Tướng Vịnh nói về đề nghị thay tên biển Đông

Thời sựThứ Hai, 06/06/2011 12:05:00 +07:00

”Cùng một vùng biển, Trung Quốc gọi biển Hoa Nam, chúng tôi gọi Biển Đông. Đó chỉ là cái tên gọi”- Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh.

”Cùng một vùng biển, Trung Quốc gọi biển Hoa Nam, chúng tôi gọi Biển Đông. Đó chỉ là cái tên gọi”- Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Bản đồ biển Đông. Ảnh: internet. 

Với những diễn biến gần đây ở Biển Đông, Đoàn đại biểu Việt Nam dự Đối thoại Shangri-La 10 nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo chí quốc tế. Bên lề cuộc Đối thoại, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã trả lời một số câu hỏi của báo giới.

- Tôi được biết một nhóm người Việt ở California (Mỹ) có vận động đề nghị đổi tên Biển Đông mà tiếng Anh là South China Sea (biển Hoa Nam) thành Southeast Asia Sea (biển Đông Nam Á). Tôi thắc mắc, liệu đây có phải là nguyện vọng chung của toàn dân Việt Nam?

Cùng một vùng biển, Trung Quốc gọi biển Hoa Nam, chúng tôi gọi Biển Đông. Đó chỉ là cái tên gọi. Còn đề nghị từ một nhóm người Việt Nam nào thì tôi cho đó cũng là xuất phát từ lòng yêu nước, nhưng tôi không cho đấy là một vấn đề lớn. Tôi không cho đó là nguyện vọng chung của Việt Nam. Việt Nam chỉ có một nguyện vọng là vùng biển nào theo luật pháp quốc tế là của Việt Nam thì phải được thừa nhận là lãnh thổ Việt Nam.

- Đề nghị ông cho biết, Việt Nam có tiếp tục thăm dò dầu khí ở những vùng biển tranh chấp hay không? Quân đội Việt Nam sẽ có biện pháp nào để bảo vệ hoạt động này?

Tôi khẳng định, Việt Nam không hoạt động ở những vùng biển đang tranh chấp. Đó là những vùng hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Ví dụ như vụ việc của tàu Bình Minh 02, ngay sau khi sự việc xảy ra, tàu đã khắc phục sự cố và tiếp tục hoạt động thăm dò. Hải quân nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, những vụ việc liên quan tới trách nhiệm dân sự, sẽ do những cơ quan pháp luật giải quyết vấn đề này.

- Việt Nam có tính tới việc tăng cường các đơn vị Hải quân ở các khu vực xảy ra căng thẳng gần đây hay không?

Việc tăng cường Hải quân của chúng tôi diễn ra theo một kế hoạch đã tiến hành từ trước. Tuy nhiên, chúng tôi chưa cho rằng sự việc quá nghiêm trọng đến mức là phải tăng cường một cách đột xuất. Chúng tôi kiên trì và tin rằng có thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Trong đó tiếng nói của báo chí, của cộng đồng quốc tế là vô cùng quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời họp báo tại Hội nghị An ninh châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-La 10) tổ chức tại Singapore. Ảnh: Việt Bách. 

- Ông có nghĩ rằng, các thành viên của ADMM+ không có tranh chấp chủ quyền hoặc không liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông có thể giúp làm giảm căng thẳng cũng như giải quyết vấn đề Biển Đông?

Tôi cho rằng, các diễn đàn đa phương rất quan trọng. Nó thể hiện thái độ của thế giới đối với các hành vi của các quốc gia.

- Ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện ở châu Á. Một trong những bước tăng cường đó là bố trí thêm tàu ở vùng Xin-ga-po. Tôi muốn biết, Việt Nam có hoan nghênh thông tin này không?

Việc Mỹ có tăng cường sự hiện diện ở châu Á hay bố trí thêm tàu ở Singapore là vì lợi ích của Mỹ. Nếu sự hiện diện ấy mang lại hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực, mang lại sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia thì Việt Nam hoan nghênh.

- Chính phủ Việt Nam gần đây tuyên bố mở cửa cảng Cam Ranh cho cộng đồng quốc tế. Liệu việc mở cửa đó có đồng nghĩa với việc cho phép tàu quân sự của Mỹ, Nga và các quốc gia khác vào cảng Cam Ranh hay không?

Vịnh Cam Ranh thì trước hết chúng tôi đã tuyên bố không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự và trú đóng tàu quân sự ở đấy. Một phần ở Vịnh Cam Ranh chúng tôi sẽ xây dựng thành căn cứ Hải quân của Việt Nam. Còn một phần thì sẽ xây dựng thành một khu dịch vụ, kỹ thuật, hậu cần cho tàu quân sự và dân sự. Khi đó, khu dịch vụ, kỹ thuật và hậu cần sẽ đón tàu của tất cả các nước vào sửa chữa, làm dịch vụ hậu cần theo luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam.

- Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 đã có hiệu lực 9 năm, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được sự đồng thuận để có một văn bản hướng dẫn thực hiện các điều khoản của nó. Trong khi đó, chúng ta lại đang cố phát triển DOC thành Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) để nó có tính ràng buộc pháp lý hơn. Ông có cho việc đó là thiết thực trong thời điểm này?

Các nước ASEAN thống nhất với nhau COC là rất cần thiết. Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua cũng như Bộ trưởng quốc phòng ASEAN gần đây nhất đã đạt được kết luận là sẽ bàn bạc với Trung Quốc để sớm đạt được COC.

Theo Việt Bách
(Quân đội Nhân dân)

Bình luận
vtcnews.vn