Ủng hộ bóng đá nữ: Xin đừng nói yêu rồi để đấy!

Thể thaoThứ Hai, 28/08/2017 07:00:00 +07:00

Làm sao có thể kêu gọi đầu tư cho bóng đá nữ khi người hâm mộ còn thờ ơ với đội tuyển nữ hay giải vô địch quốc gia nữ như vậy?

1. 24/8/2017, U22 Việt Nam thảm bại 0-3 trước U22 Thái Lan, qua đó phải chia tay giải đấu ngay từ vòng bảng. Sau đó ít giờ, tuyển nữ Việt Nam đánh bại Malaysia với tỉ số 6-0, qua đó vượt mặt người Thái để bước lên đỉnh cao khu vực một cách thuyết phục.

Âm thịnh, dương suy. Hai khoảnh khắc chỉ cách nhau ít giờ đồng hồ tạo cảm giác trái ngược cho người hâm mộ. Trên các diễn đàn hay trang mạng xã hội, nhiều ý kiến, bình luận cho rằng VFF nên đầu tư nhiều hơn cho bóng đá nữ (thay vì bóng đá nam chẳng mang lại thành tích gì), thưởng nhiều hơn, đãi ngộ tốt hơn cho các cô gái vàng để tiếp tục mang lại niềm tự hào cho thể thao nước nhà.

Nu Viet Nam (13) 10

Tuyển nữ Việt Nam vô địch SEA Games 29.

Không sai. Bóng đá nữ cần được đầu tư hơn nữa. Nhưng để thầy trò HLV Mai Đức Chung có thêm động lực và cơ hội phát triển, yếu tố tiên quyết lại không đến từ VFF. Mà chính là người hâm mộ.

2. Chia sẻ với báo giới tại sân bay Nội Bài đêm qua, ông Nguyễn Xuân Gụ - phó chủ tịch phụ trách truyền thông VFF đề cập đến nỗi trăn trở bao lâu nay của tuyển nữ.

"Đội nữ là một tập thể đoàn kết, bản lĩnh vững vàng, luôn thi đấu hết mình. Tuy nhiên người hâm mộ đến cổ vũ không được nhiều, như trận thi đấu thứ 2 chỉ có 65 người đến sân".

Trận đấu quyết định danh hiệu vô địch của tuyển nữ tại SEA Games 29 (gặp Malaysia) cũng chỉ chứng kiến vài trăm khán giả có mặt trên khán đài. Con số thực sự khiêm tốn khi đặt cạnh số khán giả theo dõi U22 Việt Nam thi đấu trận trước đó, dù trên lý thuyết, tuyển nữ Việt Nam ra sân ở thời gian lý tưởng hơn nhiều.

Đấy chỉ là một phần của vấn đề. Vòng loại Asian Cup 2018 nữ được tổ chức tại sân bóng trong khuôn khổ liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng chỉ chứng kiến trên dưới 100 khán giả mỗi trận (không tính trận quyết định với Myanmar).

Con số này vừa bằng số khán giả dự khán... vòng loại U16 châu Á, dẫu người hâm mộ không phải trả bất cứ khoản tiền nào để được theo dõi trực tiếp các tuyển thủ nữ thi đấu.

Video: Tuyển nữ Việt Nam ăn mừng chức vô địch SEA Games 29

Bóng đá nữ trước giờ luôn kén khán giả hơn bóng đá nam. V-League dù vắng, nhưng vẫn sở hữu lực lượng cổ động viên hơn giải vô địch quốc gia nữ. Đó là thiệt thòi của phái yếu ở môn thể thao từng có định kiến là chỉ dành cho phái mạnh này.

Ha Noi 1 (trang) - Than K

Khán đài trống vắng là "đặc sản" của các giải bóng đá nữ.

Không chỉ Việt Nam, ở rất nhiều quốc gia khác, người hâm mộ vẫn dành sự ưu ái cho bóng đá nam hơn hẳn, dù bóng đá nữ mang lại rất nhiều thành tích. Nhật Bản là một ví dụ.

Nhiều người cho rằng: khán giả ít, không có nghĩa tuyển nữ phải chịu thiệt thòi hơn tuyển nam ở tiền thưởng hay điều kiện ăn ở hay tập luyện. Đây là nhận định sai lầm, bởi tuyển nữ có được tạo điều kiện tốt hơn hay không, phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của người hâm mộ dành cho các cô gái vàng.

3. Trả lời phỏng vấn sau tấm huy chương vàng cùng bóng đá nữ, HLV Mai Đức Chung có chia sẻ về chế độ đãi ngộ của các học trò.

"Các chế độ của Tổng cục Thể dục Thể thao cho các đội tuyển giống nhau, không phân biệt nam hoặc nữ.

Tuy nhiên, một số nhà tài trợ lại chăm chút cho đội nam hơn. Đó là khác biệt giữa nam và nữ, nhiều lúc cũng hơi chạnh lòng một chút, nhưng đó là quyền tự do của mọi người. Đội nam ít được huy chương vàng hơn đội nữ, nên nhà tài trợ muốn động viên đội nam nhiều hơn.

