USD lên giá bằng Euro: Ôm đôla lãi bỏng tay

Kinh tếThứ Ba, 22/11/2016 07:58:00 +07:00

Hiện tượng đồng đô-la Mỹ (USD) tăng mạnh trong 10 phiên liên tiếp lên đỉnh cao 13 năm và sắp ngang bằng với Euro có thể là bất ngờ lớn nhất song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường tài chính thế giới.

Cú sốc cuối năm

Trong phiên giao dịch đầu tuần mới cuối tháng 11, đồng đô-la Mỹ (USD) trên thị trường châu Á và châu Âu vẫn đứng ở mức cao chót vót. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 101,25 điểm, cao hơn khoảng 10% so với mức trên 90 điểm hồi cuối tháng 4, và đang ở vùng đỉnh của 13 năm qua.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, chỉ số DXY có lúc đạt đỉnh cao 101,54 điểm, cao nhất kể từ tháng 4/2003.

Như vậy, đồng USD đã tăng 10 phiên liên tiếp, so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt tổng mức tăng lên tới gần 5% sau những những biến động đảo chiều chưa từng thấy tại Mỹ.

Cuối tuần trước, tỷ giá EUR/USD có lúc đã xuống tới ngưỡng 1 Euro đổi 1,0578 USD (so với mức: 1 euro đổi 1,16 USD cách đây nửa năm). Dự báo, đồng Euro tiếp tục giảm do nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 và có thể tiếp tục thắt chặt hơn nữa trong năm 2017.

USD 1

Đồng USD tăng mạnh và được dự báo còn tăng tiếp. 

NH nổi tiếng Barclays cho rằng, đồng USD có thể tăng giá lên mức ngang bằng so với Euro ngay đầu năm tới, bởi đồng bạc xanh mạnh lên trong khi châu Âu có thể duy trì lãi suất thấp để vực dậy nền kinh tế khu vực.

Trước đó, đầu năm 2015, Goldman Sachs - một ngân hàng đầu tư khác của Mỹ - cũng đưa ra dự báo rằng, USD sẽ ngang giá thậm chí lên mức 1 euro chỉ còn đổi được 0,85 USD vào đầu 2017. Nếu thành hiện thực, đồng Euro lần đầu tiên sẽ ngang giá với đồng đô-la Mỹ, kể từ cuối 2002.

Trên thực tế, đồng USD tiếp tục tăng giá và được dự báo còn tiếp tục tăng so với đồng yen Nhật, cho dù đã tăng khoảng 10% trong vòng hơn 1 tuần kể từ khi ông Donald Trump thắng cử tổng thống Mỹ. Từ mức 101 yen đổi 1 USD, đồng USD đã tăng mạnh và tính tới cuối giờ chiều 21/11 (giờ Việt Nam) ở mức: 110,58 yen đổi 1 USD.

Đồng USD tiếp tục tăng mạnh so với bảng Anh, cho dù đồng tiền của người Anh đã xuống mức thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ qua do tác động của hậu Brexit, giới đầu tư tiếp tục tháo chạy khỏi đồng tiền này. Từ mức 1 bảng Anh đổi 1,55 USD cách đây 1 năm, bảng Anh rớt xuống chỉ còn 1 bảng Anh đổi 1,2324 USD.

Tại Việt Nam, đồng bảng Anh từ 1 bảng đổi hơn 30.000 đồng xuống chỉ còn 1 bảng  tương đương dưới 28.000 đồng.

Đồng NDT của Trung Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 8 năm, mức 6,8 NDT đổi 1 USD đã bị phá thủng.

Cẩn thận lãi nóng "bỏng tay"

Có thể thấy, diễn biến đồng USD tăng vọt so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác rất bất ngờ, trái ngược với dự báo về việc đồng bạc xanh này sẽ sụt giá nếu ông Trump trở thành tổng thống Mỹ.

Giám đốc môi giới của một CTCK tại Hà Nội cho rằng, đồng USD tăng giá là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế Mỹ và thế giới. Nó cho thấy một sự kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế số 1 thế giới với những kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của ông Donald Trump.

usd 2

Nhiều DN có vay vốn bằng đồng USD và đồng yen Nhật đã chứng kiến lợi nhuận tụt giảm 

Trên thực tế, TTCK Mỹ đã tăng rất mạnh, lên mức kỷ lục mọi thời đại. Giá dầu cũng tăng trở lại trong khi vàng giảm mạnh.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, một đồng USD mạnh có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều nền kinh tế.

Về lý thuyết, việc đồng USD tăng mạnh và các đồng tiền khác giảm sẽ giúp các nước có xuất khẩu vào Mỹ như Trung Quốc, Nhật hay Việt Nam,... hưởng lợi do xuất khẩu được nhiều hàng hóa hơn. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ không diễn biến theo quy luật như vậy dưới nhiệm kỳ của tỷ phú Trump. Vị tổng thống mới đắc cử này có xu hướng bảo hộ DN trong nước và đánh thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu vào nước Mỹ.

Hiện tại, một loạt các nước có thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàng Quốc,... dễ bị liệt vào diện thao túng tiền tệ, giữ đồng tiền nước mình ở mức thấp so với USD và có thể bị Mỹ trừng phạt.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định, đồng USD tăng mạnh và NDT của Trung Quốc tụt giảm trong khi VND diễn biến không nhiều sẽ tác động bất lợi tới Việt Nam vì hàng Trung Quốc ngày càng rẻ hơn.

Ở chiều ngược lại, theo các chuyên gia, nếu đồng VND giảm mạnh thì sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn vào TTCK và gây áp lực lên nhiều DN vay vốn bằng đồng USD. Những biến động mạnh với các ngoại tệ như USD, yen Nhật, NDT, Euro,... cũng khiến các DN lao đao khi mà các biện pháp tránh rủi ro tỷ giá chưa được sử dụng nhiều ở Việt Nam.

Gần đây, nhiều DN có vay vốn bằng đồng USD và đồng yen Nhật đã chứng kiến lợi nhuận tụt giảm, thậm chí thua lỗ nặng như: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2),...

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn