Ưu tiên trẻ 5 tuổi – trẻ nhỏ hơn học ở đâu?

Tổng hợpThứ Ba, 15/11/2011 09:15:00 +07:00

Đề án phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi đang được triển khai rộng khắp trong cả nước. Thế nhưng...

Đề án phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi đang được triển khai rộng khắp trong cả nước. Thế nhưng, bên cạnh tác dụng rõ rệt của việc phổ cập này vẫn còn một góc khuất, đó là sự “bỏ rơi” trẻ ở các nhóm tuổi nhỏ hơn.
Không có trường cho trẻ dưới 12 tháng tuổi
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 577 xã, phường, thị trấn với 6,5 triệu dân, song chỉ có 837 trường mầm non, trong đó 81,6% là trường là công lập, chỉ có 18,4% là trường ngoài công lập và các nhóm, lớp.
Trong khi đó, trường nào cũng phải thực hiện chủ trương “ưu tiên trẻ 5 tuổi đến lớp” nên nhiều nơi đã tìm cách giảm tỷ lệ trẻ ở các nhóm tuổi thấp hơn để ưu tiên cho nhóm phổ cập này.
 

Theo bà Đặng Thị Sáu – Phó Chánh văn phòng Hội Khuyến học Hà Nội, hơn 800 trường mầm non của Hà Nội mới chỉ thu hút được 26,8% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 83,5% số trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi. Nếu đưa đủ số trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến lớp thì sẽ không có đủ phòng học cho các lứa tuổi khác. Vì vậy số trẻ từ 12 - 36 tháng tuổi được đi học đang có xu hướng giảm dần.
Trước đây, khi còn chế độ bao cấp, một số trường mầm non như mầm non Kim Liên, Việt Bun, 20.10… nhận trông trẻ từ 4 tháng tuổi, thậm chí từ 2 tháng tuổi (khi chế độ nghỉ sinh của mẹ chỉ được 2 tháng). Thế nhưng đến bây giờ, không còn trường công lập nào nhận trẻ dưới 24 tháng tuổi. Các trường dân lập, tư thục có nới rộng mức tuổi này hơn nhưng cũng chỉ dừng ở 12 tháng.
Một thực tế cho thấy, các trường mầm non công lập, nơi có những cô giáo được đào tạo về chuyên môn chăm sóc trẻ hết sức bài bản, lại không nhận trẻ từ 4-18 tháng tuổi, là do quy định chặt chẽ của bậc học mầm non: Trẻ từ 6-12 tháng phải tuân thủ 3-4 trẻ/cô giáo; trẻ từ 12-18 tháng phải 5-6 trẻ/cô giáo. Trong khi đó, các trẻ lớn hơn thì tỷ lệ cô trên cháu sẽ ít hơn, mỗi lớp 2 cô có thể coi sóc từ 35-50 cháu.
Mở các lớp nhà trẻ đồng nghĩa với việc trường phải thuê thêm nhiều giáo viên trong khi biên chế của bậc mầm non rất thấp, nếu thuê quá nhiều giáo viên, trường sẽ không có tiền để trả lương. Chính vì thế, các trường đều “né” nhận trẻ ở lứa tuổi nhỏ này.
Bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ, trước đây, tại các nhà máy, nông trường đều có nhà trẻ để trông giữ con cán bộ, công nhân phải làm ca kíp từ khi mà mẹ hết chế độ nghỉ sinh. Khi xóa bỏ cơ chế bao cấp, hệ thống trường này cũng mất luôn khiến cả một đội ngũ công nhân, nhân viên “méo mặt” khi không biết gửi con ở đâu để đi làm.
Bắt buộc phải tìm đến nhóm trẻ gia đình
Khi trường công không nhận, trường tư cũng không nhận thì bắt buộc người lao động phải tìm đến những nhóm trẻ gia đình để gửi con.
Chị Nguyễn Thị Mai, công nhân một xưởng may mặc cho biết, thu nhập bình quân một tháng của chị chỉ khoảng 2 triệu đồng, cộng thêm thu nhập của chồng cũng chỉ ở mức 5 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, ngoài việc trả tiền thuê nhà và chi phí thường ngày, chị không thể thuê người giúp việc để trông con mà buộc phải tìm đến nhóm trẻ tự phát để gửi cô con gái nhỏ mới 6 tháng tuổi. Chị tâm sự: “Tôi đã phải xin nghỉ không lương 2 tháng để trông con, nhưng không thể nghỉ nhiều hơn được nếu không sẽ mất việc. Phải gửi con khi con còn non thế cũng xót xa lắm nhưng không biết phải làm thế nào. Mà cũng phải tìm hết hơi mới có điểm chịu trông cháu, chỗ nào họ cũng không nhận vì cháu còn bé quá”. Chị cho biết, vì không còn lựa chọn nào khác nên cho dù điểm trông trẻ đó có chật chội, ẩm thấp, con về hay giật mình quấy khóc nhưng chị vẫn buộc phải gửi.
Biết con mình đối diện với nguy cơ cao khi mang đến gửi ở các nhóm trẻ gia đình, bởi hầu hết những người trông trẻ đều không có trình độ, thậm chí không biết làm gì mới trông trẻ, nhưng các ông bố, bà mẹ có con nhỏ đành nuốt nước mắt vào trong, vì họ còn phải lo cho cuộc sống mưu sinh. Người phụ nữ sau 4 tháng nghỉ hộ sản, phải tiếp tục công việc của mình, hiếm hoi có những gia đình may mắn có ông bà giữ giúp cháu, còn lại họ phải xoay xở bằng việc mang con đi gửi. Trong khi đó, việc quản lý các nhóm trẻ tự phát còn nhiều bất cập nên nơi này tiềm ẩn không ít những nguy cơ bất ổn cho trẻ.
Bà Phạm Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thừa nhận: “Về tổng quát, mọi trẻ mầm non nếu có nhu cầu đều có chỗ học nhưng không phải tất cả các bé đều được học công lập. Do phổ cập mầm non 5 tuổi, các trường công lập phải đảm bảo bất kỳ trẻ 5 tuổi nào có nhu cầu học là phải tiếp nhận nên mầm non công lập hiện nay chưa có đủ chỗ học cho tất cả trẻ 3 - 4 tuổi trở xuống”.
Khi mà trẻ 3-4 tuổi còn không có chỗ học thì trẻ dưới 18 tháng tuổi gần như không còn hy vọng gì vào tương lai trường lớp đàng hoàng, có chất lượng.
Theo Lao động
Bình luận
vtcnews.vn