Tuyệt chiêu kinh doanh thành công: 'Chôm' ý tưởng kinh doanh từ khách

Kinh tếThứ Sáu, 04/09/2015 07:39:00 +07:00

Phản hồi của khách hàng là một trong những nguồn ý tưởng kinh doanh thiết thực nhất mà mỗi doanh nghiệp đều nên tận dụng để cải tiến chất lượng sản phẩm.

(VTC News) - Một sản phẩm mà doanh nghiệp của bạn cho là hoàn hảo chưa chắc đã bán chạy bởi đó không phải là thứ khách hàng cần, đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người thất bại trong kinh doanh.

Hiểu được nguyên tắc đơn giản này là điều đầu tiên của kế hoạch khắc phục sai lầm và xây dựng ý tưởng kinh doanh mới. Từ đây, các doanh nghiệp trở nên tích cực đón nhận phản hồi của khách hàng, khuyến khích nhân viên lấy nhu cầu khách hàng làm nền tảng cho những ý tưởng độc đáo nhưng không kém phần thiết thực. 
1. Quan sát cách sử dụng sản phẩm của khách hàng

Hãng thiết bị y tế Medtronic là một ví dụ khi nhân viên bán hàng và nhân viên nghiên cứu thị trường của họ thường xuyên đến quan sát các ca phẫu thuật cột sống để hiểu rõ cách các bác sĩ sử dụng sản phẩm của mình. 
Bên cạnh đó, cách khách hàng sử dụng sản phẩm của đối thủ cũng nói lên những ưu điểm lẫn thiếu sót trong sản phẩm của hãng, từ đó có thể rút ra được cách khắc phục hiệu quả nhất. 
2. Tìm hiểu những khó khăn mà khách hàng gặp phải khi dùng sản phẩm

Đừng tự mãn rằng sản phẩm của doanh nghiệp mình là hoàn hảo tuyệt đối. Hãy lắng nghe những lời than phiền của khách hàng để xây dựng ý tưởng kinh doanh
Hãng P&G được biết khoai tây chiên Pringles của mình sau khi mở túi đựng rất nhanh vỡ và bị mềm nên đã đi đến quyết định cắt khoai tây thành từng miếng đều nhau rồi đóng gói trong hộp giấy cứng có hình trụ tròn. Không những mẫu mã trở nên đẹp hơn mà chất lượng khoai tây cũng đảm bảo hơn và khiến người tiêu dùng rất hài lòng. 
3. Để khách hàng mô tả mong muốn về sản phẩm

Không phải lúc nào mẫu “sản phẩm trong mơ” của khách hàng cũng hữu ích đối với việc nảy sinh ý tưởng, tuy nhiên bạn có thể lấy đó làm manh mối để nghiên cứu và cho ra đời những thế hệ sản phẩm hoàn thiện hơn. 
Một khách hàng 70 tuổi của hãng máy ảnh Minolta đã chia sẻ rằng ông ước máy ảnh có thể giúp người mẫu trong hình trở nên trẻ đẹp và bớt nhăn nheo hơn so với thực tế. Không bỏ ngoài tai lời nói tưởng như đùa này của ông cụ, Minolta đã thiết kế chiếc máy ảnh tân tiến có hai ống kính, trong đó một ống kính chuyên dùng để chụp chân dung cho người lớn tuổi.

4. Lập hội để khách hàng đóng góp ý tưởng
Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức cuộc thi thiết kế banner nhằm lôi cuốn khách hàng quan tâm hơn đến sản phẩm của mình đồng thời mong đợi một bước phát triển mới của đơn vị. 
Hãng Cisco lập forum chính thức để người tiêu dùng góp ý cho sự cải tiến của sản phẩm, trong khi hãng đồ jeans Levi Strauss tạo sân chơi lành mạnh để các bạn trẻ nêu lên ý nghĩa của thương hiệu này đối với họ, phong cách sống và thói quen của mỗi người. 
Website của công ty nên có mục “góp ý” để khách hàng có thể gửi gắm tâm tư, nguyện vọng về sản phẩm. Nhân viên công ty cũng có thể gia nhập các hội, nhóm trên Facebook, blog để thu thập ý kiến khách hàng một cách tự nhiên, từ đó phát triển ý tưởng kinh doanh của mình. 
5. Khuyến khích khách hàng cùng cải tiến sản phẩm

Đó là cách mà hãng xe ô tô nổi tiếng BMW từng sử dụng. Hãng này đăng tài liệu hướng dẫn người dùng cách phát triển ý tưởng sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên xe lên website của mình. 
Nhiều nhà thiết kế phần mềm và dụng cụ bán dẫn cũng từng cung cấp cho khách hàng các hướng dẫn tự sáng chế để họ có thể tạo ra các con chip phù hợp với nhu cầu riêng của mình.

Trương Linh(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn