Tỷ giá trồi sụt, la liệt ngân hàng lỗ thảm vì ngoại hối

Kinh tếThứ Ba, 01/03/2016 06:55:00 +07:00

Do không dự báo được những thăng trầm của đồng USD nên trong năm 2015, khá nhiều ngân hàng lỗ thảm vì hoạt động kinh doanh ngoại hối.

(VTC News) – Do không dự báo được những thăng trầm của đồng USD nên trong năm 2015, khá nhiều ngân hàng lỗ thảm vì hoạt động kinh doanh ngoại hối.

2015 là năm thị trường ngoại hối chứng kiến những sự biến động vô cùng mạnh mẽ. Ngay từ đầu năm, giá USD đã tăng, giảm bất chợt trong biên độ khá mạnh. Thế nhưng, phải đến giữa năm, khi Trung Quốc bắt đầu chuỗi ngày giảm giá đồng nhân dân tệ, thị trường ngoại hối trở nên khốc liệt hơn.

Thông thường, giá USD thay đổi khoảng 5 đồng/USD đã được đánh giá là cao nhưng trong những ngày đồng nhân dân tệ  “gây bão” trên thị trường toàn cầu, biến động 5 đồng/USD trở nên vô cùng nhỏ bé. Có phiên, USD “bốc hơn” hơn 100 đồng.

Theo số liệu của ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá USD đã tăng 1.025 đồng/USD, tương ứng 4,79% chiều mua vào và tăng 1.135 đồng/USD, tương ứng 5,3% ở chiều bán ra. Tại thời điểm cuối năm 2015, tỷ giá niêm yết ở  mức 22.450 đồng/USD – 22.540 đồng/USD.
Tỷ giá biến động mạnh khiến nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả ngân hàng thua lỗ
Tỷ giá biến động mạnh là điều không dễ dự đoán nên nhiều doanh nghiệp đã ngậm trái đắng vì tỷ giá. Nhiều “ông lớn” như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản đồng loạt kêu thua lỗ ngàn tỷ đồng vì tỷ giá.

Doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề cũng lo ngại tỷ giá có thể “ăn mòn” lợi nhuận. Dư luận “thương” cho nhiều doanh nghiệp mà quên đi một ngành nghề lớn cũng dễ bị tổn thương vì tỷ giá. Đó là ngành ngân hàng. Trong năm 2015, nhiều ngân hàng đã ghi nhận khoản thua lỗ lớn từ hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Hiện tại, các ngân hàng chưa công bố hết báo cáo tài chính 2015  nên chưa có số liệu thống kê cuối cùng.

Cụ thể, trong quý 4/2015, ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Trong quý 4/2015, Techcombank hứng chịu khoản thua lỗ tỷ giá lên tới 113,73 tỷ đồng, lũy kế cả năm ngân hàng này lỗ 192 tỷ đồng. Nếu hoạt động kinh doanh ngoại hối tốt hơn, Techcombank đã được chứng kiến lợi nhuận sau thuế tăng trưởng rất mạnh.

Quý 4/2015 là thời điểm ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) rơi vào danh sách 3 ngân hàng hiếm hoi thua lỗ. Một trong những chỉ thiêu khiến Eximbank không có lãi chính là hoạt động kinh doanh ngoại hối. Trong quý 4/2015, Eximbank lỗ 6,62 tỷ đồng từ ngoại hối. Tuy nhiên, lũy kế cả năm ngân hàng này vẫn lãi 62,72 tỷ đồng.

Sacombank cũng là một trong những ngân hàng có hoạt động kinh doanh ngoại hối kém hiệu quả. Quý 4/2015, Sacombank lỗ 29,45 tỷ đồng ví ngoai hối, lũy kế cả năm ngân hàng này lãi 159,03 tỷ đồng, giảm so với con số 196,17 tỷ đồng năm 2014.

Một số ngân hàng khác mới công bố báo cáo tài chính quý 3/2015 nhưng yếu kém của hoạt động kinh doanh ngoại hối đã lộ rõ. Đó là ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (NamABank) và ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (Saigonbank).

Quý 3/2015, NamABank lỗ 5,59 tỷ đồng, lũy kế 3 quý đầu năm lỗ 4,22 tỷ đồng. Trong khi đó, Saigonbank lỗ 79,03 tỷ đồng trong quý 3/2015, lũy kế 3 quý đầu năm 2015 lỗ 13,07 tỷ đồng.

Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được xem là anh cả trong hoạt  động kinh doanh ngoại hối. Nhưng 2015 cũng không phải là năm thuận lơi của Vietcombank khi tỷ giá biến động thất thường. Quý 4/2015, hoạt động kinh doanh ngoại hối không khiến Vietcombank thua lỗ như các ngân hàng khác nhưng chỉ  tiêu này đã giảm mạnh từ 268,86 tỷ đồng quý 4/2014 xuống 44,07 tỷ đồng quý 4/2015.

2016 có thể vẫn là một năm khó khăn cho hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng. Trong báo cáo về triển vọng năm 2016 mới đây, công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, thị trường ngoại hối sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới với việc VND có thể mất giá thêm 5%, trường hợp không thuận lợi có thể lên tới 8% trong năm nay.

Theo đánh giá của BSC, cơ chế điều hành tỷ giá mới sẽ phản ánh chân thực nhu cầu thị trường hơn, thay vì đưa ra cam kết biến động tỷ giá từ đầu năm như các năm trước do bám theo diễn biến ngoại hối thế giới, thông qua neo vào một rổ tiền tệ thay vì neo vào USD và bám theo nhu cầu nội địa, thông qua thả nổi một phần tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn