U19 Việt Nam: Nhìn U22 Việt Nam mà giữ mình

Thể thaoThứ Bảy, 09/11/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) – “Đá bóng như một số cầu thủ U22 Việt Nam ở giải BIDC Cup vừa qua là phi bóng đá và làm xấu đi hình ảnh của một ĐT trẻ Việt Nam”.

(VTC News) – “Đá bóng như một số cầu thủ U22 Việt Nam ở giải BIDC Cup vừa qua là phi bóng đá và làm xấu đi hình ảnh của một ĐT trẻ Việt Nam”.


Giám đốc điều hành CLB HAGL, Huỳnh Mau bắt đầu nhận xét của mình về những cầu thủ U22 Việt Nam vừa được đề nghị vĩnh viễn không gọi lên khoác áo ĐTQG khi đã có những hành động bạo lực, phi thể thao tại BIDC Cup vừa được tổ chức ở Campuchia.

“Bóng đá phải nghệ thuật vị nghệ thuật, vị bóng đá chứ không thể vì tính ăn thua mà quay sang triệt hạ đối phương. Tôi rất buồn khi biết ở U22 Việt Nam có những cầu thủ đã thi đấu rất bạo lực dẫn đến làm xấu hình ảnh một đội tuyển trẻ của Việt Nam”. – Ông Mau chia sẻ.

Huynh Mau
GĐĐH của CLB HAGL Huỳnh Mau (Ảnh: VSI)

CEO của đội bóng phố Núi cũng đồng tình với quan điểm không nên gọi những cầu thủ có biểu hiện phi thể thao, phi đạo đức lên ĐTQG, đặc biệt là ở những đội tuyển trẻ. Bởi điều này rất tai hại.

Cuối cùng ông Mau khẳng định, những gì mà cầu thủ U22 Việt Nam mắc phải ở BIDC Cup 2014 là một bài học để các cầu thủ U19 Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ của Học viện HAGL noi gương. Hơn bao giờ hết, lứa U19 Việt Nam càng phải giữ vững thái độ thi đấu fair - play như đã thể hiện thời gian vừa qua vì đó là một điều rất đáng trọng.

Cách đây 1 tháng rưỡi, dù được đánh giá cao hơn và chơi ép sân trong phần lớn thời gian thi đấu, nhưng U19 Việt Nam vẫn phải nhận thất bại trước đội chủ nhà U19 Indonesia. Điều đáng nói, trong trận đấu đó, U19 Indonesia đã chơi rất rắn và khiến 2 học trò của HLV Guillaume Graeche phải rời sân vì chấn thương.

Lối đá thô bạo của U19 Indonesia khiến rất nhiều người yêu bóng đá Việt Nam phẫn nộ. Cộng đồng mạng thậm chí mỉa mai rằng các cầu thủ trẻ xứ vạn đảo đã kết hợp bóng đá với pencak silat để tạo ra một môn thể thao mới, nhằm ngăn chặn bước tiến của U19 Việt Nam.

Yêu bóng đá, chơi nhiệt tình, quyết tâm nhưng phải fair-play và mã thượng, đó là tất cả những gì mà người hâm mộ bóng đá nước nhà muốn thấy ở các tuyển thủ trẻ. Chính vì thế mà dù thất bại ở giải U19 Đông Nam Á, những Công Phượng, Đức Huy, Đông Triều, Tuấn Anh... vẫn được chào đón như những người hùng.

U19 Viet Nam
U19 Việt Nam đã chơi bóng rất fair - play trước U19 Indonesia

Thất bại đối với các cầu thủ trẻ là điều không quá quan trọng, bởi trước mắt các cầu thủ vẫn còn là một tương lai rất dài. Điều quan trọng với các ngôi sao tương lai này là bản lĩnh và thái độ thi đấu khi trên sân.

Bởi vậy, chuyện U22 Việt Nam đá xấu, phải nhận tới 2 thẻ đỏ trong trận đấu với đối thủ tới từ Thái Lan tại BIDC Cup trên đất Campuchia là điều không thể chấp nhận được.

Nó đi ngược lại hoàn toàn với tinh thần thượng võ và lối chơi đẹp mắt mà bóng đá Việt Nam đã theo đuổi trong suốt vài chục năm trở lại đây, kể từ khi trở lại hội nhập với thể thao khu vực vào những năm đầu thập niên 90.

Nhìn những pha vào bóng ở tốc độ cao, bằng cả hai chân rất nguy hiểm mà các tuyển thủ U22 thể hiện, thực sự là một nỗi kinh hoàng với người hâm mộ Việt Nam. Nếu không nhìn vào màu cờ sắc áo, sẽ có người lầm tưởng đó là pha bóng xảy ra ở đâu đó trong môn bóng bầu dục, nơi các cầu thủ luôn đề cao thể lực và lao vào nhau như những đấu sỹ.

Thậm chí có ý kiến còn chua chát rằng U22 Việt Nam đá thế có khác gì U19 Indonesia, đội bóng từng nhận vô vàn "gạch đá" của dư luận sau những màn giẫm chân, giật cùi chỏ và thậm chí là đánh võ với "báu vật" của bầu Đức.

U22 Việt Nam-U23 Thái Lan


Hà Thành

Bình luận
vtcnews.vn