Mai Duc Chung (4) 5

HLV Mai Đức Chung luôn mong mỏi sự quan tâm dành cho bóng đá nữ. (Ảnh: Ngọc Anh)

Chúng tôi không chạnh lòng vì điều này, nhưng mong các nhà tài trợ để ý nhiều hơn tới cả đội tuyển nam và đội tuyển nữ" - HLV Mai Đức Chung trả lời trên trang Zing.

Tuyển nữ Việt Nam thi đấu vòng loại Asian Cup 2018 trước sự chứng kiến của trên dưới 100 cổ động viên, dù sân bóng mở cửa tự do.

Chế độ đãi ngộ không phân biệt bóng đá nam và nữ, mà số lượng nhà tài trợ, "Mạnh thường quân" đầu tư vào bóng đá mới làm nên hai hình ảnh khác biệt giữa bóng đá nữ và bóng đá nam.

Thế mới có chuyện, tuyển nữ vô địch được thưởng 8 tỷ, còn con số tương tự với tuyển nam có khi lên đến 20 tỷ. Thế mới có chuyện, cầu thủ nam có mức thu nhập đủ để sống dư dả, còn cầu thủ nữ thường phải làm thêm để trang trải cuộc sống.

Rất khó trách các nhà tài trợ. Đơn giản, nhà tài trợ chỉ bỏ tiền đầu tư cho đội tuyển có thể mang lại giá trị hình ảnh cao hơn. Giá trị hình ảnh đó phụ thuộc hoàn toàn vào người hâm mộ. Bóng đá nam được theo dõi nhiều hơn, thương hiệu thông qua bóng đá nam sẽ đến được với người xem nhiều hơn so với bóng đá nữ. Do vậy, bóng đá nam được tài trợ nhiều hơn. Đó là bài toán kinh tế bất cứ ai cũng có thể hiểu.

Từ tài trợ nhiều hơn, bóng đá nam sẽ có tiền để tổ chức những trận giao hữu bạc tỉ (với U20 Argentina) trên sân Mỹ Đình, còn bóng đá nữ phải chuẩn bị SEA Games bằng những trận đấu với... các đội phủi trên sân bóng trong khuôn viên Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Nhiều "quân xanh" yếu tới mức, tuyển nữ đá như đi dạo cũng thắng với cách biệt 5, 6 bàn.

truc-tiep-bong-da-nu-viet-nam-vs-nu-myanmar-vong-loai-asian-cup-2018-8-1913585

Tuyển nữ Việt Nam (áo trắng) không có nhiều trận đấu chất lượng trước SEA Games. (Ảnh: Duy Thành)

Muốn thu hút tài trợ, bóng đá nữ phải có lượng người hâm mộ quan tâm, theo dõi nhiều hơn. Quan tâm tới từng bước đi, thay vì xem đôi ba trận chung kết, ca ngợi và... lãng quên luôn các nữ tuyển thủ cho đến các giải đấu tiếp theo.

Khác biệt còn nằm ở chỗ, bóng đá nam dù có thất bại, bị... chửi te tua trên các phương tiện truyền thông, thì vòng loại Asian Cup, AFF Cup hay vòng chung kết U23 châu Á tới đây, một bộ phận người hâm mộ vẫn sẽ theo dõi những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường chơi bóng.

Bóng đá nữ được ca ngợi lên mây, song cũng chỉ dừng ở mức độ đó. Sau chức vô địch này, tuyển nữ sẽ thi đấu dưới những khán đài đông đảo khán giả hơn, giải vô địch quốc gia nữ sẽ có đông cổ động viên hơn? Có hay không, người hâm mộ biết rất rõ câu trả lời.

Dù giành không ít vinh quang cho dân tộc, sự quan tâm của người hâm mộ cho tuyển nữ trong nhiều năm qua là rất khiêm tốn. Khiêm tốn như con số 65 cổ động viên trong một trận đấu SEA Games, hay lẻ vẻ khán giả đến xem vòng loại Asian Cup 2018 - giải đấu các cô gái vàng thắng như chẻ tre.

4. Tâm tư của tuyển nữ, cũng là tâm tư của HLV Mai Đức Chung cũng như những người làm bóng đá. Được đầu tư nhiều hơn là niềm hạnh phúc lớn. Nhưng chẳng có gì quý giá hơn tình yêu của người hâm mộ.

Hinh anh Tuyen nu Viet Nam: Chien dau can truong de gianh ve di Asian Cup 2018 36

Tuyển nữ giành vé dự Asian Cup, hướng tới World Cup 2019.

Ngồi trên những khán đài trống vắng, số ít khán giả còn cảm thấy cô đơn, chứ chưa nói đến các nữ tuyển thủ đang đổ mồ hôi, sôi nước mắt để mang đến niềm vui cho cổ động viên. Với tuyển nữ, cống hiến trong thầm lặng như vậy... cũng quen rồi, nhưng quen rồi không đồng nghĩa với việc cứ để nó như vậy.

Bóng đá nữ Việt Nam đã làm nên kỳ tích, nhưng thầy trò HLV Mai Đức Chung có thể làm được tốt hơn nếu được đầu tư nhiều hơn. Muốn có được điều đó, trước tiên, phải dựa trên nền tảng quan tâm và yêu thương của người hâm mộ.

Yêu thương cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể, chí ít là tới sân cổ vũ. Còn yêu thương bằng những bình luận vu vơ rồi... để đấy, làm sao mong bóng đá nữ có thêm điều kiện để đi lên?

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn