Tướng Trung Quốc: Nếu giao tranh ở Biển Đông, Trung Quốc tất thắng, Mỹ tất bại

Thế giớiThứ Hai, 01/06/2015 02:46:00 +07:00

Thiếu tướng La Viện của Trung Quốc ngạo mạn nêu 10 lý do khiến ‘Trung Quốc tất thắng, Mỹ tất bại’ nếu có giao tranh quân sự ở Biển Đông.

(VTC News) - Thiếu tướng La Viện của Trung Quốc ngạo mạn nêu 10 lý do khiến ‘Trung Quốc tất thắng, Mỹ tất bại’ nếu có giao tranh quân sự ở Biển Đông.

Mở đầu bài viết trên Hoàn Cầu thời báo sáng nay, La Viên nói nếu Mỹ không “tự kiềm chế những hành vi khiêu khích nguy hiểm” thì nguy cơ xung đột vũ trang quy mô nhỏ ở Biển Đông là điều khó tránh khỏi.
Viên tướng này cũng nêu 10 lý do khiến ‘Trung Quốc tất thắng, Mỹ tất bại’ nếu có giao tranh quân sự ở Biển Đông.
VTC News lược dịch nội dung hiếu chiến trên Hoàn Cầu thời báo, phớt lờ sự thật Trường Sa là của Việt Nam:
 1. Chiến tranh là sự tiếp nối của chính trị. Thử hỏi bàn cờ Biển Đông đã diễn biến đến mức Mỹ - Trung nhất định phải đối đầu? Lợi ích cốt lõi của Mỹ ở Biển Đông về cơ bản mà nói không hề bị tổn hại, Mỹ dự vào cái gì để đem quân lính đến tấn công nước khác? Dân chúng Mỹ đã chuẩn bị chịu đựng chưa? 
Tướng 'diều hâu' Trung Quốc La Viện 
2. Một khi Trung Quốc “chơi bài ngửa”, Mỹ liệu có dám khẳng định chắc thắng ở Biển Đông? Nên biết rằng quân đội Trung Quốc đã có sự chuẩn bị chắc chắn cho cuộc chiến cục bộ, đặc biệt là chiến tranh hiện đại với mức đảm bảo thông tin liên lạc giữa các binh chủng. Trung Quốc cũng đã chuẩn bị sẵn sàng vũ khí, chiến lược, chiến thuật đối đầu. Cuộc chiến này là cuộc chiến ở cửa ngõ Trung Quốc, những điểm yếu của Trung Quốc sẽ được khắc phục, trong khi Mỹ đem quân từ xa tới, điểm mạnh sẽ thành điểm yếu. 
3. Cho dù Mỹ có thể thắng trong cuộc chiến ở Biển Đông, thì Trung Quốc cũng không bao giờ nuốt được ‘quả đắng’ đó, Mỹ có chịu đựng nổi cuộc chiến ở quy mô lớn hơn và lâu dài hơn không? 
4. Trung – Mỹ đối đầu, nghĩa là cục diện thế giới sẽ thay đổi, các tổ chức, các nước liên quan và các nhóm lợi ích sẽ chọn cho mình những chiến tuyến mới, trong bối cảnh phức tạp như thế, Mỹ có đương đầu nổi không? 
5. Quan hệ nước lớn kiểu mới giữa Mỹ - Trung là quan hệ tôn trọng lẫn nhau, không xung đột, không đối đầu. Về vấn đề này, Trung Quốc đã biểu thị hết mức thành ý của mình. Nếu Mỹ đơn phương khiêu khích lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, xem thường an ninh an toàn của Trung Quốc, thì mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, điều này có lợi cho Mỹ hay không? 
6. Kim ngạch kinh tế Trung – Mỹ ở mức rất cao, hai bên đều cần nhau, gây tổn thương Trung Quốc chính là gây tổn thương Mỹ. Trung Quốc cũng có nhiều ‘lá bài kinh tế’ hơn Mỹ, dân chúng Mỹ sẽ không đời nào đi trả giá cho hành động của những chính khách vô trách nhiệm ở nước Mỹ. 
Tàu chiến Trung Quốc (khoanh đỏ) bám theo tàu chiến Mỹ 
7. Dân có thể chở thuyền, dân cũng có thể lật thuyền. Nếu Trung – Mỹ có va chạm ở Biển Đông, người dân sẽ nhớ lại vụ chiến đấu cơ Mỹ oanh tạc sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư năm 1999. Ngoài ra, dân chúng cũng sẽ nhớ đến vụ va chạm máy bay ở đảo Hải Nam năm 2001. 
Khôi phục lại quan hệ hai nước sau những vụ va chạm là rất khó, điều này thực sự tổn thương đến tận gân cốt trong trong quan hệ Trung – Mỹ. 
8. Trung Quốc xây dựng trạm quan sát khí tượng, nghiên cứu khoa học ở đá Vĩnh Thử (đá Chữ Thập của Việt Nam) và một số điểm đảo, đá khác là việc đã được Bắc Kinh đề nghị công khai với các cơ quan liên quan của Liên Hợp quốc. 
Hơn thế nữa, Trung Quốc thiết lập các cơ sở công cộng ở Biển Đông cũng là để tránh những sự kiện như thảm họa MH 370 của Malaysia năm ngoái, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, phục vụ mục đích hòa bình quốc tế. Mỹ dựa vào cái gì để can thiệp những điều đó? 
Nếu động binh, thì cái lý ở đâu? Nhật Bản xây dựng ở Điếu Ngư (Senkaku hiện do Nhật quản lý), một số nước ASEAN cũng xây dựng, thay đổi hiện trạng ở Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam), vậy sao Mỹ làm ngơ? 
9. Châu Á Thái Bình Dương là cánh tay dẫn hướng cho sự phát triển của kinh tế thế giới, cũng là nơi chiếm hơn 50% vốn đầu tư của Mỹ. Một khi có biến động ở khu vực này, đối với kinh tế thế giới, kinh tế Mỹ là điều tốt hay xấu? 
10. Trên bàn cân chiến lược của Mỹ thì Trung Quốc và một số nước nhỏ nhưng ích kỷ, vô cớ sinh sự, ai đúng ai sai, chắc hẳn những chính trị gia có đầu óc chiến lược của Mỹ đã quá rõ.  
  
