Ứng xử sao với kẻ say xỉn, không bằng lái giết người hàng loạt?

Thời sựThứ Tư, 04/12/2019 10:18:00 +07:00

Chỉ trong phút chốc, tài xế - có thể lâu nay tự cho mình lương thiện - trở thành kẻ sát nhân, với 4 mạng người bị nghiền nát dưới bánh xe bởi men rượu.

Trước và sau Võ Duy Đô, có bao nhiêu người cầm lái giống như anh ta, lật cuốn sách cuộc đời sang một trang đen tối với danh xưng mới – kẻ đoạt mạng người – chỉ sau bữa rượu? Và quan trọng hơn, có bao nhiêu người vô tội phải gập lại cuốn sách đời mình, phải trả giá cho tội lỗi của người khác bằng cả sinh mạng, cái giá quá tàn khốc và vô lý?

Cho đến bao giờ, người Việt Nam mới có thể yên tâm rằng chỉ cần mình tuân thủ Luật Giao thông thì sẽ được an toàn, khi mà thần chết vẫn tung hoành trên đường trong hình dáng những tài xế tự cho phép mình lái xe trong tình trạng nồng nặc hơi men, hay không có bằng lái?

Rõ ràng trước khi nhậu, những tài xế như Đô hoàn toàn ý thức được việc lái xe trong tình trạng say xỉn có thể làm chết người. Nhưng họ vẫn leo lên xe, thậm chí hung hăng quyết cầm vô lăng bằng được khi bị ngăn cản.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi ngày cả nước có gần 30 người chết, 70 người tàn phế suốt đời vì tai nạn giao thông. Nguyên nhân của hơn 40% số vụ tai nạn đó là do tài xế uống rượu bia. Nghĩa là trong 36.000 người mất mạng và tàn phế mỗi năm do tai nạn giao thông, có hơn 14.000 cuộc đời bị những hung thần say xỉn đoạt mạng.

hien-truong-tai-nan

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Phú Yên khiến 4 người chết, 3 người bị thương. 

Quá dễ để những kẻ đang chuếnh choáng hơi men hay tay lái chưa tốt cầm vô lăng ra đường, bởi dường như với nhiều tài xế, điều họ lo lắng khi định vi phạm Luật Giao thông là bị công an phạt chứ không phải gây nguy hiểm cho bản thân hay người khác.

3 gia đình ở huyện Đông Hòa phải tổ chức đám tang, tiễn đưa 4 người chết oan ức sau vụ tai nạn bởi tài xế say xỉn, không bằng lái Võ Duy Đô. Hành vi của Đô là tội ác tày trời, có chết bao nhiêu lần cũng không thể hết tội. Trong tay kẻ say rượu hoặc không bằng lái, ô tô không còn là phương tiện, mà chính là hung khí giết người hàng loạt.

Quy định pháp luật quá “hiền”, lực lượng bảo vệ pháp đang có những mục đích khác ngoài chức năng chính của mình đang khiến tài xế ít băn khoăn khi vi phạm, để rồi đến lúc trở thành tội phạm hình sự đâm chết hàng loạt người như Võ Duy Đô thì mới hối hận. Nhưng hối hận, “xin lỗi” hay “giá như” đều vô nghĩa.

Phải loại bỏ sát nhân từ rượu ra khỏi đời sống

tai-nan

Những nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn liên hoàn ở Phú Yên hiện vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện. 

Thực tế cho thấy gần đây, luật pháp ở nhiều nước và vùng lãnh thổ cũng bắt đầu tỏ ra cứng rắn hết sức đối với tội say rượu lái xe.

Cuối năm 2018, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Park Sang-ki khẳng định sẽ coi lái xe khi say rượu là hành vi sát nhân, phải nghiêm trị. Tại Kong Kong, tài xế bị phát hiện có nồng độ cồn vượt ngưỡng 0,22mg/lít khí thở có thể bị tù giam đến 3 năm; trong khi cũng với mức cồn này, tài xế ở Việt Nam chỉ bị phạt tối đa 8 triệu đồng.

Luật của Nhật Bản còn nghiêm hơn, chỉ cần nồng độ cồn quá  0,15mg/1 lít khí thở, tài xế có thể bị tù giam 3 năm. Những người để cho  kẻ uống rượu cầm lái cũng bị phạt 300.000 yên Nhật (khoảng 60 triệu đồng).

Tại Việt Nam, các pháp luật cũng đang có xu hướng nghiêm khắc hơn. Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được Quốc hội thông qua tháng 6/2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020) nghiêm cấm việc lái xe sau khi uống rượu bia, nghĩa là chỉ cần có sự hiện diện của cồn trong máu hoặc hơi thở - dù rất thấp - cũng không được phép làm tài xế.

csgt-ben-thanh5 3

 CSGT TP.HCM trong một lần ra quân kiểm tra nồng độ cồn của các tài xế.

Tuy nhiên, người dân vẫn đợi những hình phạt thật sự xứng đáng, thật sự mạnh, đủ khiến tài xế “sợ đến tỉnh rượu” để không dám nắm vô lăng khi nghĩ về hậu quả có thể xảy ra. Cái cần thiết chính là cần dùng môi trường pháp lý chặt chẽ, mạnh tay và có sự ràng buộc để người lái xe không muốn hoặc không dám vi phạm. Đó là cần phải loại những kẻ sát nhân từ rượu ấy ra khỏi xã hội văn minh hiện nay.

Tối 30/11, trong tình trạng say xỉn, tài xế không bằng lái Võ Duy Đô lao xe bán tải vào chiếc xe đạp điện của nữ sinh 14 tuổi Lê Thị Tiến trên Quốc lộ 29 (đoạn qua thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên).

Chiếc “xe điên” sau đó tiếp tục tông vào 2 xe máy khác, một do chị Nguyễn Thị Bão Linh (40 tuổi) lái, chở theo con gái 5 tuổi, xe kia do anh Huỳnh Chí Đôi (35 tuổi) điều khiển, chở theo vợ là chị Trịnh Thị Kim Loan (26 tuổi) cùng 2 con 5 tuổi và 9 tháng tuổi. 4 người thiệt mạng, 3 người bị thương nặng trong vụ tai nạn thảm khốc này.

Tân Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn