U22 Việt Nam và 4 nhiệm vụ cần làm để vô địch SEA Games 30

Thể thaoThứ Ba, 10/12/2019 11:21:00 +07:00

U22 Indonesia sẽ mang diện mạo rất khác so với lần gặp giữa hai đội ở vòng bảng, nên U22 Việt Nam phải rất cố gắng mới vượt qua được thử thách này.

"Anh hỏi U22 Indonesia chuẩn bị thế nào ư? Tôi chỉ có thể nói là toàn đội có rất nhiều giải pháp cho trận chung kết", HLV Indra Sjafri bật cười khi phóng viên hỏi về quá trình chuẩn bị cho trận đấu cuối cùng gặp U22 Việt Nam.

Ông Sjafri không trả lời "cho vui", bởi với lực lượng đang sở hữu, U22 Indonesia có quá nhiều cách tiếp cận và ghi bàn vào lưới U22 Việt Nam. HLV Park Hang Seo cùng các cộng sự cần lên đầy đủ phương án hoá giải sức mạnh của đối thủ, qua đó giúp bóng đá nước nhà chạm vào huy chương vàng SEA Games.

Bàn thắng của Hoàng Đức vào lưới U22 Indonesia

Khoá chặt hai biên 

Mọi đối thủ ở SEA Games đều biết sức mạnh tấn công biên của U22 Indonesia, nhưng chỉ U22 Việt Nam ngăn chặn được trong trận đấu ở lượt trận thứ ba vòng bảng. U22 Indonesia sở hữu rất nhiều cầu thủ giàu kỹ thuật, có khả năng leo biên căng ngang hay đột phá từ biên vào trung lộ như Asnawi hay Egy Maulana Vikri.

Tốc độ và cường độ là điểm nhấn trong lối chơi đánh biên của U22 Indonesia. Nhờ ưu thế quân số và kỹ năng cá nhân, đội bóng xứ vạn đảo thường không gặp nhiều khó khăn để tìm xuống đáy biên đối thủ.

Khi U22 Indonesia xuống biên, các cầu thủ tấn công di chuyển thành hai lớp trong vòng cấm, cách nhau khoảng 5 mét. Lớp áp sát khung thành gồm các cầu thủ càn lướt, chọn vị trí tốt, có mặt nhằm kéo trung vệ lùi sâu. Lớp còn lại gồm các cầu thủ sút xa, sút một chạm tốt, sẵn sàng đón lõng ở tuyến hai. 

u22 viet nam indonesia (1) 10

U22 Indonesia có tuyến giữa chơi rất rát. (Ảnh: Hà Thành)

U22 Việt Nam cần phòng ngự chắc chắn ở biên, không để lọt người. Trong chiến thắng 2-1 trước U22 Indonesia, các hậu vệ đã làm tốt nhiệm vụ. Việc sử dụng Văn Hậu ở vị trí trung vệ lệch là chủ ý của HLV Park Hang Seo. Văn Hậu là cầu thủ chạy cánh, nên hiểu rất rõ các bước leo biên của U22 Indonesia hơn các trung vệ khác.

Nếu Tấn Sinh, Văn Hậu cùng các cầu thủ cánh như Thanh Thịnh, Trọng Hoàng phối hợp phòng ngự tốt, đẩy U22 Indonesia về trung lộ, U22 Việt Nam sẽ hạn chế tới hơn 60% sức mạnh đối phương.

Cô lập Evan Dimas 

Thần đồng một thời của bóng đá Indonesia có vai trò đặc biệt ở SEA Games năm nay. Không còn là hạt nhân trong lối chơi như SEA Games 2015, Dimas được sử dụng rất chừng mực.

Cầu thủ này là trạm trung chuyển đưa bóng từ hàng thủ để tuyến tấn công và phối bóng ra biên. Dimas không phải trung tâm trong lối chơi, nhưng luôn xuất hiện khi cần nhờ nhạy cảm vị trí và kỹ năng dứt điểm rất đa dạng. 

U22 Myanmar không lường trước được khả năng xâm nhập vòng cấm của Dimas và phải trả giá đắt. Chắc chắn, tuyến phòng ngự từ xa của U22 Việt Nam phải cảnh giác trước những bước di chuyển của Dimas để đưa ra phương án kèm người hợp lý.

Trong chiến thuật leo biên của U22 Indonesia, vị trí của tuyến hai đóng vai trò rất quan trọng. U22 Việt Nam đã phòng ngự từ xa rất tốt ở trận vòng bảng. Giờ là lúc lặp lại sự chính xác, chắc chắn để bảo vệ khung thành.

U22 Viet Nam-20 6

Hùng Dũng và đồng đội cần làm chủ tuyến giữa. (Ảnh: Hồng Nam)

Chống phản công 

Hiệp 2 trận gặp U22 Indonesia ở vòng bảng là hiệp đấu hay nhất của U22 Việt Nam ở SEA Games năm nay. Các học trò của HLV Park Hang Seo khống chế đối thủ hoàn toàn, dồn ép nghẹt thở và cô lập mũi tấn công chủ lực Osvaldo. 45 phút sau giờ nghỉ, U22 Indonesia không lên nổi bóng, không tổ chức được pha tấn công đáng chú ý nào.

Đó là nhờ U22 Việt Nam đã tổ chức hệ thống phòng ngự kín kẽ, bóp nghẹt đối thủ ngay trên sân khách và chia người bọc lót tốt ở sân nhà. Trong các tình huống phòng ngự, Văn Hậu hoặc dâng cao can thiệp, để Thành Chung, Tấn Sinh kèm người bọc lót, hoặc lùi về phá bóng nếu hai đồng đội dâng cao.

Khả năng phối hợp nhịp nhàng, lớp lang của tuyến phòng ngự Việt Nam luôn đặt hàng công U22 Indonesia vào thế yếu về mặt quân số. Gần như chắc chắn, U22 Indonesia sẽ đá phòng ngự phản công ở trận này, tận dụng tốc độ của Osvaldo và Egy để tìm bàn thắng. U22 Việt Nam cần duy trì sự kỷ luật và tỉnh táo để đứng vững trước áp lực đối thủ.

u22 indonesia 3

U22 Indonesia rất giỏi phản công. (Ảnh: Hồng Nam)

Phân sức hợp lý 

U22 Indonesia xứng đáng là đội bóng khoẻ nhất giải. Ở trận bán kết với U22 Myanmar, U22 Indonesia dù nghỉ ít hơn đối thủ tới 3 ngày, nhưng vẫn đá ở cường độ rất cao, tấn công ào ạt suốt 120 phút và tìm thấy mành lưới đối phương đến 4 lần.

Lối đá rắn, rát (có phần thô bạo) và áp sát cực nhanh của U22 Indonesia sẽ khiến U22 Việt Nam có một ngày mệt mỏi. Đội bóng của Park đã có dấu hiệu xuống sức, nên cần tránh sa vào cái bẫy thể lực U22 Indonesia giăng ra. Các học trò của Sjafri rất thích đua sức và muốn kéo trận đấu và hiệp phụ. Vì vậy, U22 Việt Nam phải rất tỉnh táo, đánh bại đối thủ bằng sự tinh thông chiến thuật và cách tiếp cận thông minh.

U22 Việt Nam thường có thói quen "ru ngủ" đối phương khoảng 30 phút đầu trước khi bất ngờ tăng tốc. Tối nay, HLV Park Hang Seo cần tiếp tục chứng tỏ sự cao tay trước đoàn quân đang hừng hực khí thế bên phía U22 Indonesia.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn