Tuyển Việt Nam: Tại sao phải buồn khi thua đội bóng quá mạnh như Iran?

Thể thaoThứ Bảy, 12/01/2019 21:20:00 +07:00

Tuyển Việt Nam đã chơi trận đấu rất đáng khen trước Iran, song để kiếm điểm trước đối thủ đang đứng ở vị trí số một châu Á hiện tại, các học trò của HLV Park Hang Seo vẫn còn cách một khoảng rất xa.

Iran, đội bóng xếp hạng 29 thế giới và từng khiến Argentina, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha phải trầy trật, sẽ có một thông số khiến bạn phải giật mình. Ở vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á, Iran chỉ ghi 10 bàn/ 10 trận, hiệu suất 1 bàn/ trận, nhưng thầy trò HLV Carlos Queiroz giành tới... 22 điểm, hơn Hàn Quốc bảy điểm. Trung bình với mỗi bàn thắng, Iran giành tới 2,2 điểm. Gần như cứ ghi bàn là... thắng trận.

Chi tiết này minh họa rất rõ đặc trưng của Iran dưới thời HLV Queiroz. Tám năm dẫn dắt đội bóng Tây Á, chiến lược gia người Bồ Đào Nha không có những chiến thắng đậm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, cho đến trước khi hạ Yemen 5-0 ở Asian Cup. Iran luôn tiến rất từ từ, chậm rãi, song cực kỳ chắc chắn và khó lường. Alireza Beiranvand cùng các đồng đội là đối thủ rất khó bị đánh bại, ngay cả với những đối thủ hàng đầu thế giới.

Và với một đội bóng như thế, như chúng ta đã nói, có thua cũng chẳng có gì hối tiếc.

Iran

Iran quá mạnh so với Việt Nam.

HLV Park Hang Seo đã gây bất ngờ cho Iran? Nói vậy đúng một nửa. Bất ngờ ở chỗ, chiến lược gia người Hàn Quốc cho các học trò chơi áp sát tầm cao, khiến đội bóng Tây Á không thể triển khai bóng bài bản từ hàng thủ lên tuyến trên - đặc sản dưới thời HLV Queiroz.

Tuyển Việt Nam không hề run sợ trước đội bóng đẳng cấp World Cup. Chính sự tự tin của Quang Hải cùng các đồng đội khiến ý đồ chiến thuật của thầy Park được triển khai dễ dàng hơn. Ở hàng phòng ngự, Quế Ngọc Hải đã chỉ đạo đồng đội phong tỏa khá tốt hai biên để ngăn Iran thực hiện những quả tạt bổng. Tính đến trước bàn thua ở phút 38, tuyển Việt Nam đã phòng ngự tốt, chịu đựng tốt trước sức ép và chơi rất lăn xả để tìm kiếm bóng. Khi giành quyền kiểm soát bóng, toàn đội cũng không phá bóng vội vàng, thay vào đó, tuyển Việt Nam tuần tự triển khai bóng và phản công ngay khi có thể.

Một đội tuyển đứng thứ 100 thế giới mà chơi được như vậy, Iran chắc hẳn cũng bất ngờ.

VN-Iran4 6

Tuyển Việt Nam (áo đỏ) đã chơi rất tự tin.

Nhưng nói Iran không bất ngờ cũng đúng, bởi HLV Queiroz dường như lường hết những "bài vở" của đối thủ trong trận này. Sự thong dong và uyển chuyển của Iran đối lập hoàn toàn với bộ mặt bối rối của Iraq trong trận đầu tiên. Iran có thừa đẳng cấp và kinh nghiệm để luân chuyển bóng trước sức ép dồn dập của tuyển Việt Nam. Sau hơn 10 phút thoát pressing, "Team Melli" đẩy được các học trò của HLV Park Hang Seo về phần sân nhà và liên tục tấn công trung lộ với những pha đập nhả đẳng cấp.

Bàn mở tỉ số của Sardar Azmoun là minh chứng cho sức ép khủng khiếp. Tuyển Việt Nam đơn giản là không đủ lọc lõi để chống đỡ được lâu hơn.

Trước cuộc so tài, nhiều người đã nhắc đến Văn Toàn - "quân bài trong tay áo" của HLV Park Hang Seo. Khi chân sút người Hải Dương được tung vào sân trong hiệp 2, thế công của tuyển Việt Nam đã khởi sắc hơn hẳn. Mảng miếng tấn công với những pha di chuyển tam giác của Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn cho thấy quyết tâm kiếm điểm trước Iran của thầy Park không phải là... nói cho vui.

park hang seo

HLV Park Hang Seo có phương án để tuyển Việt Nam nghĩ đến 1 điểm trước Iran.

Tuyển Việt Nam nỗ lực dùng sở trường là tốc độ và khả năng xuyên phá vào những vị trí hiểm yếu (khoảng cách giữa hậu vệ biên và trung vệ, giữa tiền vệ và trung vệ) để tạo ra cơ hội, tiêu biểu là pha thoát xuống đối mặt của Công Phượng sau đường chuyền của Văn Toàn, song Công Phượng không đủ bình tĩnh để bấm bóng khi thủ môn Beiranvand đã chủ động nhoài người bắt bài. 

Một pha tấn công sáng nước không đại diện cho thế công trong cả trận đấu, song đá với đội mạnh như vậy mà vẫn bình tĩnh lên bóng bài bản, ấy là điều đáng khen cho tuyển Việt Nam, dẫu rằng thua 0-2 thì quả thật... khó mà có những thứ để khen.

Xin nhắc lại: tuyển Việt Nam không run sợ trước đối thủ. Có chăng là một số tình huống xử lý vội vàng, còn lại, rất ít cầu thủ có biểu hiện "khớp" về tâm lý, ngay cả khi toàn đội bị đối phương dồn ép nhất. HLV Park Hang Seo có thể xoa tay hài lòng về thế trận mà các học trò đã tạo ra, trong lần đầu tiên tuyển Việt Nam đá trận cầu với đối thủ cực mạnh dưới thời của ông.

Nhưng Iran không phải đối thủ để chúng ta... hài lòng khi tạo được điểm nhấn, mà đội bóng Tây Á còn là "thầy" của bóng đá Việt Nam. Pha thoát xuống, rướn người một nhịp và xoay bóng để vượt qua Trọng Hoàn, Duy Mạnh của Azmoun xứng đáng được chấm điểm 10 ở độ mẫu mực. Iran không cần nhiều cơ hội, nhưng có là tận dụng được ngay. Đội bóng Tây Á cũng không cần tấn công dồn dập, song mỗi khi tăng tốc, họ đều có được điều mình muốn.

VN-Iran6

Chiến thắng của đẳng cấp vượt trội.

Iran đã làm chủ hoàn toàn trận đấu (dù có thời điểm gặp khó khăn), điều tiết nhịp độ và chơi thứ bóng đá ở đẳng cấp cao nhất. Tuyển Việt Nam, chí ít lúc này, chỉ thu hẹp khoảng cách đẳng cấp với Iran xuống mức chấp nhận được. San bằng khoảng cách ấy vẫn là chuyện rất xa vời. 

Một trận đấu với niềm vui chia đều cho cả hai. Iran thể hiện sức mạnh vượt trội để định đoạt số mệnh, song tuyển Việt Nam cũng học được không ít bài học để có thể tiến xa hơn nữa. Tuyển Việt Nam đã rơi khỏi nhóm bốn đội hạng ba xuất sắc nhất, song vẫn còn trận gặp Yemen, cánh cửa đi tiếp chưa hề đóng lại đâu!

bang

 Bảng xếp hạng sau lượt 2 bảng D.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn