Út ‘trọc’ Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm phạm tội thế nào?

Pháp luậtThứ Hai, 30/07/2018 10:38:00 +07:00

Cáo trạng xác định, Đinh Ngọc Hệ vì động cơ vụ lợi đã sử dụng xe ô tô biển quân sự, biển xanh 80A trái pháp luật; tổ chức việc hợp thức trái pháp luật trong kinh doanh xăng kém chất lượng.

Sáng 30/7, Tòa án quân sự Quân khu 7 mở phiên xét xử Đinh Ngọc Hệ (hay còn gọi là Út “trọc”, cựu phó TGĐ Tổng công ty Thái Sơn) cùng các đồng phạm về các tội danh: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

4 bị cáo khác phải hầu tòa cùng Út “trọc” gồm: Trần Văn Lâm (cựu TGĐ Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn), Trần Xuân Sơn (cựu giám đốc Chi nhánh tại Bình Dương Công ty cổ phân phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng), Bùi Văn Tiệp (cựu sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân) và Phùng Danh Thắm (cựu chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng).

Theo cáo trạng, biết Tổng công ty Thái Sơn có chủ trương mở rộng thị trường kinh doanh, khoảng tháng 7/2009, Đinh Ngọc Hệ khi đó là Phó trưởng phòng Kinh doanh đã trao đổi với Trưởng phòng kế hoạch đầu tư đề nghị Ban tổng giám đốc cho thành lập pháp nhân mới, do Tổng công ty Thái Sơn và một số cá nhân góp vốn theo hình thức công ty mẹ-con.

ut troc

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") tại tòa. 

Ngày 5/8/2009, bị cáo Phùng Danh Thắm ký quyết định về việc góp vốn, ủy quyền cho trưởng Phòng kế hoạch đầu tư là người đại diện vốn của cổ đông quản lý 30% cổ phần, Đinh Ngọc Hệ 21%.

Tháng 9/2009, Sở kế hoạch và đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho pháp nhân mới là Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Thái Sơn góp 51% cổ phần tương đương 10,2 tỷ đồng; hai cổ đông khác là bà Vũ Thị Hoa và Vũ Thị Hoan (đều là cháu ruột của Út “trọc”) góp 49% cổ phần, tương đương 9,8 tỷ đồng.

Đến tháng 9/2011, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn đổi tên thành Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc Phòng, do Đinh Ngọc Hệ là chủ tịch HĐQT; từ tháng 3/2013 đến khi bị bắt, Đinh Ngọc Hệ là người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc công ty.

Tháng 11/2012, Tổng công ty Thái Sơn quyết định rút 31% vốn cổ phần, nhưng đến tháng 8/2013 mới ký được hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần cho bà Lê Thị Thảo (người quen của bị cáo Hệ) với giá 0 đồng.

Đến tháng 10/2017, 20% cổ phần còn lại được chuyển nhượng cho ông Trần Hoài Nam với số tiền 1,2 tỷ đồng.

Mặc dù với danh nghĩa là công ty con của Tổng công ty Thái Sơn nhưng thực chất vốn kinh doanh của công ty Thái Sơn là của tư nhân; mọi hoạt động đều theo sự quản lý, điều hành trực tiếp của Đinh Ngọc Hệ.

Ngay cả khi Tổng công ty Thái Sơn đã rút 31% vốn nhưng vẫn lấy danh nghĩa là doanh nghiệp Quân đội để hoạt động kinh doanh.

Từ 2011 đến năm 2016, lợi dụng danh nghĩa là người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn, đồng thời lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT, TGĐ, Đinh Ngọc Hệ đã báo cáo không trung thực về hoạt động của công ty này, mạo nhận chức năng, nhiệm vụ phục vụ kinh tế quốc phòng để xin được thi công các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.

Đặc biệt, thông qua Ban Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, bị cáo Hệ đã đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho mua bằng vốn tự có và đăng ký sử dụng xe ô tô biển quân sự, xe ô tô biển xanh 80A; trong đó có nhiều xe chỉ huy có giá trị lớn.

Sau khi được các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cho mua, đăng ký biển quân sự, được miễn nhiều tỷ đồng tiền thuế trước bạ; Bộ Công an cho đăng ký 15 xe biển xanh 80A, Đinh Ngọc Hệ đã trực tiếp hoặc chỉ đạo Trần Văn Lâm ký các hợp đồng thế chấp xe ô tô biển quân sự, biển xanh 80A cho các tổ chức tín dụng để vay hoặc bảo lãnh vay tiền.

XEM TOÀN BỘ THÔNG TIN VỤ VIỆC TẠI ĐÂY

Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm đã thế chấp 29/38 xe biển quân sự, biển xanh 80A cho các ngân hàng; cho thuê 3 xe biển quân sự, 2 xe biển xanh 80A, thu được số tiền hơn 6 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo còn giao xe biển quân sự, xe biển xanh 80A cho nhiều người ngoài xã hội sử dụng trái quy định.

Cáo trạng xác định trừ hai xe được sử dụng theo tiêu chuẩn, một xe điều về Tổng công ty Thái Sơn và 5 xe rơ-móc sử dụng đúng mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh thì việc đăng ký, sau đó cho thuê, thế chấp xe biển quân sự, biển xanh 80A nhưng không phải nộp thuế trước bạ là hơn 3 tỷ đồng.

Cũng theo cái trạng, hành vi cho thuê, cho mượn, thế chấp xe biển quân sự, biển xanh 80A của Đinh Ngọc Hệ còn dẫn đến đơn thư tố cáo, ảnh hưởng đến uy tín Nhà nước và Quân đội.

Ngoài ra, cuối năm 2012, công ty Thái Sơn ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, thực chất là thuê đất của quân đội để cho Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà thuê lại kinh doanh xăng dầu. Đinh Ngọc Hệ đã ký quyết định thành lập chi nhánh Công ty Thái Sơn tại Bình Dương và bổ nhiệm Trần Xuân Sơn làm giám đốc.

Việc thành lập chi nhánh là để xin cấp phép xây dựng, giấy phép kinh doanh xăng dầu giúp công ty Hải Hà mà không liên quan đến nhiệm vụ kinh tế quốc phòng.

Tháng 7/2014, công ty Hải Hà bị Đội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương phát hiện hơn 20.000 lít xăng tồn kho không đạt tiêu chuẩn chất lượng nên đã niêm phong cột bơm và yêu cầu cung cấp tài liệu giài trình. Trần Xuân Sơn thông báo sự việc cho Trần Văn Lâm và Lâm sau đó báo cáo cho Đinh Ngọc Hệ.

Định Ngọc Hệ sau đó liên lạc với ông Lê Thanh Cung (khi đó là chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), đồng thời chỉ đạo Trần Văn Lâm làm văn bản mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng xăng dầu Thái Sơn chủ yếu phục vụ nhiệm vụ kinh tế quốc phòng gửi cho ông Cung để xin không bị xử phạt.

Đồng thời, Hệ liên lạc và đặt vấn đề với Bùi Văn Tiệp để được giúp đỡ. Hệ chỉ đạo Lâm làm hợp đồng gửi xăng, mang đến gặp Bùi Văn Tiệp để bị cáo này ký hợp đồng gửi xăng giả kèm theo hai giấy giới thiệu mạo người của sư đoàn, nhận số xăng kém chất lượng trên là của Sư đoàn 367 gửi, không phải là xăng kinh doanh để trốn tránh việc xử phạt.

Căn cứ hợp đồng gửi xăng, tài liệu do Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn cung cấp và bút phê ý kiến của ông Lê Thanh Cung, Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương tin tưởng đây là xăng dầu đơn vị Quân đội gửi nên không truy xuất đến cùng, không xử phạt hành chính đối với số xăng kém chất lượng nêu trên.

Tài liệu thu thập có trong hồ sơ vụ án xác định mức phải xử phạt đối với sai phạm trong việc kinh doanh xăng kém chất lượng nêu trên là hơn 1,4 tỷ đồng.

Video: Bí thư Đà Nẵng nói về Vũ "nhôm", Út "trọc"

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn