Tuyệt chiêu kinh doanh hốt bạc của đại gia Việt chơi ngông

Kinh tếThứ Bảy, 14/03/2015 03:33:00 +07:00

Nhiều ý tưởng kinh doanh độc đáo của đại gia Việt khiến họ "phất" lên nhanh chóng khi thu lợi nhuận tiền tỷ.

Nhiều ý tưởng kinh doanh độc đáo của đại gia Việt khiến họ "phất" lên nhanh chóng khi thu lợi nhuận tiền tỷ.

“Ngông” một phần, thành công của các ông chủ kinh doanh có được là nhờ tinh thần dám đổi mới, dám thử những ý tưởng kinh doanh độc nhất vô nhị, cộng thêm sự cần cù chịu khó để làm ra những sản phẩm ngon, lạ, thu hút khách mua.

Ông lão lên “nóc nhà miền Tây” trồng quýt hồng

Được mệnh danh là nóc nhà miền Tây, núi Cấm, còn gọi là Thiên Cẩm Sơn, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên - An Giang là ngọn núi cao nhất vùng. Nhiều người cho rằng địa chất của vùng này khó có thể trồng trọt thuận lợi. Nhất là giống quýt hồng – loại đặc sản khó trồng và hợp thổ nhưỡng phù sa của vùng đồng bằng sông Cửu Long như Lai Vung, Sa Đéc (Đồng Tháp). Ấy vậy mà một trang trại quýt hồng rộng 4ha đã mọc lên trên vùng đất này. Đó là trang trại của ông Trần Thanh Tùng (ấp Vồ Bà – An Giang).

hốt bạc
Ông Trần Thanh Tùng cùng trang trại quýt hồng. Ảnh: Tấn Kiên-Trọng Bình  
Bước đột phá ngoài dự đoán này xuất phát từ cái “ngông” của người làm vườn, dám thử, dám làm việc khó để cho trái ngọt thơm. Sau khi trồng thử trồng cây quýt hồng sau nhà, thấy có khả năng thành công, ông Tùng lặn lội đi nhiều vùng khác nhau, tìm các giống quýt hồng khác nhau để thử nghiệm, và chọn giống hợp với thổ nhưỡng, địa chất của vùng. Bài toán thiếu nước trên núi cao đã được ông lão khắc phục bằng cách dẫn nước từ các suối nhỏ trên núi vào mùa mưa, làm nhiều hồ nhỏ để trữ nước, nuôi cây.

Trời không phụ công người, khi ông Tùng chọn được giống quýt hồng Lai Vung phát triển tươi tốt trên núi Cấm. Trái ngọt mát, thanh và được người dân ở đây gọi vui là “Quýt Ba Tùng”.

Ban đầu vườn quýt chỉ vài trăm cây, sau bao khó khăn, nhọc nhằn, ông Tùng đã có được trang trại quýt hồng rộng 4ha. Tổng hợp mô hình cam quýt, ông Ba Tùng có thu nhập trung bình từ 15 - 20 triệu đồng trên một công đất (1.000m2) mỗi năm.

Những năm gần đây ông Ba Tùng cùng các con tập hợp kinh nghiệm và công sức cũng như hùn vốn để tiếp tục thử nghiệm thêm mô hình trồng cam trên núi, mở rộng sản xuất, tạo nguồn nhân giống để có thể sang bán giống cho nông dân trong vùng.

Ông Ba Tùng sẵn sàng sẻ kinh nghiệm cùng những bí quyết nghề nghiệp được ông tích lũy cả chục năm qua cho tất cả những người đến mua giống quýt của ông. Mong ước của ông là làm sao mô hình của ông ngày càng được nhân rộng, có thêm nhiều nông dân thoát nghèo như ông.

Ông chủ “phù phép” một cây cho 9 loại quả

Không ngừng sáng tạo ra các loại cây cảnh chơi Tết độc nhất vô nhị, ông Lê Đức Giáp (thôn Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) khiến nhiều người “ngả mũ” kính phục khi cho ra đời loại cây 5 loại quả, sau đó, năm 2014, ông tiếp tục trồng, lai tạo được cây cho 7 và 9 loại quả khác nhau.

hốt bạc
Vườn cây cho 5, 7, 9 loại quả trị giá bạc tỷ của ông chủ Lê Đức Giáp. Ảnh: Lê Hiếu  
Từ ý chí thoát cảnh nghèo khó, lão nông dùng toàn bộ 1.000 m2 đất ruộng của gia đình để chuyển sang trồng cam. Thành công bước đầu, ông chủ vườn cam thấy ngày Tết gia đình nào cũng có mâm ngũ quả, nên nảy ý định lai tạo được cây cho 5 loại quất, quýt, phật thủ, cam, bưởi. Cái khó là làm sao cho trái sống cùng trên cây vẫn đủ dinh dưỡng căng mịn, lại không bị chín rộ trước Tết hoặc thời gian trái chín không lệch nhau.

Sau bao thất bại, thay đổi và tích lũy kinh nghiệm, suốt 4 năm liên tiếp cần cù, không ngừng tìm hiểu, ông chủ đã sở hữu vườn cảnh 200 gốc, trị giá bạc tỷ. Trong đó, loại cây có 3 quả, mức giá “mềm” 2- 3 triệu đồng. Riêng cây cho 7 và 9 loại quả độc nhất vô nhị có giá đắt hơn, có thời điểm lên tới 20 triệu/cây. Thành công này có một phần của ý chí dám nghĩ, dám làm, một chất “ngông” và sự cần cù chịu khó của lão nông yêu cây cảnh, vườn tược.

“Vua” dưa hấu thỏi vàng

Trái dưa hấu thông thường bán không được giá cao, lại không có nhiều điểm độc đáo, lạ mắt, bởi vậy, ông chủ của vườn dưa hấu tại Cần Thơ quyết “liều” một phen, thử nghiệm tạo hình lạ mắt cho dưa.

Nghĩ là làm, ông Trần Thanh Liêm (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đã “nặn” những trái dưa thành hình thỏi vàng, có chữ “tài”, “lộc”, gây “sốt” thị trường, đem về lợi nhuận nửa tỷ đồng vụ gần Tết.

hốt bạc
Vườn dưa hấu thỏi vàng của ông Liêm.  
Nhớ lại những ngày đầu tiên triển khai ý tưởng tạo hình dưa hấu, ông Liêm ví mình như người “mò kim đáy biển” vì không có kiến thức, kinh nghiệm nào hướng dẫn tạo hình dưa hấu. Khó khăn chồng chất khi làm sao hình tròn của trái dưa thành hình vuông, hình thỏi vàng, chất liệu làm khuôn nào bền, có sức chịc lực lớn khi trái dưa lớn.

Sau bao thử nghiệm, từ khuôn tạo hình bằng sắt, bê tông, kính mà không thành công, cuồi cùng ông Liêm chọn được khuôn nhựa composite dẻo dai, chịu được lực lại cho các cạnh trái dưa mềm mại. Ăn, ngủ, suy nghĩ cùng ruộng dưa, không ngại nắng mưa, bao trăn trở của ông chủ dám đổi mới, những vựa dưa hấu thỏi vàng hơn 100 trái được thu hoạch, mang về lợi nhuận tiền tỷ.

Ông chủ làm ô mai hình con thú, tiền triệu không bán

Thổi hồn cho những viên ô mai vô tri, vô giác thành những con vật sinh động, vui mắt là thú vui của ông chủ hàng ô mai nổi tiếng số 8 Hàng Đường (Hoàn Kiếm – Hà Nội). Xuất thân trong một gia đình có nghề làm ô mai gia truyền đã hơn 100 năm, bác Bùi Văn Hưng là chủ của một cửa hàng ô mai, có những món ô mai hình con thú “độc nhất vô nhị” ở Hà Nội.

hốt bạc
Niềm vui nhỏ khi làm con thú bằng ô mai của ông chủ Hưng.  
Được phú cho bàn tay khéo léo, chỉ là một con dao nhỏ, vài ba chiếc tăm, thi thoảng có thêm một dây thép nhỏ, ông chủ cửa hàng đã “phù phép” cho những viên ô mai kết nối với nhau tự nhiên, sinh động. Những quả sấu dầm, miếng ô mai hồng, mận xào…. biến thành những con bật như cua càng, ngựa ô, kiến đỏ… đẹp mắt, bày trong tủ hàng, khiến ai đi qua cũng thích thú.

Vui buồn bao nhiêu trong nghề, trong cuộc sống, cảm tưởng như được bác dồn cả vào mỗi con vật đáng yêu. Năm 2012, năm Nhâm Thìn, ông Hưng làm một con rồng từ hồng sấy, râu rồng làm bằng dừa bao tử, thân có vảy tự nhiên, nguyên liệu làm hết cả kg, nhiều khách nhìn thấy con rồng ô mai trả giá gần chục triệu, ông chủ “chơi ngông” cũng không bán.

Mới đây, khi ông Hưng làm hình con dê của năm Ất Mùi, thấy khách nước ngoài thích thú, liền tặng họ làm kỷ niệm.

hốt bạc
Đôi cò ô mai lạ mắt.  
Mặc dù không qua bất cứ trường lớp đào tạo nào về cắt tỉa, tạo hình, song tay nghề cắt tỉa của ông chủ hàng ô mai khiến không ít đầu bếp các khách sạn nổi tiếng ở Hà Nội phải “ngả mũ” .

Ông Hưng tâm sự cũng không được ai “bày” cho, cũng chẳng qua trường lớp đào tạo cắt tỉa, tài lẻ này xuất phát từ những khoảng thời gian ngồi trông hàng, rảnh rỗi, bác khắc, tỉa từng quả sấu dầm, lâu dần nảy ý ghép nhiều loại với nhau.
 
Quan trọng là tưởng tượng được từng loại ô mai có thể làm ra được thứ gì, ví như ô mai xoài dẻo, có màu vàng tươi, có thể làm được cánh bướm, khoai lang nhật có thể làm thân, chẻ tăm thật nhỏ, mềm, uốn cong là làm được râu… hay những quả sấu dầm, nếu tỉa đều tay, dao chạm tới hạt, khi miết nhẹ lên quả sấu sẽ tạo ra hình giống con sò hoặc xoay nhẹ các vết cắt sẽ thành cánh hoa.

Người chủ quán say mê kể chuyện... nhiều khi quên cả bán hàng. Ông Hưng tâm sự: “Những hình con vật này chỉ bày cho vui chứ không có ý định kinh doanh, nếu quý, bác sẽ tặng cho khách”.

Nhờ những con thú lạ mắt, cửa hàng của ông chủ khéo tay ngày càng đông khách. Có lẽ, đây là cách bán hàng, quảng cáo hình ảnh độc nhất vô nhị so với nhiều hàng ô mai ở Hà Nội. Không chỉ hút khách về tạo hình ô mai độc, lạ, hương vị riêng của ô mai gia truyền cũng là điều níu chân khách hàng đến quán.

Nguồn: Kienthuc

Bình luận
vtcnews.vn