Tuyển sinh 2017: Thứ trưởng Bùi Văn Ga lý giải nguyên nhân bỏ điểm sàn

Giáo dụcThứ Sáu, 16/12/2016 19:06:00 +07:00

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong mùa tuyển sinh 2017, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết sẽ bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn).

Thông tin về điểm mới tuyển sinh đại học 2017, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết ngưỡng chất lượng đầu vào lâu nay được xem là điều kiện cần đối với thí sinh. Tuy nhiên để có thể nộp đơn xét tuyển vào một trường đại học nào đó, thí sinh phải đáp ứng những điều kiện khác do trường quy định.

Thu-truong-bui-van-ga-2

 Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã lý giải nguyên nhân bỏ điểm sàn trong mùa tuyển sinh 2017

"Đây là quyền tự chủ của các nhà trường. Tùy theo chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng, uy tín… mà điều kiện do các trường qui định cũng rất khác nhau. Việc quy định một ngưỡng đầu vào chung cho tất cả các trường, tất cả các ngành không còn phù hợp với xu thế ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng", Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ.

Vì thế dự thảo quy chế năm nay chỉ quy định điều kiện cần chung nhất là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường quy định. Các trường phải công bố công khai cho xã hội biết điều kiện đầu vào trong đề án tuyển sinh của trường.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại việc không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ảnh hưởng đến chất lượng nguồn tuyển sinh 2017.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Ga cho hay hai năm nay, Bộ đã cho phép các trường có thể tuyển sinh riêng bằng cách xét học bạ THPT. Trên thực tế các trường cũng không tuyển được nhiều thí sinh theo phương thức này.

Năm 2016 mặc dù Bộ có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhưng có hơn 100.000 thí sinh trên ngưỡng này không nộp đăng ký xét tuyển trong khi rất nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu.

"Điều này cho thấy thí sinh ngày nay đã có sự tính toán, lựa chọn trường, không phải vào đại học bất kỳ trường nào", Thứ trưởng Ga nhận định.

Vì thế, ông Ga cho rằng không phải các trường cứ hạ điểm điểm chuẩn là có thể tuyển đủ chỉ tiêu. Ngược lại việc hạ thấp điểm chuẩn làm cho uy tín của trường bị ảnh hưởng, càng khiến cho thí sinh quay lưng.

Do đó các trường sẽ tự cân nhắc khi đặt điều kiện đầu vào của trường cho phù hợp để đảm bảo chất lượng, xây dựng uy tín của trường.

Mặt khác, năm nay Bộ cũng yêu cầu các trường công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, báo cáo tình hình sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, công khai chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia, đồng thời triển khai mạnh mẽ kế hoạch kiểm định chất lượng.

Việc kiểm soát chất lượng đào tạo vì vậy không chỉ còn tập trung vào đầu vào mà được thực hiện trong suốt quá trình đào tạo cho đến khi sinh viên tốt nghiệp ra trường.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn