Học phí và điểm chuẩn 13 trường kinh tế hot nhất cả nước

Tuyển sinhThứ Tư, 24/06/2020 08:30:00 +07:00
(VTC News) -

Thí sinh có thể tham khảo chỉ tiêu, học phí và điểm chuẩn của 13 trường đại học công lập đào tạo khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng thuộc top đầu cả nước.

Năm nay, Đại học Ngoại thương tuyển 3.990 sinh viên cho ba cơ sở ở Hà Nội, TP.HCM và Quảng Ninh. Trong đó, trường dành 1.955 chỉ tiêu tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, còn lại là xét chứng chỉ và tuyển thẳng

Học phí dự kiến năm học 2020-2021 với chương trình đại trà là 18,5 triệu đồng/năm. Các chương trình chất lượng cao, Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản, Kế toán - Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế, học phí dự kiến là 40 triệu đồng/năm. Cao nhất là học phí chương trình tiên tiến 60 triệu đồng/năm.

Trường cũng thông báo mức học phí dự kiến được điều chỉnh hàng năm không quá 10%.

Năm 2019, điểm trúng tuyển Đại học Ngoại thương cao nhất là 26,25 điểm.

Đại học Kinh tế quốc dân năm nay tuyển 5.800 sinh viên, trong đó 3.480 em sẽ được tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT (60%).

Học phí hệ chính quy chương trình đại trà năm học 2020-2021 từ 14 đến 19 triệu đồng/năm. Học phí các chương trình tiên tiến, chất lượng cao hoặc học bằng tiếng Anh là 40-80 triệu đồng/năm.

Năm 2019, điểm chuẩn vào trường từ 21,5 đến 26,15 đối với các ngành tính điểm theo thang 30. Các ngành lấy điểm theo thang 40 đều lấy trên 31 điểm.

Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến tuyển 1.200 chỉ tiêu hệ đại học chính quy theo chương trình đào tạo chất lượng cao, trong đó 1.100 chỉ tiêu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét đầu vào. Học phí hệ này là 3,5 triệu đồng một tháng, tương ứng 35 triệu đồng một năm.

Ngoài ra, trường tuyển 100 sinh viên chương trình liên kết quốc tế, do Đại học Troy (Mỹ) cấp bằng, với mức học phí 11.979 USD/khóa (khoảng 280 triệu đồng).

Năm trước, điểm chuẩn vào trường từ 23,45 đến 31,06 tính theo thang 40. Riêng ngành Kinh tế phát triển tính theo thang 30, lấy 23,5 điểm.

Học phí và điểm chuẩn 13 trường kinh tế hot nhất cả nước - 1

Thí sinh tham gia kỳ thi THPT. (Ảnh minh hoạ)

Đại học Thương mại tuyển 4.300 chỉ tiêu ở ba chương trình đại trà, chất lượng cao và chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù.

Học phí Đại học Thương mại năm 2020-2021 không tăng so với năm trước. Theo đó, học phí chương trình đại trà hơn 15,7 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao hơn 30,4 triệu và chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù là 18,9 triệu đồng/năm.

Điểm chuẩn vào trường năm trước từ 20,5 đến 23,7 điểm.

Năm nay, Học viện Tài chính tuyển 4.200 chỉ tiêu. Mức học phí chương trình chuẩn năm nay dự kiến là 12 triệu đồng/năm. Từ năm 2021-2022 học phí sẽ được điều chỉnh theo quy định của Nhà nước nhưng không vượt quá 16 triệu đồng.

Học phí đối với chương trình chất lượng cao 45 triệu/năm. Học phí các chương trình đào tạo liên kết đại học nước ngoài có mức từ 52 đến 192,5 triệu đồng/năm.

Điểm chuẩn Học viện Tài chính năm 2019 từ 21,25 đến 23,55 điểm; ngành Ngôn ngữ Anh lấy 29,82 theo thang 40 điểm.

Học viện Ngân hàng tuyển gần 3.000 chỉ tiêu cho cơ sở ở Hà Nội. Học phí hệ chính quy là 9,8 triệu đồng cho năm học 2020-2021.

Với chương trình liên kết với Đại học thành phố Seattle - CityU (Mỹ) sẽ đóng học phí từ 120 đến 160 triệu đồng/toàn khoá học tuỳ vào lựa chọn của sinh viên. Tương tự, sinh viên học chương trình liên kết với Đại học Sunderland, Vương quốc Anh đóng 175 triệu đồng cho ba năm đầu và học phí năm cuối khoảng 140 triệu đồng.

