Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT chưa thực chất

Giáo dụcThứ Sáu, 02/08/2013 09:18:00 +07:00

(VTC News)- Đó là nhận định của lãnh đạo Bộ GD-ĐT trong cuộc gặp mặt với báo chí chiều qua 1/8.

(VTC News)- Đó là nhận định của lãnh đạo Bộ GD-ĐT trong cuộc gặp mặt với báo chí chiều qua 1/8.


Vừa qua, tại cuộc họp do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 31/7/2013, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã có bài phát biểu quan trọng về tình hình và các giải pháp phát triển giáo dục.

Cũng trong cuộc họp này, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng nêu ý kiến đề nghị ngành giáo dục nghiên cứu có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm gần 100%.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng ý kiến của Phó Chủ tịch nước đề nghị ngành suy nghĩ, nghiên cứu chứ không phải là đề xuất bỏ kì thi tốt nghiệp THPT.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc liệu kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm vừa qua liệu có thực chất, Thứ trưởng Hiển thẳng thắn nhìn nhận: “Với tỷ lệ tốt nghiệp của các địa phương cao chót vót như hiện nay trong điều kiện dạy học hiện tại thì có thể khẳng định là chưa thực chất.

Ngành đã cố gắng làm nghiêm nên năm vừa rồi hầu hết các tỉnh/thành đều có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giảm. Việc đến bao giờ kết quả mới thực chất thì rất khó có câu trả lời”.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng kết quả thi tốt nghiệp THPT là không thực chất nhưng khi chưa có đề án mới về thi cử thì trước mắt vẫn phải tổ chức kỳ thi.
Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, vị lãnh đạo Bộ GD- ĐT lại cho rằng khi chưa có đề án mới về thi cử thì trước mắt vẫn phải tổ chức kỳ thi.

Nếu bỏ thi thời điểm này là chưa phù hợp vì dù sao có kỳ thi thì ý thức, trách nhiệm dạy và học sẽ tốt hơn.

“Có thể tỷ lệ tốt nghiệp giữa xét và thi là như nhau nhưng tôi tin rằng 98% tốt nghiệp của thi vẫn tốt hơn 98% tốt nghiệp của xét. Bỏ hay không bỏ thi tốt nghiệp cũng chỉ là một phương án để giải quyết thôi chứ không phải là cái đích để giải quyết. Có thể giải quyết bằng cách cải tiến bên trong kỳ thi đó cho hợp lý hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ ý kiến.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng: Thi tốt nghiệp THPT là một trong những khâu quan trọng nhất của quá trình dạy học. Việc thi tốt nghiệp không chỉ đem lại kết quả để quyết định học sinh đỗ hay trượt tốt nghiệp THPT, mà thi tốt nghiệp THPT còn có chức năng khuyến khích, tạo động lực cho người học, giúp người học tiến bộ không ngừng.

Bên cạnh đó, việc thi tốt nghiệp THPT cung cấp cho giáo viên, nhà quản lý những thông tin phản hồi hữu ích, giúp điều chỉnh quá trình dạy học và quản lý để cùng đạt mục tiêu dạy học ngày càng cao.

 
Với tỷ lệ tốt nghiệp của các địa phương cao chót vót như hiện nay trong điều kiện dạy học hiện tại thì có thể khẳng định là chưa thực chất
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển
 
“Đây là kì thi cuối cùng trong giai đoạn giáo dục phổ thông nên nó càng quan trọng và cần thiết, cho dù các kì thi số thí sinh trượt tốt nghiệp chiếm một tỷ lệ nhỏ. Chính vì thế từ lâu vấn đề này đã trở thành điểm nóng, thu hút nhiều trí lực, gây nhiều boăn khoăn trăn trở cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục” - Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh.


Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông nhằm xác nhận chất lượng và hiệu quả đầu tư quốc gia; còn tuyển sinh vào ĐH, CĐ thường giao quyền tự chủ cho các nhà trường.

Trước câu hỏi về chi phí để tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: “Bộ không thể thống kê được vì chi phí của kỳ thi là từ ngân sách của các địa phương. Tuy nhiên, chi phí cho giáo dục không giống như đi mua nguyên vật liệu, nên không thể nói giá cả thế nào”.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định, sau khi Đề án “Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT Việt Nam” và Đề án “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa 2015” được phê duyệt, Bộ GD-ĐT sẽ công bố phương án thi và tuyển sinh mới trước công luận trước khi có những quyết định chính thức.


Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn