U23 VN: Danh dự không là chuyện đùa

Thể thaoThứ Sáu, 02/12/2011 02:00:00 +07:00

Có gì phức tạp hay khó đâu, chỉ một lá đơn với đầy đủ chữ ký hay đặt mấy cái laptop vô tri vô giác lên “bàn mổ” nhỉ?

Một lá đơn kiến nghị làm rõ trắng đen do tất cả các thành viên U.23 VN ký tên gửi VFF và cơ quan chức năng đề nghị hay gây sức ép điều tra sâu rộng để có kết luận công khai và rõ ràng. Nó do một cầu thủ bất kỳ dũng cảm đứng ra, như trung vệ Trương Huỳnh Phú chẳng hạn, người rất bức xúc và thẳng thắn khẳng định “100% không bán độ” và mong muốn cơ quan điều tra vào cuộc. Giả sử những nhân vật chính dám hành động như thế để đòi lại lẽ công bằng, thì sao nhỉ?  
Khó hay không khó?
Cho đến tận bây giờ, trong những câu chuyện bóng đá có liên quan đến U.23 VN hay SEA Games 26, chúng tôi vẫn nhận được những thắc mắc về chuyện “có hay không tiêu cực?” và cả sự hoài nghi, khi những câu trả lời chưa thực sự thỏa đáng.
Danh dự không là chuyện đùa 
Ở đây, có một vấn đề mà chính chúng tôi cũng tự đặt câu hỏi: Việc điều tra và cố gắng làm rõ chuyện nghi vấn tiêu cực ở U.23 VN có khó hay không? Nó có phải thứ quá khó hay không thể như một số người vẫn nghĩ?

Bởi với một chiếc laptop và một cái sim USB 3G mua dễ như mớ rau ngoài chợ, người ta có thể làm tất cả. Ví dụ lấy một “cái mạng” với pass và tài khoản 500 triệu, 1 tỷ rồi chỉ 1, 2 thao tác click chuột là xong. Đó cũng chính là sự khác biệt nếu ai đó so sánh với vụ án Bacolod ở SEA Games 23 ngày nào. 
Năm 2011 khác với 2005, giải đấu mà để thắng Myanmar chỉ 1-0, các cầu thủ U.23 VN đã phải nhóm họp nhiều lần, bàn bạc và rủ rê thuyết phục đến hơn nửa đội rồi phương thức liên lạc duy nhất là điện thoại di động. Giờ thời buổi công nghệ cao, thế giới mạng với quá nhiều hình thức liên lạc, thông tin thì có vẻ mọi thứ đều kín đáo, đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều.
Nhưng chúng tôi tin rằng sẽ không khó, nếu quyết liệt làm đến cùng. Ví dụ như đề xuất của một số độc giả, cứ làm một động tác rất đơn giản là gom tất cả máy tính xách tay ở U.23 VN, giao cho cơ quan điều tra và với các chiến sỹ an ninh mạng, có hay không có dấu vết là chuyện nhỏ.   
Và khó là do đâu?
Ở cuộc họp thông tin với báo chí sau buổi tổng kết, PCT Nguyễn Lân trung đã khẳng định kết luận ban đầu của cán bộ an ninh tháp tùng U.23 VN là “không có biểu hiện tiêu cực”. VFF cũng sẽ không gửi công văn đề nghị cơ quan an ninh vào cuộc vì đã một lần gửi từ trước SEA Games.

PCT Nguyễn Lân Trung thẳng thừng tuyên bố U23 VN trong sạch

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa VFF không muốn hay không dám quyết liệt trong việc nhờ cơ quan điều tra vào cuộc hậu SEA Games, dù về bản chất có thể hiểu những người có trách nhiệm cao nhất của BĐVN luôn rất ngại khi động chạm đến phạm trù nhạy cảm này. Với một tổ chức xã hội lâu nay vẫn luôn xác định không có chức năng điều tra về tiêu cực, vốn là lãnh vực cấm kỵ nên cần “tránh cho lành” bởi phức tạp lại rất dễ ăn đòn vì liên đới, đòi hỏi VFF làm mạnh tay là điều cực khó.
Càng khó hơn khi nó liên quan đến U.23 VN, ở một giải đấu khu vực vốn có tác động và ảnh hưởng rất lớn mà những gì xảy ra với BĐVN sau SEA Games 2005 là ví dụ. Bởi ngay ở các giải trong nước như V.League với hạng Nhất, năm nào cũng đầy rẫy những trận đấu bốc mùi mà chính người trong cuộc tố cáo, lên tiếng nhưng cuối cùng vẫn bị cho qua theo kiểu nhắm mắt, bịt tai.
Và khó nhất khi người ta không cả dám làm gì, nói gì mạnh mẽ ngoài việc cúi mặt chịu trận, như chuyện giữa đông đủ văn võ bá quan trong buổi họp tổng kết mùa giải 2011, bầu Kiên đăng đàn kể câu chuyện có người đặt vấn đề với HP.HN trước trận đấu sinh tử với ĐT.LA, chỉ cần bỏ ra 500 triệu cho trọng tài là xong. Một ông chủ đội bóng, một nhà tài phiệt tầm cỡ ở Việt Nam đích thân tố cáo, đảm bảo những gì mình phát ngôn.

Vậy nhưng cuối cùng các quan chức VFF chẳng dám làm gì cả rồi để sự việc chìm xuồng như mọi thứ vẫn thế.  Có tiêu cực hay không, nó liên quan đến danh dự, uy tín cá nhân cũng như gia đình của cầu thủ và cả BĐVN. Thế nên, nếu các chú, các bác ở VFF không coi đó là chuyện của mình thì tại sao những nhân vật chính và chịu những tác động trực tiếp không hành động?
Có gì phức tạp hay khó đâu, chỉ một lá đơn với đầy đủ chữ ký hay đặt mấy cái laptop vô tri vô giác lên “bàn mổ” nhỉ? 
Sau khi bầu Kiên kích nổ quả bom “chi 500 triệu cho trọng tài là thắng” trước mặt ông Chủ tịch Hội đồng TTQG, trong ngày tôn vinh Còi vàng mà Còi Đồng Vũ Bảo Linh chính là người tham gia tổ trọng tài điều khiển trận đấu trên sân Long An, những người trong cuộc đã lên tiếng phản kháng, đòi phải điều tra để làm rõ trắng đen đến cùng. Nhưng nói cho có thay vì cúi đầu chấp nhận rồi cuối cùng “hòa cả làng”.

Thể Thao 24h

Bình luận
vtcnews.vn