Ứng dụng công nghệ robot trong sinh thiết khối u phổi

Khoa học - Công nghệThứ Bảy, 10/06/2017 09:55:00 +07:00

Đây là một thành tựu y học mới của các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Nghệ An khi vừa nghiên cứu, vừa ứng dụng thành công công nghệ robot trong sinh thiết các khối u phổi và các u tạng khác nói chung, nhờ đó giảm tỉ lệ tai biến, biến chứng, thời gian và chi phí điều trị.

anh6

Sử dụng robot chẩn đoán điều trị tại bệnh viện ung bướu Nghệ An 

Được biết, công trình này là kết quả của đề tài nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ robot trong sinh thiết khối u phổi tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An” do nhóm tác giả Nguyễn Quang Trung, Phạm Vĩnh Hùng, Nguyễn Đình Tạo (Bệnh viện Ung bướu Nghệ An) thực hiện.

Nhóm bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết, điều quan trọng nhất trong chẩn đoán bệnh lý ung thư là lấy được mẫu mô khối u để tiến hành phân tích hình ảnh hiển vi, xét nghiệm hóa mô miễn dịch, hay phân tích gen, đưa ra kết luận là khối u lành tính hay ác tính. Nếu là ác tính thì xác định được mức độ, từ đó giúp lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Theo tác giả Nguyễn Quang Trung, cách thực hiện sinh thiết truyền thống thường dựa vào hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực của bệnh nhân để đánh dấu vị trí chọc, đo đạc các khoảng cách và góc nghiêng, rồi chọc sinh thiết theo kết quả đã tính toán. Việc thực hiện dựa vào hình ảnh chụp cắt lớp vi tính và tính toán thủ công như vậy phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm người làm và mang tính may rủi, thường phải chọc sinh thiết nhiều lần, tỷ lệ tai biến, biến chứng khá cao. Hơn nữa, do độ chính xác không cao nên không thể sinh thiết được các khối u ở trung thất, hay gần các bộ phận quan trọng như tim, các mạch máu lớn.

Xuất phát từ thực tiễn đó, nhóm nghiên cứu Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ robot trong sinh thiết khối u phổi và đã thu được kết quả khả quan. Công nghệ này kết hợp giữa robot và máy chụp cắt lớp vi tính, cho phép tọa độ số hóa khối u. Máy robot tự động điều khiển kim sinh thiết vào chính xác vị trí cần thiết, cho phép sinh thiết chính xác đến từng milimet, kể cả những khối u phổi ở vị trí đặc biệt khó như gần tim, mạch máu lớn, sâu trong trung thất,… là những vị trí kỹ thuật thủ công không thể thực hiện được.

Nhờ công nghệ này, tỉ lệ tai biến, biến chứng rất ít so với sinh thiết thủ công. Do đó, không tốn kém thời gian, tiền bạc để điều trị tai biến, biến chứng như trước đây. Bên cạnh đó, nhờ tính chính xác, công nghệ robot còn cho phép hướng dẫn đốt sóng cao tần, tiêm cồn diệt hạch thần kinh giao cảm trong điều trị chống đau dây thần kinh tam thoa,…

Với những kết quả đó, Hội đồng xét Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Nghệ An năm 2017 đã đánh giá và xét chọn công trình đạt giải Nhất.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn