Tuyển VN từng 'biếu' Indo 5 HCV SEA Games

Thể thaoThứ Tư, 11/09/2013 08:00:00 +07:00

Kết thúc ngày đấu, BTC môn vật rồi chính ông trọng tài Hàn Quốc đã đến xin lỗi ĐTVN; riêng ông trọng tài người Hàn còn “đền bù” cho Hợi một chiếc đồng hồ.

Việc nước chủ nhà Myanmar đòi chia tới 7 HCV mới đồng ý tổ chức Vovinam tại SEA Games 27 có thể khiến dư luận sốc, song với dân thể thao lại là chuyện bình thường

Bị xử ép, được đền... đồng hồ

Tại SEA Games, chuyện thao túng đội ngũ trọng tài, ép, xin và đổi huy chương vẫn tiếp tục xảy ra như cơm bữa, đặc biệt ở nhóm môn võ - vật hay các môn mới.

Kỳ nào cũng có hàng loạt trường hợp dở khóc dở cười liên quan đến chuyện này. Trong đó, “kinh điển” nhất chính là việc môn vật khi nước chủ nhà Thái Lan ở SEA Games 2007 sau khi không “xin” được Việt Nam huy chương ở hậu trường đã quay ra “ép” bằng được trên thảm đấu.

Lê Duy Hợi
VĐV Lê Duy Hợi
Sau khi ĐTVN giành được 3 HCV ngay trong ngày đầu, một quan chức môn vật Thái Lan đã tìm gặp lãnh đội Việt Nam đề nghị “xin” hạng dưới 74kg, tuy nhiên không được chấp nhận. Và người Thái đã quyết “ép” tới cùng, thông qua ông trọng tài Hàn Quốc ở trận đấu giữa ĐKVĐ Lê Duy Hợi với đô vật chủ nhà Surachet Kwannai.

Mặc dù Hợi đã chiếm ưu thế hoàn toàn, liên tục ra đòn thắng rõ ràng nhưng cuối cùng anh lại thua tới 1/3. Quá bức xúc, Hợi sau đó đã lao tới đá vào mông ông trọng tài và nếu không được kịp thời can ngăn không hiểu điều gì sẽ xảy ra.

Càng bi hài hơn, người tính không bằng trời tính, dù đã được trọng tài “hạ” giúp đối thủ Việt Nam song đô vật Thái sau đó bị chấn thương không thể tiếp tục thi đấu và tấm HCV bỗng... rơi vào một đô vật Indonesia.

Kết thúc ngày đấu, BTC môn vật rồi chính ông trọng tài Hàn Quốc đã đến xin lỗi ĐTVN. Riêng ông trọng tài người Hàn còn “đền bù” cho Hợi một chiếc đồng hồ.


“Biếu” Indonesia 5 HCV Vovinam ở SEA Games 26   


Sự đòi hỏi, hay chính xác hơn là mặc cả đôi bên cùng có lợi của môn Vovinam thực tế đã từng diễn ra ở chính Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 26 cách đây 2 năm trên đất Indonesia.

Dù đủ sức giành HCV ở cả 17 nội dung, song cuối cùng, VN chỉ “dám” lấy có 5 HCV, còn lại phải chia và nhường khéo cho chủ nhà Indonesia cùng các đoàn khác đúng như cam kết để được lần đầu đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games, cũng như để có cơ hội góp mặt tiếp ở lần sau.

Cụ thể, các đoàn đã góp mặt bất kể thực lực như thế nào đều có Vàng. Đáng chú ý, đoàn chủ nhà còn “tham lam” đến mức suýt chút nữa qua mặt cả “cái nôi”  Việt Nam để đứng thứ nhất môn này khi cùng có 5 HCV và chỉ kém hơn về số HCB.

Theo tiền lệ ấy, chủ nhà SEA Games 27 Myanmar cũng đặt vấn đề “lấy” 7 HCV là điều dễ hiểu. Có thể tin chắc rằng, kiểu gì Việt Nam cũng phải vui vẻ đồng ý, nhất là khi Vovinam là môn mới, chưa có vị thế gì ở sân chơi này. Nói theo một cách nào đó để quảng bá, phát triển đặc sản ra quốc tế, Việt Nam phải chấp nhận những điều kiện nhất định.
Vovinam phải nhường huy chương mới được đưa vào thi đấu ở SEA Games

Chỉ có điều đáng tiếc là ông Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang nếu như không kiên quyết đấu tranh thì chí ít cũng phải… im lặng, thay vì phát biểu hồn nhiên cứ như thể Việt Nam chịu thiệt thòi, phải vượt khó.

Chưa đấu thứ hạng đã “quyết” xong kết quả chung cuộc

Suy cho cùng chuyện bi hài ở môn võ Vovinam cũng chỉ là một trong số hàng loạt chuyện lạ đời chỉ có ở SEA Games. Rất nhiều môn như thế và kỳ nào cũng vậy, dù có thể ở các mức độ và hình thức khác nhau, kể cả SEA Games 2003 tại Việt Nam.

Nó chưa là gì khi so với rất nhiều môn, nội dung thi của các môn cơ bản, truyền thống cũng bị loại, bị cắt, để thay vào đó là những loại hình mới, lạ, dị biệt một cách rất phi chuyên môn. Tất cả phụ thuộc vào ý muốn, điều kiện và khả năng tổ chức của nước chủ nhà, cũng như kết quả đàm phán, vận động hành lang, thậm chí “trao đổi” giữa các đoàn.

Đoàn VN dự Sea Games
 Đoàn VN dự Sea Games

Riêng với SEA Games, các cuộc đấu trên bàn hội nghị mới là quyết định, còn thực tế tranh tài chỉ cụ thể hóa. Chính vì thế chưa thi đấu, vị trí xếp hạng của các đoàn, nhất là bước nhảy vọt của nước chủ nhà, coi như đã được sắp xếp xong. Đơn cử ngay từ bây giờ, nhìn vào chương trình thi đấu với 460 bộ huy chương đã có thể đoán chắc, chủ nhà Myanmar chắc chắn sẽ vọt lên dẫn đầu toàn đoàn, Thái Lan đứng thứ 2 còn Việt Nam đoạt hạng 3.

Cái “chết” khiến cho SEA Games luôn chỉ là “hội làng” nằm ở chỗ, điều lệ của thể thao Đông Nam Á quá lỏng lẻo, dễ dãi. SEA Games vẫn chưa có nổi một chương trình thi đấu “cứng” ở mức tối thiểu mà qua mỗi lần tổ chức gắn với một nước chủ nhà lại bị biến dạng đến 1/3 hay 1/2 số môn và nội dung tranh tài - điều không hề thấy ở bất cứ cuộc đấu thể thao quốc tế nào khác.

Nước chủ nhà được trao nhiều quyền đến mức ngoài điền kinh, bơi lội và bóng đá nam, thậm chí họ có thể loại hay đưa vào thêm bất cứ bộ môn hay nội dung nào khác, miễn sao có thêm 2 đoàn khác ủng hộ.
 


Theo GTVT

Bình luận
vtcnews.vn