Cuối thư, viên tướng La Viện lớn giọng nói Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nên nghĩ đến hậu quả của những lời chỉ trích nhằm vào Bắc Kinh thời gian qua và tại Shangri-la 2015 vừa qua. 
Video: Máy bay Mỹ thách thức Trung Quốc ở Trường Sa
Bài viết của Hoàn Cầu thời báo cho thấy Trung Quốc thêm một lần nữa lên giọng ‘nước lớn’ để đe nẹt, hăm dọa các quốc gia khác. 
Trên thực tế, Trung Quốc đánh chiếm trái phép Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Đến năm 1988, nước này tiếp tục ngang nhiên xua binh lính đổ bộ, chiếm giữ trái phép một số điểm đá, bãi nổi ở Trường Sa của Việt Nam, đỉnh điểm là vụ xả súng tàn nhẫn khiến 64 chiến sĩ công binh của Việt Nam tại Gạc Ma thiệt mạng ngày 14/3/1988. 
Từ đó đến nay, Trung Quốc một mặt tuyên bố về hòa bình, ổn định ở Biển Đông, mặt khác không ngừng xây dựng trái phép, mở rộng diện tích các điểm đá chiếm giữ trái phép tại Trường Sa với quy mô được cho là có diện tích bằng tổng cộng 1.500 sân bóng. 
Báo chí Trung Quốc mập mờ nói ‘một số nước cố ý khiêu khích, xây dựng trái phép’ ở Trường Sa với mục đích lập lờ đánh lận con đen, kích động dư luận, kích động tư tưởng cực đoan, mà hoàn toàn phớt lờ sự thật về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. 

Văn Việt Võ
Bình luận
vtcnews.vn