U23 Việt Nam: Vỡ oà cùng giấc mơ đổi đời bóng đá Việt

Thể thaoThứ Ba, 20/02/2018 07:00:00 +07:00

Thành công của U23 Việt Nam sẽ bắt đầu giấc mơ đổi đời cho bóng đá Việt Nam.

Báo chí thế giới đã sốc trước tình yêu nhiệt thành của người hâm mộ Việt Nam trước chiến tích lịch sử của một đội tuyển trẻ. Báo Hàn Quốc, Nhật Bản theo chân đoàn diễu hành và mô tả đây là hiện tượng "chưa từng có".

Hanh trinh U23 Viet Nam (8) 7

Màn đón tiếp U23 Việt Nam khiến truyền thông quốc tế ấn tượng mạnh.

Daily Mail - nhật báo hàng đầu tại Anh, dành hẳn một bài viết để nói về năm tiếng diễu hành của U23 Việt Nam với sự ngạc nhiên tột độ. Người Việt yêu bóng đá, và nếu không phải bóng đá, không biết sự kiện nào mới khiến con người ta đến gần nhau như vậy.

Chiến tích của U23 Việt Nam khiến bóng đá nước nhà có nhiều cái lợi. Thứ nhất, bóng đá trẻ sẽ được quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Khán giả hiểu rằng: Đầu tư cho lứa trẻ, xây dựng bóng đá có căn, có cơ, có gốc rễ vững bền mới đem lại thành công lâu dài.

Danh hiệu Á quân của U23 Việt Nam được đổi lại bằng (ít nhất) hàng trăm tỷ đồng được đổ ra cho công tác đào tạo trẻ, tập huấn, cùng hàng loạt thất bại theo kiểu "ngậm đắng nuốt cay" trong nhiều năm qua.

Thứ hai, V-League có thể hưởng lợi từ "hiệu ứng U23 Việt Nam" để kéo cổ động viên đến sân nhiều hơn, không còn hình ảnh buồn rầu, nhếch nhác được đăng tải trên tờ The Guardian. Các chỗ trống, giờ có thể được lấp đầy phần nào.

CDV Ha Noi Hang Day (6)

 Hi vọng hiệu ứng U23 Việt Nam giúp V-League đông khán giả hơn trong mùa giải 2018.

Thứ ba, các cầu thủ có thêm động lực phấn đấu. Đấy, cứ chơi hết mình, đặt màu cờ sắc áo lên đầu, đội bóng sẽ chiếm được cảm tình của người hâm mộ. Biết đâu đấy, bóng đá Việt Nam sẽ có thêm nhiều lứa "U23 Việt Nam phẩy" trong tương lai.

Và còn nhiều lợi ích khác. Nhưng để những lợi ích ấy được cụ thể hóa, giúp bóng đá Việt Nam mơ đổi đời, nhất thiết phải có yếu tố quan trọng nhất: Tình yêu của người hâm mộ.

Nâng lên được thì đặt xuống được. Yêu được thì cũng ghét được. Hàng vạn lá cờ Việt Nam trên khắp nẻo đường là minh chứng cho sự nhiệt thành của cổ động viên trong chiến tích lịch sử của Quang Hải cùng các đồng đội.

Tuy nhiên, khi "cơn sốt U23" chính thức hạ nhiệt sau hơn hai tuần, tình yêu bóng đá lại đứng trước một thách thức khác. Đó là thách thức để duy trì, tồn tại trong tình cảnh bóng đá Việt Nam còn nhiều bấp bênh.

Hết thành công cũng như "hết Tết", liệu người hâm mộ có giữ được ngọn lửa mà đội tuyển đã thắp lên trong những người buốt giá trên đất Thường Châu hay không? Hay nó cũng chóng qua theo từng đợt "trend" trên mạng xã hội?

Video: Cầu thủ U23 Việt Nam chúc Tết người hâm mộ

Câu hỏi đó, trách nhiệm đó thuộc về cả người hâm mộ và những người làm bóng đá.

Với V-League và các đội bóng, phải làm sạch, chơi thật sạch, xóa dần những tiêu cực ra khỏi bản đồ bóng đá Việt. Khán giả chỉ nói "có" với bóng đá chuyên nghiệp và thực sự phục vụ cho họ, thay vì phục vụ cho những lợi ích "ngoài luồng" khác.

Nếu nói "cổ động viên là tài sản lớn nhất của bóng đá", thì thành công của U23 Việt Nam đã cho thấy bóng đá nước nhà may mắn có được tài sản lớn đến cỡ nào. Không tận dụng được nguồn lực cổ động viên cùng tình yêu nhiệt thành của người hâm mộ, đấy là lỗi rất lớn của những người làm bóng đá.

Về phía người hâm mộ, hãy yêu nhiều hơn và bao dung hơn. Danh hiệu Á quân của U23 Việt Nam không phải kỳ tích trong mơ. Nó được kết tinh từ những thất bại rất thật, rất đau đớn, và được thành hình khi các cầu thủ đã có đầy đủ sự tích lũy.

Không có trận thua nặng nề 0-6 trước U19 Thái Lan năm 2015 hay "nỗi nhục" mang tên SEA Games 29, U23 Việt Nam sẽ không có chiến tích này. Đừng ruồng bỏ hay trách móc toàn đội, bởi thất bại hôm nay tạo nên nền móng cho thành công ngày mai.

U23 Viet Nam Fansipan (2)

Đội tuyển nữ sẽ là đội tuyển tiếp theo của Việt Nam ra sân ở đấu trường châu Á.

Bóng đá có thắng, có thua. "Rất mong người hâm mộ đến sân ủng hộ đội bóng nhiều hơn" - HLV Hoàng Anh Tuấn từng "thỉnh cầu" như vậy, không lâu trước khi "lứa U19 bị bỏ rơi" chính thức giành vé đi U20 World Cup. Bóng đá không thể được nuôi sống bằng xúc cảm. Bóng đá cần được nuôi sống bằng bóng đá.

Trong chuyến thăm cách đây một tuần, chủ tịch FIFA Gianni Infantino nhận định: Bóng đá Việt Nam có thể mơ đến World Cup 2026. Trong lễ khánh thành trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, Ryan Giggs mạnh dạn đặt cột mốc xa hơn: World Cup 2030. Đó không phải tuyên bố xã giao. Bóng đá Việt Nam có tiềm năng lớn, vấn đề là chúng ta tận dụng tiềm năng ấy như thế nào.

Giấc mơ đổi đời của bóng đá nước nhà đã đâm chồi nảy lộc sau mùa xuân của U23 Việt Nam, giờ là lúc chăm sóc, nuôi dưỡng nó trong những ngày còn lại của năm. 

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn