Tỷ phú nông dân và công cuộc thuần phục cá biển

Kinh tếThứ Ba, 28/12/2010 03:00:00 +07:00

(VTC News)- Rất thật, "Tỷ phú cá vược" chia sẻ: "Tôi muốn mỗi năm thả vài trăm con cá về với biển để cải tạo nguồn cá trong tự nhiên".

(VTC News) - “Theo tôi, để trở thành tỷ phú với con cá vược thực sự không phải quá khó. Tính đơn giản, nếu người nông dân đầu tư hàng nghìn con cá vược trong 2 năm, mỗi con 2,5 - 5 kg thì có thể thu được cả tỷ đồng rồi", anh Trương Văn Trị - Giám đốc Công ty TNHH Giống thủy sản Hải Long, tỉnh Thái Bình, người được mệnh danh là "tỷ phú cá vược" sau khi thuần chủng được giống cá này đưa vào nuôi trồng trong môi trường nước ngọt - chân thành nói.

23 tuổi, ra trường với bằng Trung cấp Thủy sản, bất chấp sự can ngăn của bố mẹ và người vợ mới cưới, anh Trị quyết tâm rời cơ quan Nhà nước đi theo con đường riêng. Nhận thấy tiềm năng của vùng biển Tiền Hải (Thái Bình), cộng với niềm say mê “chẳng hiểu sao, tôi yêu cá từ hồi nhỏ”, anh Trị đứng ra mở trang trại nuôi cá và cái tên “tỷ phú cá vược” bắt đầu từ đó.

Chàng tỷ phú nông dân Trương Văn Trị phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Nói đến anh Trị, người nông dân Thái Bình quen thuộc hình ảnh chàng trai trẻ điềm đạm, nhẹ nhàng, cởi trần lội nước xuống ao bắt cá và hướng dẫn tận tình cách nuôi, sản xuất và thu hoạch cá cho người dân. Nhưng ít ai biết được, đằng sau những thành công hiện tại, anh đã đổ biết bao mồ hôi. Hiện, trại cá Vược giống rộng 10.000m2 của anh Trị, nằm cách biệt với khu dân cư, bên cạnh dòng sông Lân đã trở thành điểm đến cho những ai có đam mê làm giàu với nghề cá và muốn gắn bó cả đời với nghiệp nuôi cá.

“Theo tôi, để trở thành tỷ phú với con cá vược này thực sự không phải quá khó. Tính đơn giản, nếu người nông dân đầu tư hàng nghìn con cá vược trong 2 năm, mỗi con 2,5 - 5 kg là có thể bán ra thu được cả tỷ  đồng rồi", anh Trị chân thành nói.

Nuôi cá thành công nhờ triết lý… trồng lúa

Chúng tôi gặp anh trong thời gian ngắn ngủi sau buổi giao lưu tại Đại hội yêu nước diễn ra ở Hà Nội. Nhắc đến các vược, đôi mắt anh ánh lên niềm hăng say, nhiệt huyết. Anh nheo mắt cười kể về cái nghiệp nuôi cá và "bật mí": Sau khi thuần hóa giống cá vược, anh còn “thu phục” thêm 2 loại cá biển khác nữa đưa vào môi trường nước ngọt và giống thứ 4 vẫn đang tiến hành nghiên cứu. Trong năm tới, anh sẽ công bố kết quả và chứng minh cho mọi người thấy những điều... không tưởng đã trở thành sự thật.

Tôi chỉ là một người mới thành công bước đầu, chưa dám nói là tỷ phú. Tôi chỉ làm công việc yêu thích từ bé của một người con vùng biển, sau những ngày theo ông nội, theo bố đi bắt cá. Có lẽ niềm tin, tình yêu, sự ham học hỏi và quyết tâm “làm tới cùng” đã giúp tôi đạt được những gì tôi có hiện nay”, Trương Văn Trị, người hiện đang sở hữu cơ ngơi hàng chục tỷ đồng với xuất phát điểm chỉ từ 4 triệu, bắt đầu câu chuyện về hành trình chinh phục cá vược của mình.

Gia đình khó khăn, Trương Văn Trị không có điều kiện để thi Đại học. Đỗ vào Trường Trung cấp Nuôi trồng thủy sản Từ Sơn (Bắc Ninh) và ra trường với tấm bằng loại giỏi, cách đây 7 năm, anh bắt đầu đi làm cho một công ty nuôi tôm, sau đó về làm việc tại Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I Hải Phòng.

Nhận thấy, tôm là vật nuôi rất khó làm, người nông dân có thể làm giàu lên rất nhanh nhờ nó nhưng cũng có thể thất bại  thảm hại vì nó, trong khi đó, nuôi cá không đòi hỏi kĩ thuật khắt khe, đầu tư vốn không quá lớn nhưng đưa lại lợi nhuận kinh tế cao, anh quyết tâm theo nghề cá. Xác định được hướng đi của mình, Trương Văn Trị từ bỏ cơ quan nhà nước, về quê lập nghiệp chỉ với số vốn 4 triệu đồng vay mượn trước sự can ngăn, khuyên can của gia đình và người thân.
 
“Bố mẹ tôi bảo, nhà mình nghèo chẳng có tiền để lo phát triển trang trại, nhưng tôi tin tưởng: khi mình thật sự mong muốn, mình sẽ làm được”, anh Trị nhớ lại.  

Sau lần thất bại đầu tiên, nhập về 1 vạn giống hết 20 triệu đồng, khi bán được 3 triệu đồng, lỗ 17 triệu đồng, anh Trị rất buồn. Anh buồn cho mình thì ít nhưng quan trọng hơn là anh thương vợ, thương con. Anh sợ người thân thất vọng. Nhớ về thời điểm đó, Trương Văn Trị mắt hoe đỏ: “Trời mưa gió tầm tã, vợ và đứa con chỉ đầy mấy tháng tuổi khăn gói ra ở với tôi trong căn nhà đơn sơ giữa một nơi hoang vắng, đồng không mông quạnh, hàng ngày, chịu cái lạnh rét mướt để động viên tôi”.

Không từ bỏ con đường đã chọn, sau thất bại đầu tay, anh vắt óc suy nghĩ và tìm ra nguyên nhân do giống cá lấy về kém, cộng thêm các cơ sở, vật chất ao nuôi, bể chứa… chưa đủ điều kiện cho quy trình thuần hóa cá. Anh tiếp tục huy động tất cả các nguồn vốn, tổng cộng được 10 triệu đồng và nhập về 5.000 con giống cá vược nước mặn, lại loay hoay với quá trình thuần hóa chúng để nuôi trong nước ngọt. Kết quả lần 2 thu về hòa vốn.

"Tỷ phú cá vược" chia sẻ: "Tôi muốn mỗi năm thả vài trăm con cá về với biển để cải tạo nguồn cá trong tự nhiên". (Ảnh: Trachi)

Cuối cùng, cá chẳng phụ quyết tâm người nuôi, đến nay, loài cá vược do cơ sở của anh Trị thuần hoá đã có mặt trên 20 tỉnh, thành, không chỉ ở các tỉnh đồng bằng mà ngay cả một số tỉnh miền núi phía Bắc cũng đang nuôi cá vược và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lợi nhuận hàng năm, cơ sở anh đạt từ 300 - 500triệu đồng, giải quyết việc làm cho 07 lao động là thanh niên có thu nhập ổn định từ 1,7 – 2 triệu đồng/tháng.

Trước đó, khi vợ anh khuyên nhủ chồng bỏ nghề, chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác, anh nhất quyết không chịu. Anh đã nói: “Muốn trồng một cây lúa trước hết phải gieo mạ, thành mạ sau đó mới thành lúa, rồi phải trải qua quá trình trổ bông, tiếp đó là thời gian chín và thu hoạch. Không phải ngày nay làm ngày mai có kết quả ngay được mà cần cố gắng và quyết tâm hơn”.

Chàng trai trẻ nơi quê lúa mang theo những lời nhắn nhủ của bà con nông dân và những kinh nghiệm từ quá trình trồng lúa đã giúp anh đứng dậy sau những lần thất bại đắng cay.

"Tỷ phú cá vược" muốn thả cá về với biển

Khi chúng tôi hỏi về những khó khăn, vấp váp trong quá trình sản xuất và thu hoạch cá từ những ngày đầu tiên cho tới thành công như ngày hôm nay, anh Trị trầm ngâm: “Thực ra, khó khăn thì nhiều nhưng tôi không quá chú tâm đến nó, tôi chỉ dành hết tâm hết sức vào làm việc”.

Đối với anh, cái rét thấu gan thấu ruột cuối năm 2007, đầu năm 2008 khi nhiệt độ quá thấp (dưới 7 - 8 độ C) cũng chẳng thể ngăn anh không ngâm mình xuống dòng nước lạnh để tiến hành công việc bắt cá. Ngày ấy, người bố đưa tay lập cập cầm dây kéo lưới, run lẩy bẩy, miệng thở ra khói, nhìn con đang lội dưới ao thương cảm.

Đợt rét ấy cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm nghề của anh bởi khi thời tiết lạnh đã khiến hàng trăm con cá chết hàng loạt. 

“Dù tổn thất khá lớn, tôi có tiếc nhưng không buồn bởi tất cả cá ở khắp mọi nơi đều chết, lý do bởi thiên nhiên, chứ không phải do bàn tay con người, mình không thể trách thiên nhiên được”. Sau mỗi lần như thế, anh Trị lại đúc kết được nhiều kinh nghiệm và truyền đạt lại cho bà con nông dân.