Ngoài ra, Học viện Ngân hàng còn tuyển 300 sinh viên ở phân viện Phú Yên và 300 sinh viên ở phân viện Bắc Ninh. Học phí là 9,8 triệu đồng một năm.

Điểm chuẩn trường này năm trước từ 21,5 đến 24,75 điểm.

Đại học Kinh tế TP.HCM tuyển 5.500 chỉ tiêu tại TP.HCM với hai chương trình là đại trà, chất lượng cao và 300 chỉ tiêu ở phân hiệu Vĩnh Long.

Hiện trường chưa công bố mức học phí cụ thể, nhưng so với năm học trước, học phí từ 32 đến 40 triệu đồng/năm đối với chương trình chất lượng cao. Với chương trình đại trà, sinh viên đóng khoảng 18,5 triệu đồng.năm. Sinh viên chương trình đại trà tại phân hiệu Vĩnh Long đóng mức học phí bằng 80% so với sinh viên học tại TP.HCM.

Điểm chuẩn Đại học Kinh tế TP.HCM năm 2019 cao nhất 25,1 điểm.

Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) tuyển 2.100 chỉ tiêu.

Học phí chương trình đại trà trung bình 9,8 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao và tăng cường tiếng Pháp là 27,8 triệu đồng/năm và chất lượng cao bằng tiếng Anh 46,3 triệu đồng/năm.

Với chương trình liên kết quốc tế tuỳ vào từng trường liên kết, trong khoảng từ 268 đến 275 triệu đồng/toàn khoá.

Điểm trúng tuyển vào trường năm ngoái ở mức từ 20,4-25,7 điểm.

Học phí và điểm chuẩn 13 trường kinh tế hot nhất cả nước - 2

Thí sinh xem xét và cân nhắc kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2020. (Ảnh minh hoạ)

Đại học Ngân hàng TP.HCM tuyển 3.250 chỉ tiêu cho ba chương trình đào tạo gồm chất lượng cao, quốc tế song bằng và chương trình chuẩn.

Học phí chương trình chuẩn áp dụng với năm 2019-2020 hơn 4,4 triệu đồng/học kỳ, chất lượng cao là 16 triệu đồng/kỳ. Chương trình quốc tế song bằng chia theo kỳ từ 20 đến 39,5 triệu đồng/kỳ.

Năm 2019, điểm chuẩn vào trường từ 20,15 đến 22,8 điểm.

Đại học Tài chính – Marketing tuyển 4.500 chỉ tiêu, trong đó chương trình đại trà là 2.280, chất lượng cao 1.400, quốc tế 120 em và chương trình đào tạo đặc thù là 700 em.

Học phí năm học 2020-2021 đối với chương trình đại trà 18,5 triệu đồng/năm, chất lượng cao 36,3 triệu đồng/năm, chương trình đặc thù từ 19,5 đến 22 triệu đồng/năm và chương trình quốc tế 55 triệu đồng/năm.

Điểm trúng tuyển vào trường năm 2019 là từ 18,8 đến 24,5 điểm.

Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM xây dựng mức học phí dựa trên cơ sở tín chỉ, được thu vào đầu năm và phụ thuộc vào số tín chỉ sinh viên đăng ký trong học kỳ. Theo đó, với 8 học kỳ, sinh viên phải đóng bình quân 30 triệu đồng/học kỳ. Mức này đã bao gồm 7 cấp độ tiếng Anh.

Mức học phí này sẽ ổn định trong năm học và có thể thay đổi vào năm tiếp theo, nhưng không quá 6% một năm.

Năm ngoái, điểm trúng tuyển vào tường là từ 17 đến 21 điểm.

Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tuyển 3.400 sinh viên. Học phí sẽ tuỳ vào từng nhóm ngành từ 12,5- 19,5 triệu đồng/năm học.

Riêng đối với chương trình cử nhân chính quy liên kết quốc tế, chi phí ước tính cho thời gian học ở Việt Nam là 50 triệu đồng một năm, thời gian học ở trường đối tác sẽ theo quy định của phía đối tác.

Năm trước, điểm chuẩn Đại học Kinh tế từ 19,5 đến 24 điểm.

Đại học Kinh tế (Đại học Huế) tuyển hơn 1.800 chỉ tiêu với 22 ngành học. Sinh viên ngành Kinh tế chính trị được miễn học phí.

Chương trình chất lượng cao có học phí 440.000 đồng một tín chỉ. Điểm chuẩn vào trường chỉ 14-16,5 điểm.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn