Tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi ra trường là tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh

Giáo dụcThứ Hai, 28/01/2019 18:11:00 +07:00

Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường một năm là một trong các tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 6/2018 về quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên và trình độ Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ năm 2019.

Theo đó, đối với ngành sức khỏe, giảng viên có bằng chuyên khoa cấp II các chuyên ngành thuộc ngành tham gia đào tạo được tính như giảng viên có trình độ Tiến sĩ.

Giảng viên có bằng Bác sĩ nội trú, bằng chuyên khoa cấp I các chuyên ngành thuộc ngành tham gia đào tạo được tính như giảng viên có trình độ Thạc sĩ.

Cũng theo Dự thảo, ngành đạo tạo mới mở trong năm tuyển sinh, chỉ tiêu được xác định cho ngành đó không vượt quá 30% năng lực đào tạo của ngành.

Với cơ sở trong 3 năm liền không vi phạm quy định về tuyển sinh, được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định, được tự chủ xác định chỉ tiêu theo cam kết chất lượng đào tạo, nhu cầu xã hội. 

Đặc biệt, nếu tỷ lệ trung bình của sinh viên có việc làm trong một năm kể từ khi tốt nghiệp đạt từ 90% trở lên, có sinh viên bị sàng lọc thì sau khi xác định chỉ tiêu theo quy định chung còn được xác định chỉ tiêu tuyển sinh tăng thêm không quá 25% số trung bình cộng của sinh viên bị sàng lọc, trong 4 năm trước liền kề năm tuyển sinh.

Nếu cơ sở đào tạo chưa đủ 4 năm có sinh viên tốt nghiệp thì tính số trung bình cộng sinh viên bị sàng lọc của các khóa đã tốt nghiệp.

Các trường chưa được kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành thì không tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề.

PHAN THẾ HOÀI
Bình luận
vtcnews.vn