Tỷ suất lợi nhuận Vietnam Airlines thua Vietjet Air

Kinh tếThứ Tư, 10/05/2017 17:02:00 +07:00

Mặc dù tổng lãi cao hơn nhưng tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines lại thua Vietjet Air.

Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2017 với khoản lợi nhuận giảm. Và một điểm đáng lưu ý nữa chính là mặc dù tổng lãi cao hơn nhưng tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines lại thua Vietjet Air.

Ngoài ra, cổ đông cũng lo lắng khi Vietnam Airlines gánh khoản nợ cao gấp 5 lần vốn chủ sở hữu.

Tỷ suất lợi nhuận thua Vietjet Air

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2017, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của Vietnam Airlines đạt 746 tỷ đồng, 569 tỷ đồng, tương ứng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn vào báo cáo tài chính có thể thấy các chỉ tiêu kinh doanh của Vietnam Airlines biến động mạnh.

Trong khi doanh thu bán hàng tăng, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm thì doanh thu hoạt động tài chính lại giảm sâu, chi phí bán hàng lại tăng vọt. Điều đó khiến lợi nhuận của Vietnam Airlines "bốc hơi" rất sốc.

Hinh anh Vi sao loi nhuan cua Vietnam Airlines 'boc hoi' toi 569 ty dong?

Lợi nhuận của Vietnam Airlines "bốc hơi" tới 569 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ đạt 20.834 tỷ đồng, tăng 3.026 tỷ đồng, tương ứng 17%. Chi phí tài chính giảm 424 tỷ đồng xuống 959 tỷ đồng, chi phí quản lý giảm 39 tỷ đồng xuống 456 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính 635 tỷ đồng, tương ứng 72% xuống 242 tỷ đồng. Còn chi phí bán hàng lại tăng 175 tỷ đồng lên 1.315 tỷ đồng.

Lợi nhuận sản xuất kinh doanh giảm do giá dầu bình quân quý 1/2017 tăng so với giá dầu bình quân quý 1/2016.

Lợi nhuận từ hoạt động tài chính quý 1/2017 giảm chủ yếu do trong kỳ không phát sinh thu từ hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và lợi nhuận tài chính từ chênh lệch tỷ giá giảm do mức độ biến động tỷ giá (USD) trong kỳ thấp hơn quý 1/2016.

Tỷ giá quý 1/2017 giảm 0,05% so với đầu năm, tỷ giá cuối quý 1/2016 giảm 0,8% so với đầu năm. Kết quả là lãi cho chênh lệch tỷ giá quý 1/2017 của Vietnam Airlines chỉ là 220 tỷ đồng. Con số này cùng kỳ năm ngoài là 848 tỷ đồng.

Có thể thấy, tỷ giá đã mang lại cho Vietnam Airlines khoản lãi khổng lồ. Nhưng trên thực tế, tỷ giá lại chính là "tử huyệt" của ông lớn hàng không. Trong khi khoản lãi tỷ giá quý 1/2017 của Vietnam Airlines "chỉ" là 220 tỷ đồng thì khoản lỗ tỷ giá vọt lên 516 tỷ đồng. Con số này trong quý 1/2016 thậm chí còn đạt tới 918 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận/vốn góp cổ đông của Vietnam Airlines là 6%. Trong khi đó, chỉ tiêu này của Vietjet Air là 11,7%. Như vậy, Vietjet Air sử dụng vốn tốt hơn Vietnam Airlines.

Nợ cao gấp 5 lần vốn

Vietnam Airlines không chỉ phải đối mặt với tình trạng lợi nhuận giảm sút, ông lớn hàng không này còn gánh chịu áp lực của nợ vay. Giống như nhiều doanh nghiệp nhà nước khác, Vietnam Airlines sở hữu khoản nợ khổng lồ, cao hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, tại thời điểm 31/3/2017, vốn góp của chủ sở hữu tại Vietnam Airlines là 12.275 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần là 1.221 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ vay của Vietnam Airlines lên tới 60.278 tỷ đồng, cao gấp 5 lần vốn góp chủ sở hữu. 

Nợ vay khiến cho áp lực chi phí lãi vay tại Vietnam Airlines là rất lớn. Trong quý 1/2017, dù chi phí tài chính giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chi phí lãi vay vẫn tăng đáng kể. Chi phí lãi vay đạt 370 tỷ đồng, tăng so với con số 314 tỷ đồng hồi quý 1/2016. Như vậy, bình quân, Vietnam Airlines phải trả 4,1 tỷ đồng tiền lãi vay sau 1 đêm.

Vietnam Airlines đang phải đối mặt với những khoản nợ sắp phải thanh toán. Tổng các khoản nợ ngắn hạn, vay dài hạn đến hạn trả và nợ gốc thuê tài chính đến hạn trả lên tới 15.160 tỷ đồng. Ngoài ra, áp lực trả nợ tại Vietnam Airlines còn được "bổ sung" thêm hơn 8.000 tỷ đồng khoản đến hạn trả trong vòng 12 tháng.

Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương tiền tại Vietnam Airlines ở thời điểm 31/3/2017 chỉ là 4.696 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với khoản nợ sắp đến hạn thanh toán.

Vì vậy, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines không được nhà đầu tư săn đón như ngày chào sàn. Chốt phiên giao dịch 10/5, HVN tăng 400 đồng/CP và dừng ở mức 26.900 đồng/CP. Trong khi đó, cổ phiếu VJC của Vietjet Air chốt phiên 10/5 ở mức 130.500 đồng/CP sau khi tăng 1.700 đồng/CP. Hiện tại, vốn hóa thị trường Vietjet Air đã vượt xa Vietnam Airlines. 

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

Video: Máy bay đi Hà Nội, hạ cánh ở Lào, Vietnam Airlines nói gì?

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn