Tỷ phú vỡ mộng tự sản xuất ô tô điện

Tư vấnThứ Tư, 10/06/2020 15:40:44 +07:00

Chiếc SUV bảy chỗ chạy điện do tỷ phú James Dyson đầu tư sản xuất có giá 190.000 USD - một con số phi thực tế.

James Dyson có ý tưởng sản xuất một chiếc ôtô điện từ năm 2014, đến 2017, ông giới thiệu về dự án nhưng đến cuối 2019, giấc mộng vỡ tan. Bởi để có lãi, mỗi xe phải được bán với giá từ 190.000 USD, quá đắt so với gần như mọi đối thủ. Dyson phải dừng lại để bảo toàn việc kinh doanh.

N526 là một chiếc SUV gia đình bảy chỗ, dài 5.000 mm, rộng 2.000m m và cao 1.700 mm. Thiết kế tổng thể đơn giản, tay nắm cửa ẩn, camera thay cho gương chiếu hậu ngoài, và một cửa sổ trời toàn cảnh.

Tỷ phú vỡ mộng tự sản xuất ô tô điện - 1

Tỷ phú James Dyson và chiếc xe điện do chính ông cùng đội thiết kế của mình chế tạo. (Ảnh: Autocar).

James Dyson nói: "Chúng tôi phát triển chiếc xe từ điểm xuất phát, và không vay mượn bất cứ chi tiết nào từ các hãng khác. Xe được thiết kế như một kết cấu nền tảng, nhờ đó chúng tôi có thể áp dụng cho các dạng thân xe khác nhau. Đầu tiên là một chiếc SUV".

Khoảng cách giữa hai bánh xe đối diện khá lớn, giúp cân bằng với khoảng sáng gầm đáng nể cùng bộ vành 24 inch, và xe dễ dàng vượt qua những gờ giảm xóc hoặc ổ gà với hệ thống treo khí nén do chính Dyson thiết kế.

Khoảng sáng gầm của N526 nhỉnh hơn so với một chiếc Range Rover tiêu chuẩn, nhưng hệ thống treo khí nén giúp thiết lập ba mức chiều cao khác nhau: 270 mm tiêu chuẩn, 235 mm khi chạy trên cao tốc, và 290 mm ở địa hình gồ ghề.

N526 còn có hệ thống lái đặc biệt, với động cơ điện "kỹ thuật số", theo cách gọi của Dyson, một hộp số đơn cấp và một bộ biến tần, tất cả nằm trên bộ khung phụ. 

Trả lời phỏng vấn trang Autocar gần đây, Dyson cho biết, N526 có công suất khoảng 536 mã lực và mô-men xoắn 650 Nm từ hai động cơ điện (một phía trước và một phía sau), cho phép tăng tốc 0-100 km/h sau 4,8 giây và đạt tốc độ tối đa 201 km/h. Xe chạy được 965 km mỗi lần sạc đầy. Để so sánh, mẫu Tesla Model X chỉ chạy được 564 km với phiên bản Long Range+.

Ngoại hình của N526 đặc trưng với kính chắn gió có độ thoải lớn, nóc xe thấp, vành cỡ lớn, kiểu cửa kính không khung, và cửa sau mở ngược. 

Trong cabin là chủ đề về sự tối giản nhưng vẫn gây ấn tượng đặc biệt. Ba hàng ghế với đủ không gian thoải mái cho bảy người trưởng thành. Hàng ghế thứ hai có thể đẩy lùi ra sau khi chủ xe muốn làm tài xế.

Tỷ phú vỡ mộng tự sản xuất ô tô điện - 2

Ghế xe với thiết kế hỗ trợ tối đa phần thắt lưng. (Ảnh: Autocar).

Các ghế đều không có bệ tì tay, thứ mà Dyson rất ghét. "Chúng tôi cố gắng diễn giải theo thị giác sự ưu tú về công thái học mà một chiếc ghế ôtô nên có, đặc biệt về sự hữu dụng của tính năng hỗ trợ thắt lưng", tỷ phú giải thích.

Ngoài ra, một điểm khác mà Dyson và các nhà thiết kế của ông đi ngược xu hướng chung, là màn hình trên táp-lô là thứ miễn cưỡng, chỉ vì một số quốc gia quy định phải có màn hình hiển thị ở trung tâm. Trong khi đó, đội ngũ của Dyson thích màn hình HUD hơn, công nghệ thiên về hiển thị ảnh nổi ba chiều (holographic).

Dyson cũng từng trình diễn hệ thống điều hòa không khí (HVAC) sử dụng sự phân khu để sưởi ấm hoặc làm mát cho người trên xe. Công ty của Dyson thiết kế và chế tạo toàn bộ nguyên mẫu chỉ để phát triển hệ thống này. 

Với từng đó đặc điểm ấn tượng, nhưng sản phẩm xe điện của tỷ phú Dyson chỉ dừng lại là nguyên mẫu, dù có khả năng đi vào sản xuất. Sự thất bại của dự án thậm chí được ví như sự kiện gây sửng sốt nhất của lịch sử ngành công nghiệp ô tô Anh quốc thời hậu chiến. 

Tỷ phú vỡ mộng tự sản xuất ô tô điện - 3

Vị tỷ phú vốn là một nhà sáng chế, tham gia rất nhiều công đoạn chế tạo chiếc xe điện. (Ảnh: Autocar)

Đến khi từ bỏ vào cuối 2019, riêng Dyson đã chi 630 triệu USD vào dự án. Trước đó, vị tỷ phú từng cam kết đầu tư 3,15 tỷ USD vào mẫu ôtô điện tự chế tạo từ những bước đầu tiên.

"Mỗi chiếc ôtô điện đều rất tốn kém. Pin, hệ thống quản lý pin, hệ thống điện hay làm mát đều đắt hơn nhiều so với động cơ đốt trong", Dyson cho biết. Ông thêm rằng, các hãng xe sang như Audi, BMW, Mercedes và Jaguar Land Rover đang lỗ lớn với mỗi chiếc xe điện bán ra. Nhưng các hãng này vẫn làm xe điện bởi điều đó làm giảm mức khí thải tổng thể, giúp đáp ứng các quy định của EU. BMW hay Mercedes còn có lợi nhuận của dòng xe động cơ đốt trong bù lỗ cho dòng xe điện. Dyson không có quy mô như thế. Ông phải kiếm lời từ mỗi chiếc xe điện bán ra, hoặc sẽ hủy hoại tới toàn công ty. Vì thế dự án phải dừng lại.

Dyson gửi thư cho nhân viên hồi tháng 10/2019, thông báo kết thúc dự án. Đến giữa tháng 5 vừa qua, ông mới quyết định giới thiệu về chiếc N526 cho cả thế giới biết đến. 

Dyson, năm nay 73 tuổi, là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất nước Anh với khối tài sản ước tính 5,4 tỷ USD. Ông là nhà sáng chế, nhà thiết kế công nghiệp. Ông sáng lập doanh nghiệp thiết bị điện mang tên mình với các sản phẩm như máy hút bụi, máy sấy tay, máy sấy tóc và quạt. 

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn