Ung thư lưỡi: Căn bệnh âm thầm nhưng nguy hiểm

Sức khỏeThứ Ba, 30/08/2016 17:53:00 +07:00

Ung thư lưỡi là một trong số các căn bệnh ung thư gây nguy hiểm đến tính mạng con người và hiện vẫn chưa có phương pháp chữa trị hữu hiệu.

Căn bệnh ác tính này bắt đầu với sự xuất hiện của khối u phát triển trên bề mặt hoặc phía sau lưỡi gần với cổ họng. Bệnh thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi, tuy nhiên, gần đây người mắc bệnh ung thư lưỡi ngày càng trẻ hóa.

ung-thu-luoi

 Gần đây số người mắc bệnh ung thư lưỡi ngày càng trẻ hóa.

Theo thống kê, có tới 90% bệnh nhân bị ung thư lưỡi khi đến khám và điều trị thì bệnh đã ở giai đoạn cuối. Trước đó, có không ít người nhầm tưởng những dấu hiệu của căn bệnh này với nhiệt miệng thông thường. Do đó, cần phải cảnh giác với các dấu hiệu của ung thư lưỡi:

Đau lưỡi

Đau lưỡi là triệu chứng xuất hiện ở giai đoạn thứ 4 của bệnh ung thư vì hầu hết ung thư lưỡi ở giai đoạn đầu đều không gây ra triệu chứng đau. Đôi khi người bệnh cảm thấy lưỡi mình như có dị vật hoặc xương cá cắm vào rất khó chịu mà không tìm được nguyên nhân thì rất có thể đó là biểu hiện của bệnh ung thư lưỡi.

Lưỡi xuất hiện vết loét

Đây cũng là một biểu hiện sớm thường gặp nhất của bệnh ung thư lưỡi. Nhưng triệu chứng này đôi khi được đánh đồng với những vết thương nhỏ do răng cắn phải lưỡi. Tuy nhiên, khác với vết thương do người bệnh tự gây ra, các vết loét này thường không có dấu hiệu lành lại.

canh-bao-dau-hieu-ung-thu-luoi-bat-ngo-ban-nen-biet-hinh-4

Lưỡi xuất hiện vết loét là một biểu hiện sớm thường gặp nhất của bệnh ung thư lưỡi.

Đau họng

Cổ họng của người bệnh bị đau mỗi khi nuốt nước miếng hay thức ăn cũng là một biểu hiện của bệnh ung thư lưỡi chứ không đơn thuần chỉ là do mệt mỏi hay viêm nhiễm tuyến nước bọt. Nếu xuất hiện triệu chứng này rất có thể bệnh ung thư lưỡi đã phát triển khá trầm trọng.

Xuất hiện mảng trắng trên lưỡi

Thông thường các dấu hiệu của bệnh ung thư lưỡi dễ bị nhầm lẫn với bệnh nhiệt miệng như người bệnh thấy trên lưỡi mình có xuất hiện các mảng đốm trắng hay màu đỏ. Các mảng này có thể nằm bất kỳ vị trí nào của lưỡi, có diện tích ngày càng rộng và bám chắc vào bề mặt lưỡi. Niêm mạc trắng này thường có xu hướng mềm hơn bề mặt lưỡi và dễ dàng bị chảy máu do quá trình người bệnh nhai, nuốt tạo ra một lực đủ mạnh làm vỡ chúng.

Do đó, khi thấy lưỡi mình có biểu hiện xuất hiện khác thường, tốt nhất nên đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa khám và chẩn đoán.

Video: Cách chọn dầu thực vật an toàn

Thúy Nga (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn