Tỷ lệ người Nhật, Trung Quốc ghét nhau 'đạt kỷ lục'

Thế giớiThứ Sáu, 09/08/2013 08:40:00 +07:00

Người dân Trung Quốc và Nhật Bản có quan điểm về nhau ở mức tệ nhất trong gần một thập kỷ, theo một cuộc thăm dò dư luận.

Người dân Trung Quốc và Nhật Bản có quan điểm về nhau ở mức tệ nhất trong gần một thập kỷ, theo một cuộc thăm dò dư luận ngày 8/8, trong bối cảnh căng thẳng quân sự và ngoại giao gia tăng giữa hai cường quốc châu Á.

Tổng cộng 92,8% người Nhật có ấn tượng xấu hoặc tương đối xấu về Trung Quốc, trong khi 90,1% người Trung Quốc cảm thấy tương tự về Nhật Bản, theo một cuộc thăm dò dư luận của báo Trung Quốc China Daily và tổ chức nghiên cứu của Nhật Bản Genron NPO.
Tàu công vụ Trung Quốc, Nhật Bản vờn nhau trên biển 

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đã xuống rất thấp năm ngoái, chủ yếu vì tranh chấp lãnh thổ liên quan tới các đảo trên biển Hoa Đông.
Đây là lần thứ chín cuộc thăm dò thường niên được tiến hành, và China Daily nói các kết quả của cuộc thăm dò vừa rồi là “tệ nhất trong gần một thập kỷ”. 
“Kết quả vừa rồi thậm chí còn tệ hơn năm 2005, lúc thủ tướng Nhật Bản khi đó Junichiro Koizumi thăm đền Yasukuni nhiều lần," cuộc thăm dò cho biết. Đền Yasukuni là ngôi đền thờ những ngươi chết trong chiến tranh của Nhật Bản, bao gồm các các tội phạm chiến tranh của thời thế chiến thứ hai.
Quan hệ hai nước vốn đã không êm dịu vì giai đoạn chiếm đóng đẫm máu Trung Quốc của Nhật Bản trước và trong thế chiến thứ hai.
Bắc Kinh thường xuyên cáo buộc Tokyo không thành khẩn với quá khứ thực dân đế quốc của họ, trong khi Nhật Bản nói các nước láng giềng dùng lịch sử để gây sức ép ngoại giao với họ.
Tranh chấp lớn nhất hiện giờ liên quan tới một nhóm đảo ở biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát, mà Tokyo gọi là Senkaku, còn Bắc Kinh tuyên bố chủ quyển và gọi là Điếu Ngư.
Ngày thứ Năm, Tokyo đã triệu đại diện ngoại giao của Bắc Kinh lên sau khi các tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển gần quần đảo, vụ xâm nhập kéo dài nhất kể từ khi tranh cãi bùng nổ năm ngoái sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa một số đảo, gây ra sự phản đối quyết liệt từ Trung Quốc.
“Lý do lớn nhất cho thái độ tiêu cực này là quần đảo Điếu Ngư, với 53,2% người Nhật bình thường lựa chọn lý do đó trong một bảng câu hỏi dạng trắc nghiệm,” China Daily nói. “Số người Trung Quốc chọn lý do này đã tăng gần gấp đôi, từ 39,8% năm ngoái lên 77,6% năm nay.”
Hơn một phần ba người Trung Quốc nói “sẽ có xung đột quân sự trong tương lai,” tờ báo cho biết, nhưng gần một nửa người Nhật không cho rằng sẽ xảy ra xung đột vũ trang.
Trước đó trong tuần này, Nhật Bản đã cho ra mắt tàu chiến lớn nhất kể từ thế chiến thứ hai, tàu sân bay trực thăng Izumo trị giá 1,2 tỷ USD.
Trung Quốc cáo buộc Nhật Bản tìm cách mở rộng quân đội, và có những lời lẽ gay gắt thông qua hãng tin chính thức Tân Hoa xã, khi một bản tin ngày thứ Tư cáo buộc Tokyo “tích cực làm sống lại chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.”
Bản tin cũng cáo buộc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang “khiêu khích một cách nguy hiểm” khi tìm cách nâng cấp lực lượng phòng vệ của Nhật Bản thành một quân đội với đầy đủ chức năng, một động thái sẽ cần sự thay đổi hiến pháp hòa bình của Nhật, do Mỹ và các nước đồng minh áp.
Nhật Bản vừa hạ thủy tàu chiến Izumo lớn nhất kể từ thời chiến tranh thế giới thứ hai 

“Những sự kiện thật rõ ràng, từ gợi ý của Shinzo Abe về việc chối bỏ những tội lỗi lịch sử liên quan tới cuộc chiến tranh xâm lược của Nhật Bản cho tới đề nghị công khai của ông ta nhằm thay đổi hiến pháp, giống với các mà chế độ phátxít đã làm trước kia, những lời lẽ và hành động của chính phủ hiện giờ đã trở nên khiêu khích một cách nguy hiểm và không có dấu hiệu gì về những nỗ lực trở lại con đường đúng đắn,” Tân Hoa xã bình luận.
Bài bình luận cũng hối thúc Nhật Bản “không bao giờ quên số phận của chiếc tàu Izumo trước đó.” Izumo từng là một tàu chiến trong thế giới thứ hai bị các lực lượng Mỹ đánh đắm vào ngày 24/7/1945 và “chôn vùi vĩnh viễn chủ nghĩa phátxít Nhật Bản.”
Quân đội giàu có và được trang bị tối tân của Nhật Bản được gọi là Lực lượng phòng vệ, và bị cấm tham gia các hành động có tính cách tấn công. Những nỗ lực thay đổi điều đó cần phải bắt đầu từ việc thay đổi hiến pháp.
Cuộc thăm dò được thực hiện với hơn 4.000 người ở hai nước, “thuộc mọi thành phần xã hội,” theo China Daily.

Vietnam+

Bình luận
vtcnews.vn