Điều anh xót xa nhất không phải là cá chết mà là “nhìn thấy tiềm năng phát triển mà phải lặng lẽ đứng ngoài cuộc, không thể làm gì được”. Niềm đau đáu khôn nguôi không giấu nổi khi anh kể về những lần đi qua một vùng đầm để hoang.

“Cứ đi tới đâu nhìn thấy cái ao, mình thích lắm, chỉ muốn cùng người dân bắt tay vào làm nhưng liên quan tới chính quyền địa phương, thuyết phục họ là một điều rất khó”, anh Trị trăn trở.

Nhận thức được thực trạng hiện nay các dòng cá có nguồn kinh tế cao càng ngòai thiên nhiên ngày càng cạn kiệt
Trương Văn Trị (trái)“Sau quá nhiều thất bại, tôi nghiệm ra rằng, chẳng có gì là khó. Cần nhất là niềm tin và quyết tâm".
vì khai thác triệt để. Các đối tượng cá mới khan hiếm hơn bao giờ hết. Ngoài sản xuất và nuôi trồng cá mang tính chất kinh doanh, phục vụ nhân dân, mong muốn của anh Trị là bổ sung thêm vào tự nhiên. Chính vì thế, mỗi năm  anh đều trích ra một lượng cá nhất định thả ra biển để tái tạo nguồn cá.

“Mình lấy của thiên nhiên cái gì thì cũng nên đáp trả lại thiên nhiên. Cải tạo sự trong sạch của môi trường cũng chính là cải tạo sức khỏe, sự sống của chính chúng ta, mỗi người cần nêu cao trách nhiệm”, anh Trị nói.  

Sau vụ việc cá tra bị đưa vào danh sách “sổ đỏ”, anh Trị cũng như nhiều người nông dân khác nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng của môi trường nước. Nếu môi trường nước không đảm bảo, có mầm bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thịt cá gây nguy hại tới sức khỏe con người. Cá tra nuôi trong môi trường đậm màu một chút còn cá vược lại khác, đòi hỏi môi trường  trong sạch, thức ăn từ cá tạp hoặc từ cám công nghiệp.

Tiếp bước thành công, trên đà thắng lợi, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người nông dân, anh Trị mở rộng quy mô sản xuất thêm 4,3 ha để xây dựng trại chuyên nghiên cứu giống cá biển và ngao giống với số tiền vay 250 triệu đồng và khoảng 5 tỷ đồng tiền vốn huy động từ gia đình. Thu hút thêm từ 25 đến 30 lao động là thanh niên ở địa phương, đáp ứng nguồn giống tốt cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh Thái Bình.

Với nhiều người thì đây là một kế hoạch táo bạo chẳng kém gì lần đầu tiên anh đưa ra quyết định đưa con cá vược vào nuôi trồng trong môi trường nước ngọt. Táo bạo bởi từ trước tới nay, chưa ai làm khi đầu tư cả một công nghệ, dây chuyền sản xuất, đầu tư trang thiết bị máy soi từ khi thụ tinh trứng, khống chế tìm ra các loại bệnh và tốc độ tăng trưởng của con cá như thế nào. Thêm nữa, các ao nuôi bắn bạt tới đáy, việc này hoàn toàn không hề đơn giản, vốn lớn, đòi hỏi công nghệ cao, mặt khác, đưa dây chuyền đó vào như thế nào cho hợp lý, nguồn nhân quản lý ra sao cho đạt hiệu quả.

Tuy vậy, anh tin tưởng, việc mở rộng trang trại này sẽ sớm đi vào hoạt động và kế hoạch của anh sẽ nhanh chóng thành công với sự tham gia, tư vấn của nhiều chuyên gia đầu ngành về nuôi trồng thủy sản.

“Với tôi, sau quá nhiều thất bại, tôi nghiệm ra rằng, chẳng có gì là khó. Cần nhất là niềm tin và quyết tâm", đó là phương châm Trương Văn Trị chọn để theo đuổi con đường của mình.

Trương Văn Trị trở thành người đầu tiên ở Việt Nam nuôi thành công cá vược, loài cá biển có giá trị kinh tế cao, trong môi trường nước ngọt. Anh được Trung ương Đoàn trao tặng Bằng khen và cúp Giải thưởng Lương Định Của năm 2008, là 1 trong 15 thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2009 và là đại biểu tham dự Đại hội tài năng trẻ, thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác do Trung ương Đoàn tổ chức.

Chàng trai trẻ được biết đến với biệt danh "Tỷ phú các vược" đã 2 lần nhận bằng khen và phần thưởng của Trung ương Hội nông dân; 01 lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng sáng tạo; 05 lần nhận bằng khen và giấy khen của UBND tỉnh Thái Bình và UBND huyện Tiền Hải.
 

Tiểu Phương

Bình luận
vtcnews.vn