Tuyển sinh 2017: Bộ GD-ĐT chưa quyết định bỏ điểm sàn đại học

Giáo dụcThứ Tư, 28/12/2016 07:20:00 +07:00

Mùa tuyển sinh năm 2017, trước nhiều ý kiến góp ý về việc việc bỏ điểm sàn, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết đang tìm phương án xác định điểm sàn phù hợp.

Trước nhiều ý kiến phản đối quy định bỏ điểm sàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận khi đưa quy định này vào dự thảo quy chế, Bộ GD-ĐT cũng dự đoán được băn khoăn của dư luận liệu khi bỏ điểm sàn chung thì chất lượng đào tạo có bảo đảm không, nhất là với những trường chưa xây dựng được uy tín chất lượng.

thu truong bui van ga

 Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT chưa quyết định bỏ điểm sàn đại học 2017 và đang tìm phương án hợp lý

Trong khi đó, đại bộ phận thí sinh vẫn chưa có suy nghĩ chín chắn khi chọn trường chọn ngành. Mặt khắc, tâm lý sính bằng cấp vẫn còn nặng nề nên cũng khiến cho việc lựa chọn ngành nghề bị chi phối.

Trong khi đó, thực tế, nhiều trường đại học vẫn ồ ạt "vơ vét" thí sinh, trong khi lại không quan tâm đến việc sàng lọc trong quá trình đào tạo nên chất lượng đào tạo không cao.

Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào là một trong những yếu tố liên quan chất lượng đào tạo nên Bộ GD-ĐT vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của các phương án khác nhau theo hướng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường phù hợp với năng lực thực hiện tự chủ.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết hiện nay điểm sàn mặc nhiên hoàn toàn không có ý nghĩa đối với những trường, ngành có uy tín và tính cạnh tranh cao (chiếm khoảng 30% tổng số các trường ĐH).

Những trường, ngành khác nếu đã được các tổ chức kiểm định trong nước hay thế giới công nhận đạt chuẩn chất lượng, những trường đang thực hiện thí điểm tự chủ... thì xã hội cũng có thể yên tâm về tự chủ tuyển sinh (trong đó có tự chủ xác định điểm sàn).

Vì thế, Bộ GD-ĐT sẽ trao đổi thống nhất với các trường tại cuộc họp hiệu trưởng các trường ĐH sắp tới để quyết định phương án xác định điểm sàn phù hợp.

gs-nguyen-quy-thanh-1

 GS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội 

Cũng góp ý thêm cho Bộ GD-ĐT, GS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017 với dự kiến bỏ “điểm sàn” chung, trong xã hội cũng xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau.

Một số ý kiến lo lắng khi bỏ điểm sàn thì chất lượng giáo dục đại học sẽ giảm sút do hệ thống các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta hiện nay rất đa dạng, kinh nghiệm và năng lực quản lý khác xa nhau.

Mặc dù việc bỏ “điểm sàn” là bước đi nhằm tăng quyền tự chủ của trường đại học, nhưng, trong khi trường đại học chưa thực sự chứng tỏ được về năng lực thực tế để thực hiện quền tự chủ và quản lý chất lượng thì sư lo lắng của xã hội là có cơ sở.

Điều 32 Luật giáo dục đại học của Việt Nam quy định các trường đại học được giao các mức tự chủ khác nhau theo các hơn phù hợp với năng lực và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.

Rõ ràng, trường đại học chỉ thuyết phục được xã hội về năng lực của họ thông qua kiểm định chất lượng khách quan.

Khi trường đại học được tổ chức kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thì mới có thể xem trường có đủ năng lực thực hiện tự chủ.

Như vậy, việc giao cho các trường tự quyết hoàn toàn về tuyển sinh và bỏ điểm sàn chung cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo chất lượng.

"Thí dụ, trước mắt Bộ GD-ĐT có thể trao cho các trường đại học và những chương trình đào tạo được đánh giá, kiểm định chất lượng và đạt chuẩn chất lượng của Việt Nam, chuẩn ASEAN (AUN-QA) hoặc chuẩn quốc tế (ABET, AACSB, HCERES, CTI, v.v.) quyền tự quyết về tuyển sinh (kể cả về “điểm sàn”).

Ngược lại, đối với những trường hoặc chương trình chưa được kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT vẫn nên áp dụng ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu", GS Nguyễn Quý Thanh đề xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh loại hình ngưỡng đảm bảo chất lượng áp dụng với điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT có thể nghiên cứu thêm loại hình “điểm sàn” áp dụng với điểm trung bình chung học tập, điểm môn học (ít nhất của lớp 12).

Điều này nhằm mục đích để các trường chỉ tuyển bằng học bạ cũng đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào tối thiểu tạo niềm tin chung của xã hội với chất lượng giáo dục đại học.

GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hiện nay tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao chót vót đến 98%, giờ nếu bỏ điểm sàn thì tất cả học sinh tốt nghiệp THPT sẽ vào hết ĐH.

Như vậy, sẽ không còn ĐH tinh hoa như trước đây mà là ĐH đại chúng, thậm chí là phổ cập ĐH. Điểm sàn là để chọn lựa những em có học lực khá vào ĐH, giờ bỏ đi thì ai cũng có thể vào ĐH được, thậm chí có thể lọt cả những em chưa đọc thông, viết thạo, dẫn đến chất lượng ĐH sẽ đi xuống.

Khi nguồn nhân lực chất lượng thấp thì xã hội sẽ phải gánh chịu hậu quả. Nếu nới “đầu vào” và kiểm soát chặt “đầu ra” mà tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp chỉ đạt 50% thì xã hội có chấp nhận không?

Ngay tỷ lệ tốt nghiệp THPT có năm đạt thấp nhưng vì sức ép xã hội nên lại tìm cách đẩy lên cao chót vót.

Nguyên nhân quan trọng là hệ thống kiểm soát chất lượng của chúng ta quá kém, không đạt chuẩn vẫn cho đỗ.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn