Unilever Việt Nam 'tố' doanh nghiệp Việt: Chuyên gia nói gì?

Pháp luậtThứ Năm, 22/12/2016 12:16:00 +07:00

Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thành, nguyên Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Quốc gia đã lên tiếng về việc sử dụng chất Ketoconazole trong mỹ, dược phẩm.

Trước các thông tin về việc khiếu nại của Unilever Việt Nam với Sao Thái Dương liên quan đến chất Ketoconazole dùng trong Dầu gội Dược liệu Thái Dương 7, Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thành, nguyên Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Quốc gia đã lên tiếng về việc sử dụng chất này trong mỹ, dược phẩm.

- Thưa ông, việc vận dụng tinh hoa y học cổ truyền của dân tộc và nguồn dược liệu phong phú vào chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp của người Việt đang được thực hiện như thế nào?

Thực tế hiện nay cho thấy nguồn dược liệu có nguồn gốc Việt Nam đóng góp cho việc chữa trị bệnh cho người Việt chưa được nhiều lắm. Trước kia, cha ông ta hoàn toàn sử dụng cây nhà lá vườn cho việc điều trị bệnh nhưng nay do khoa học phát triển nhanh nên người dân thường có thói quen sử dụng những thành tựu của công nghiệp tân dược.

15666042_10202515898694630_622121859_n-1306

Công văn của Unilever Việt Nam gửi Công ty CP Sao Thái Dương. 

Vì vậy, những tìm tòi, nghiên cứu về tác dụng của dược liệu là khá khiêm tốn. Việc sử dụng dược liệu để chữa bệnh chỉ tập trung ở một số bệnh thông thường và không nguy hiểm đến tính mạng, còn các loại bệnh nặng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng thì người dân thường sử dụng thuốc tây y.

Nguồn dược liệu ở Việt Nam rất phong phú, nghiên cứu của người Việt về dược liệu chưa thật hoàn hảo. Do đó các hoạt chất có tác dụng trong dược liệu chưa biết được hết nên việc áp dụng dược liệu vào điều trị là chưa được hoàn thiện. Nhưng có một số công ty, xí nghiệp dược bắt đầu tận dụng được các thế mạnh từ nguồn dược liệu và tinh hoa y học cổ truyền của dân tộc để khai thác.

Trong da liễu có rất nhiều phát kiến về việc sử dụng dược liệu ra dựa trên công nghiệp dược hiện đại để chiết xuất ra những tinh chất trong cây cỏ mà ông cha ta từng sử dụng. Ví dụ, chúng ta thấy một số bài thuốc dân gian cổ truyền được sử dụng phổ biến nhất đó là dùng làm dầu gội như bồ kết, hương nhu, sả…và làm sữa tắm.

- Việc sử dụng nguồn dược liệu sẵn có, sự kết hợp giữa tinh hoa y học cổ truyền dân tộc và sức mạnh của khoa học công nghệ theo ông có phải là lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp dược, mỹ phẩm Việt khiến các doanh nghiệp ngoại phải “gièm pha” lo sợ không thưa ông?

Trong các bệnh mãn tính thì việc sử dụng dược liệu như trên có thể là ưu thế để cạnh tranh. Đặc điểm của việc áp dụng dược liệu và khoa học công nghệ cho thấy, có thể ngày xưa ông cha ta dùng hàng gánh mới ra được một chút dược liệu và quy trình rất lích kích.

Ví dụ, việc dùng bồ kết để làm dầu gội thì các cụ phải dùng chậu lớn, nướng hàng chục quả bồ kết rồi dã, bẻ và phơi ra nắng để gội đầu còn hiện nay nhờ công nghiệp dược, các doanh nghiệp đã chiết xuất ra những chất cần thiết, đồng thời tăng độ đậm đặc lên nên bỏ qua được rất nhiều khâu lích kích như trước đây.

Kết quả thu về cho thấy số lượng tuy ít, quy trình áp dụng ngắn nhưng tinh chất lấy ra được thì nhiều. Hiện một số đơn vị trong nước đã nghiên cứu và sản xuất ra các sản phẩm có tác dụng trong thực tế và được người dân đón nhận.

- Hiện đang có “tranh cãi” của doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp Việt về sử dụng chất “Ketoconazole” trong mỹ phẩm, dầu gội, theo ông chất này sử dụng trong các sản phẩm dạng này có vấn đề gì đáng quan ngại không?

Việc “ganh tỵ” hoặc “đố kỵ” dựa trên các lợi thế cạnh tranh hoặc “tranh cãi” về chuyên môn giữa các đơn vị kinh doanh với nhau là điều khó tránh khỏi. Còn về sản phẩm sử dụng chất “Ketoconazole” tôi thấy đã có rất nhiều dạng được dùng qua đường uống, bôi, dầu gội, xịt.

Các công ty nước ngoài đã nghiên cứu rất kỹ, “Ketoconazole” xuất hiện trên thế giới vào năm 1976 với những tác dụng đến nấm da. Lúc đó, gần như “Ketoconazole” là cứu cánh cho ngành da liễu trên toàn thế giới vì nó sở hữu tác dụng diệt nấm rất tốt. Sau đó, đến năm 1980 “Ketoconazole” được sử dụng rộng rãi.

- Như vậy, từ trước tới nay chất “Ketoconazole” đã được các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn, cơ quan quản chức năng cho phép sử dụng qua các hình thức như kem bôi, thuốc uống, dầu gội và đây không phải là chất gây hại cho người dùng thưa ông?

Trên thế giới, điển hình là hãng Janssen Cilag với sản phẩm dầu gội Nizoral Shampoo sử dụng 2% “Ketoconazole” và đang được bán rộng rãi. Với mỗi dạng sử dụng “Ketoconazole” đều có những quy định cụ thể vì không chỉ riêng chất này mà tất cả các chất khác sử dụng trong dược đều có tác dụng chính và tác dụng phụ.

 
Tôi chưa từng gặp. Như tôi nói khi “Ketoconazole” ra đời là cứu cánh cho ngành da liễu và có những đóng góp vượt trội so với các sản phẩm trị nấm trước đó.

Ông Nguyễn Văn Thành

Ở Việt Nam có sản phẩm Dầu gội Thái Dương, thành phần gồm 23 vị nhưng “Ketoconazole” chỉ có 0,5%, là mức rất thấp so với các dầu gội nước ngoài khác là 2%. Với nồng độ này thì qua sử dụng lâm sàng chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào có tác dụng phụ.

Mặt khác, “Ketoconazole” trong dầu gội thẩm thấu qua da mà da là một cơ quan giống “bức tường ngăn” khá hoàn hảo nên để “Ketoconazole” khó gây tác dụng phụ trên da.

- Trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân ông đã gặp trường hợp nào phải đối diện với tác dụng phụ của “Ketoconazole”?

Tôi chưa từng gặp. Như tôi nói khi “Ketoconazole” ra đời là cứu cánh cho ngành da liễu và có những đóng góp vượt trội so với các sản phẩm trị nấm trước đó. Ví dụ như xuất hiện á sừng, vẩy, da dầu ở trên đầu thì Dầu gội Thái dương ngoài tác dụng làm bong vẩy, chất “Ketoconazole” còn có tác dụng điều trị vẩy da dầu trên đầu.

Việc sử dụng “Ketoconazole” trong dầu gội đã được nghiên cứu rất kỹ càng ở Đại học Y Hà Nội, Viện Quân Y 103 và đã được các cơ quan chuyên môn ở Việt Nam thẩm định cho lưu hành sản xuất theo quy mô công nghiệp.

Việc thực nghiệm ở Bộ môn Dược tại Đại học Y Hà Nội và sử dụng lâm sàng trên người ở Viện Quân Y 103 kết luận hầu như không có tác dụng phụ nào từ Dầu gội Thái Dương với thành phần có “Ketoconazole” 0,5%.

- Theo ông, nếu có việc hạn chế sử dụng “Ketoconazole” trong mỹ phẩm mà chỉ được dùng trong dược phẩm thì phải chăng chỉ là cách phân loại để quản lý mà thôi?

Theo tôi nên quan tâm đến việc người ta sử dụng mỹ phẩm đó để làm gì, nếu như chỉ để làm đẹp thông thường thì chả ai đưa “Ketoconazole” vào làm gì nhưng nếu vừa phục vụ mục đích làm đẹp vừa khắc phục tình trạng da dầu, vẩy… thì dĩ nhiên phải đưa “Ketoconazole” vào.

Phải xem trong thành phần các chất khi đưa thêm “Ketoconazole” vào có tương kỵ với nhau không vì nếu tương kỵ đưa vào sẽ phát sinh những thứ không mong muốn. Còn việc hạn chế sử dụng “Ketoconazole” thì tôi chưa nghe. Khi các đơn vị đưa “Ketoconazole” vào dầu gội thì đã phải chấp hành nghiêm các quy định của Bộ Y tế rồi.

Chất Ketoconazole không nằm trong danh mục thành phần chất cấm, các thành phần có quy định về giới hạn nồng độ, hàm lượng và điều kiện sử dụng trong công thức sản phẩm mỹ phẩm được quy định tại Điều 14 Thông tư 06/2011/TT-BYT. Thuốc chứa “Ketoconazole” là thuốc bán đại trà và không phải kê đơn.

Xin cảm ơn ông!

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn