xử lý kỷ luật các cán bộ đảng viên vi phạm đã đủ sức răn đe hay chưa?

 Về vấn đề này, ở mỗi vụ việc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều tiến hành thảo luận dân chủ và xem xét một cách khách quan. Tôi cho rằng, các trường hợp xử ký cán bộ như vậy đều là thấu lý đạt tình, đúng người, đúng trường hợp, không có trường hợp ngoại lệ.

- Thưa ông, năm 2017 cũng chứng kiến trường hợp đảng viên đã giữ những chức vụ rất cao trong bộ máy quản lý Nhà nước như trường hợp ông Đinh La Thăng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, sau đó là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh rồi giữ chức Phó ban Kinh tế Trung ương, hay trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh với chức vụ là Bí thư TP. Đà Nẵng, cuối cùng phát hiện có những sai phạm lớn, phải bị xử phạt, kỷ luật rất nặng. Tham gia trong công tác kiểm tra của Đảng, ông cảm thấy có điều gì tiếc nuối ở đây?

Công tác cán bộ là một khâu quan trọng, trọng yếu của Đảng. Để đào tạo được một cán bộ thì phải trải qua một quá trình rất dài và rất tốn kém.

Khi chúng tôi xem xét xử lý các trường hợp vi phạm đó, bản thân chúng tôi cũng rất trăn trở, day dứt. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng, khi xem xét xử lý một cán bộ đảng viên, đồng chí, đồng đội của mình thì cũng không sung sướng gì, thậm chí còn rất day dứt, rất khổ tâm, nhưng vì sự tiến bộ chung, vì sự tiến bộ của Đảng, ta phải xử lý một vài người để cứu muôn người.

Đó là tư tưởng nhân văn nhưng khi đã phát hiện ra vi phạm thì không thể không xử và phải xử lý thật công minh và khách quan.

Công tác kiểm tra xử lý cán bộ như vậy là để răn đe các đảng viên khác, ngăn chặn, phòng ngừa các đảng viên khác, tránh mắc phải vết xe đổ của những người đi trước. Điều đó hoàn toàn cần thiết.

Đó cũng là hai mặt của công tác kiểm tra trong Đảng. Đúng là khi xử lý những cán bộ đó, mất cán bộ thì rất tiếc, rất trăn trở, rất day dứt, nhưng không thể không xử. Vì đã đến mức vi phạm phải xử lý kỷ luật thì phải xử lý để giữ kỷ cương kỷ luật của Đảng, giáo dục chung trong toàn Đảng.

- Vậy với các quy định mới ban hành của Bộ Chính trị, ông có tin rằng các hiện tượng tiêu cực trong cán bộ như bổ nhiệm con cháu, bổ nhiệm thần tốc hay tình trạng có sai phạm nhưng vẫn được lên chức và khi vi phạm thì thường đổ lỗi cho tập thể, cho quy trình,..sẽ chấm dứt trong thời gian tới?

 Những quy định đó như những hành lang pháp lý, là cơ sở để Ủy ban Kiểm tra cấp ủy, cấp cơ sở xem xét kỷ luật. Đó là các quy định rất quan trọng.

Tuy nhiên, quy định nào thì cũng có tính hai mặt của nó. Tôi cũng không hy vọng rằng những quy định này hạn chế được tất cả các hiện tượng tiêu cực, nhưng rõ ràng nó chặt chẽ hơn trước.  Nó thể chế hoá, cụ thể hoá trách nhiệm của từng chủ thể thạm gia vào quá trình bổ nhiệm công tác cán bộ như của cơ quan tham mưu, trách nhiệm của người giới thiệu, trách nhiệm của thường trực,…

Tôi nghĩ những quy định đó khi đưa vào cuộc sống sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ.

- Xin ông có thể cho biết công tác kiểm tra của Đảng, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm trong năm 2018 sẽ được thực hiện với những điểm mới ra sao?

 Trong năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vẫn tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra đảng viên và tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, trọng tâm vẫn tiếp tục kiểm tra những lĩnh vực, những địa bàn dễ phát sinh vi phạm như quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, công tác cán bộ,…

Trong những năm vừa rồi, kết quả kiểm tra cho thấy rằng những việc kiểm tra đó là đúng nên chúng tôi vẫn tiếp tục nội dung kiểm tra đó.

Thứ hai là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang chủ động xây dựng các kế hoạch. Như vừa qua, có thể thấy tình trạng, ở trên, cấp Trung ương đã tiến hành làm rất quyết liệt các vụ việc và công khai các vụ việc đó trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên ở các cấp dưới, vẫn tồn tại một số nơi làm vẫn chưa quyết liệt.

Cho nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng sẽ tiến hành kiểm tra các cấp, không phải kiểm tra các tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương nữa, những cán bộ trực thuộc Trung ương quản lý nữa, mà tiến hành kiểm tra các cấp để qua đó có những phương án chỉ đạo chung trong toàn Đảng.

- Cám ơn ông!

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn