Ước mơ đẹp của hai em nhỏ bất hạnh

Tổng hợpThứ Năm, 30/08/2012 08:33:00 +07:00

Từ ngày 2 đứa con bị bệnh mọi tài sản quý giá trong gia đình chị Nhi cứ lần lượt “đội nón” ra đi, căn nhà nhỏ của gia đình chị cũng bở hoang để về nhà ngoại

Từ ngày 2 đứa con bị bệnh mọi tài sản quý giá trong gia đình chị Nhi cứ lần lượt “đội nón” ra đi, căn nhà nhỏ của gia đình chị cũng bỏ hoang để về nhà ngoại cách đó mấy cây số sống tiện cho việc chăm sóc cho các cháu và chị cũng có thể đi làm khi có bà ngoại ở nhà chăm sóc cho 2 con.
 
Cứ đều đặn tháng nào cũng vậy, chị Nhi đều phải chở 2 cháu vượt hơn 60km lên bệnh viện Trung ương Huế để truyền máu hàng tháng với hy vọng duy trì được sự sống cho các con.

Từ lúc mới sinh ra được cặp song sinh Trần Thị Bảo Hiếu, Trần Thị Bảo Hạnh sinh ngày 17/4/2003, trú tại thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế đã bị bệnh hiểm nghèo Thalassemia  hay còn gọi là bệnh thiếu máu bẩm sinh căn di truyền.

Ngồi bên 2 đứa con gái tội nghiệp, chị Nguyễn Thị Yến Nhi (39 tuổi) rớt nước mắt cho biết: “Lúc các cháu mới được hơn 1 tuổi vợ chồng tôi thấy các cháu ngày càng xanh xao, gầy gò nên đã đưa 2 cháu đi bệnh viện khám, tại bệnh viện huyện các bác sĩ nói bệnh của 2 cháu rất nặng và làm thủ tục chuyển các cháu lên bệnh viện Trung ương Huế để được xét nghiệp và chăm sóc.

“Vợ chồng tôi như chết lặng khi nghe các bác sĩ thông báo 2 cháu bị bệnh thiếu máu nghiêm trọng và bệnh này khả năng chữa trị là rất thấp, từ ngày đó đến giờ lương vợ chồng tôi làm được bao nhiêu thì đều để giành chữa trị cho các cháu nhưng giờ thì vợ chồng tôi không còn đủ dũng khí cũng như khả năng lo tiền bạc để lo cho 2 cháu nữa rồi” – chị Nhi nói trong nước mắt.

Chị Nhi bên 2 con song sinh bị bệnh hiểm nghèo Bảo Hiếu, Bảo Hạnh tại khoa nhi, bệnh viện Trung ương Huế. Do phải chở 2 con chị lên bệnh viên điều trị nên đứa con thứ 3 chị Nhi gửi tại nhà bà ngoại nhờ bà chăm sóc. 

Từ ngày 2 đứa con bị bệnh mọi tài sản quý giá trong gia đình chị Nhi cứ lần lượt “đội nón” ra đi, căn nhà nhỏ của gia đình chị cũng bở hoang để về nhà ngoại cách đó mấy cây số sống tiện cho việc chăm sóc cho các cháu và chị cũng có thể đi làm khi có bà ngoại ở nhà chăm sóc cho 2 con.

Cha các cháu là anh Trần Văn Đăng (46 tuổi) làm công nhân cầu đường nên phải đi theo công trình nay đây mai đó nên 1 năm anh cũng chỉ về thăm các con được một vài lần, tiền lương hàng tháng anh đều dành dụm để gửi về cho vợ con lo ăn uống và chữa bệnh, còn chị Nhi là giáo viên trường tiểu học dưới Phú Lộc đồng lương cũng chẳng được là bao. Cộng cả tiền lương của 2 vợ chồng lại cũng không thấm vào đâu với số tiền phải chữa trị hàng tháng cho 2 cháu.

Với cơ thể yếu ớt và đang héo mòn về bệnh tật nhưng 2 cháu vẫn khao khát được đi học, hiện 2 cháu đang học lớp 4 Trường tiểu học Nước ngọt 2 (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế), các cháu rất ngoan và học giỏi. Vì 2 cháu bị bệnh nên luôn được thầy cô và bạn bè quan tâm để ý mỗi khi gần đến ngày phải đi truyền máu.

“Mỗi lần các cháu phát bệnh toàn cơ thể xanh bợt như tàu lá chuối, buổi tối các cháu rất hay đau các khớp chân, khớp tay tôi lại thức trắng đêm để bóp chân tay cho các cháu, nhiều lúc tay tôi cũng rụng rời vì cùng lúc phải giúp 2 cháu đỡ đau. Nhiều đêm 2 chị em thương mẹ nên đã cố chịu đựng nói chúng con hết đau rồi mẹ đi ngủ đi” – chị Nhi tâm sự.

BS Châu Văn Hà, BS điều trị trực tiếp cho 2 cháu, cho biết 2 cháu Hiếu và Hạnh bị bệnh thiếu máu bẩm sinh (hay còn gọi Thalassemia) vì vậy các cháu phải truyền máu hàng tháng mới duy trì được sự sống. Nhưng gần đây các cháu bị yếu nên phải truyền máu nhiều làm sắt trong máu tăng ảnh hưởng đến tim, xương và nhiều cơ quan khác làm cho các cháu chậm phát triển hệ xương.

Các cháu bị bệnh hành hạ khiến mặt mày xanh xao, gầy guộc như những đứa trẻ mới lên 3 

“Do phải điều trị thêm thuốc hạ sắt khiến lá lách của 2 cháu càng ngày càng to và phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ lách thì mới mới kéo dài được chu kỳ truyền máu, còn nếu muốn chữa khỏi bệnh thì chỉ có cách ghép tủy. Nhưng mỗi ca ghép tủy chi phí tới hàng trăm triệu đồng, với những bệnh nhân nghèo thì đó vẫn như một giấc mơ” – bác sĩ Hà nói.

Đã 10 tuổi rồi nhưng nhìn 2 cháu xanh xao và nhỏ như những đứa trẻ mới hơn 3 thế nhưng Bảo Hiếu, Bảo Hạnh vẫn lạc quan với cuộc sống. 2 chị em hồn nhiêu nói, “chúng cháu rất muốn được tiếp tục được đi học để sau này Bảo Hiếu sẽ làm cô giáo còn Bảo Hạnh sẽ làm bác sĩ để vừa có tiền giúp đỡ và nuôi dưỡng bố mẹ và chữa bệnh cho những bạn cơ trường hợp giống như mình”.

Đó là những ước mơ của 2 chị em Bảo Hiếu, bảo Hạnh khi tâm sự với chúng tôi. Rời bệnh viện chúng tôi cầu chúc cho các cháu sớm gặp được những phép màu có thể giúp các cháu sớm khỏi bệnh và hoàn thành được ước mơ trong cuộc đời bé nhỏ.

Theo Lao Động Thủ Đô
Bình luận
vtcnews.vn