U19 HAGL Arsenal JMG: Muốn đá V-League phải học võ

Thể thaoThứ Bảy, 23/08/2014 03:00:00 +07:00

Ông bầu Đoàn Nguyên Đức quyết định trẻ hóa lực lượng Hoàng Anh Gia Lai bằng cách đôn lứa cầu thủ U19 lên đội một từ mùa sau.

Ông bầu Đoàn Nguyên Đức quyết định trẻ hóa lực lượng Hoàng Anh Gia Lai bằng cách đôn lứa cầu thủ U19 lên đội một từ mùa sau.

Bầu Đức là đương kim Phó chủ tịch VFF kiêm Phó chủ tịch HĐQT công ty VPF, đơn vị tổ chức giải V.League – nơi mà CLB Hoàng Anh Gia Lai đang thi đấu. Vậy điều trớ trêu là bây giờ Khóa 1 Học viện HAGL JMG sắp tốt nghiệp song khi đề cập đến chuyện đôn lên đá V.League thì “10 người hết 9,5 người nói bảo đừng”.

Nhiều độc giả, các fan tuyển U.19 VN và Học viện HAGL gợi ý hài hước: “Nếu muốn đá ở V.League thì bầu Đức phải cấp tốc cho các 'gà nòi' học thêm một khóa về võ thuật mà tốt nhất là Vovinam”.
 bầu đức
Bầu Đức từng chứng kiến cầu thủ của mình là Tạ Thái Học bị đạp gãy giò ở V.League 2011 (ảnh: TT&VH). 

7 năm trước khi phá cánh rừng cao su bạt ngàn tại dưới chân núi Hàm Rồng (Pleiku) để mở lớp Học viện HAGL Arsenal JMG, có lẽ bầu Đức chưa thể hình dung được khó khăn về chuyện tìm đầu ra cho các cầu thủ khi họ kết thúc chu trình huấn luyện theo công nghệ nhập khẩu.

7 năm trước, ông Robert Procureur – Giám đốc điều hành của Học viện Chonburi JMG Thailand khi cùng bầu Đức cầm xẻng xúc đất khởi công xây dựng Học viện HAGL Arsenal JMG đã dõng dạc tuyên bố: “Các bạn phóng viên cứ mở máy ghi âm để ghi lại lời nói sau này làm bằng chứng là sau 7 năm chỉ cần Học viện HAGL Arsenal JMG bán từ 1-3 cầu thủ cho CLB ở Anh là đủ thu lại vốn đến sinh lời. Mục tiêu hàng đầu của Học viện là bán cầu thủ sang Anh, sau đó là chuyển nhượng cho các thị trường khác tại châu Âu. Tôi đoan chắc rằng toàn bộ số cầu thủ Học viện HAGL Arsenal JMG sau này hoàn đủ đủ sức khoác áo ĐTQG Việt Nam”.

 
Sau 7 năm chỉ cần Học viện HAGL Arsenal JMG bán từ 1-3 cầu thủ cho CLB ở Anh là đủ thu lại vốn đến sinh lời.
 
Tất nhiên mơ ước và mục tiêu mà những người làm Học viện JMG như ông Robert Procureur lẫn bầu Đức đều muốn đạt được, mà nếu họ có nói quá thêm một chút để PR thì cũng chẳng có gì để trách cứ. 7 năm trước, ở Việt Nam thuật ngữ “chém gió” vẫn chưa ra đời!

Mong ước và hiện thực là 2 chuyện rất khác nhau. Khi chung vốn mở Học viện Chonburi JMG Thailand với đồng hương Jean Francois Couet vào năm 2005, ông Robert Procureur cũng nói như thế trước báo chí xứ Chùa Vàng.

Tuy nhiên, đến năm 2012, khi đóng cửa thì Học viện Chonburi JMG Thailand không bán được bất cứ cầu thủ nào sang Anh, châu Âu và thậm chí cho Nhật, Hàn cũng không nốt!

Học viện HAGL Arsenal JMG có thể không đi theo vết xe đổ của Chonburi JMG Thailand vì có sự hậu thuẫn mạnh mẽ, lâu dài của bầu Đức song trước thực tế cuộc sống thì ông chủ HAGL không thể né tránh được.

Thứ nhất, cứ cho là trong số 13-14 cầu thủ khoác 1 Học viện HAGL JMG còn trụ lại đến ngày tốt nghiệp vào tháng 10.2014 và sẽ có 1-2 người trong số đó được CLB ở châu Âu mời sang thử việc (ví dụ Công Phượng và Tuấn Anh – 2 cầu thủ nổi bật nhất của Học viện) thì cũng chưa chắc họ đã được ký hợp đồng hay trụ lại được môi trường bóng đá đỉnh cao châu Âu.

Lee Nguyễn, một cầu thủ cũ của bầu Đức là ví dụ điển hình. Lee Nguyễn trước khi sang PSV Eindhoven (Hà Lan) năm 2005 từng nổi tiếng là thần đồng bóng đá ở Mỹ khi khoác áo tuyển U.20 Mỹ thi đấu ở VCK U.20 thế giới, khoác áo tuyển Olympic Mỹ.
 U19 HAGL Arsenal JMG sẽ thử lửa cùng các lò đào tạo khác
Tài năng là vậy lại có sự bảo đảm của HLV Guss Hiddink mà khi sang Hà Lan, Lee Nguyễn phải cạnh tranh khốc liệt mới chen chân lên nổi đội 1 PSV Eindhoven và suốt 2 năm ròng chỉ đá được 2 trận ở giải VĐQG Hà Lan để rồi phải chạy sang Randers FC ở giải VĐQG Đan Mạch trước khi về HAGL vào năm 2009.

Trường hợp của Lee Nguyễn, người hiện tại đang là ngôi sao số 1 của CLB New England Revolution tại giải MLS, và cả Học viện Chonburi JMG Thailand cho thấy môi trường bóng đá chuyên nghiệp châu Âu không hề đơn giản như chúng ta hay mộng mơ.

Thứ hai, giả sử Công Phượng hay Tuấn Anh may mắn trụ lại được CLB châu Âu nào đó hoặc thấp hơn họ sẽ được sang Nhật, Hàn để đá tại J.League, K.League thì 10-12 cầu thủ còn lại của khóa 1 Học viện HAGL Arsenal sẽ đá ở đâu, nếu không phải V.League?
Lee Nguyễn khi chơi bóng ở V.League cũng bị đá cho gãy xương ngón bàn chân (Ẩnh: Quang Minh)  
Về mặt lý thuyết, bầu Đức hoàn toàn có thể lập ra một đội bóng riêng Học viện HAGL JMG cộng với những cầu thủ tốt nhất tuyến U.21 HAGL (với những cầu thủ được tuyển vào cùng năm 2007) để gửi sang thi đấu ở giải nhà nghề Singapore (S.League), giải đấu vốn mở cửa cho các CLB của Nhật, Pháp, Malaysia, Brunei thi đấu nhiều năm qua. Song, về mặt tình cảm lẫn mục đích thì bầu Đức chắc chắn không muốn lứa cầu thủ mà ông tâm huyết khi tốt nghiệp xong lại đem qua Singapore để đá bóng phục vụ… người ta.

Đem lên đá V.League thì ai cũng ngán vì vấn nạn bạo lực, tiểu xảo và quá nhiều thứ tiêu cực có thể làm hỏng chân lẫn hỏng tư chất tốt đẹp của cầu thủ Học viện HAGL JMG. Bầu Đức ngồi một lúc cả 2 ghế ở VFF, VPF song bây giờ không có đủ thời gian để cải tạo môi trường bóng đá nội, hoặc nếu có thời gian thì một mình ông chưa chắc thay đổi được.

Lễ tổng kết mùa giải 2014 vừa qua tại TP.HCM, bầu Đức một lần nữa vắng mặt. Sự vắng mặt của bầu Đức đã quen thuộc đến nỗi cánh báo chí cũng không buồn nhắc đến nữa.

Bởi thế, bầu Đức nên mở thêm khóa huấn luyện võ thuật cho cầu thủ Học viện HAGL JMG như ý kiến của các CĐV không hẳn là chuyện phiếm. Ở V.League, võ thuật là bộ môn có tính ứng dụng cực cao?!

“Các cầu thủ đã nhiều lần nói chuyện với bầu Đức, bày tỏ nguyện vọng được thi đấu ở sân chơi V-League. Sau khi cân nhắc, bầu Đức quyết định sẽ đôn lứa U19 lên đá V-League 2015 bởi trẻ hóa lực lượng cũng là điều Hoàng Anh Gia Lai đang muốn làm” - Trưởng đoàn bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Nguyễn Tấn Anh chia sẻ.

Theo Motthegioi
Bình luận
vtcnews.vn