Tướng Sùng Thìn Cò: Phải khai báo tài sản ít nhất 3 đời để dân được biết

Thời sựThứ Ba, 07/11/2017 16:39:00 +07:00

Phó Tư lệnh Quân khu 2 Sùng Thìn Cò cho rằng người cán bộ khi khai báo tài sản phải khai báo ít nhất 3 đời và phải để công khai cho dân được biết.

Tại phiên thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm, phòng chống tham nhũng sáng nay, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò cho rằng, khi khai báo tài sản phải khai báo ít nhất 3 đời và phải để công khai cho dân được biết.

sung-thin-co

Đại biểu Sùng Thìn Cò.

“Người ta không biết con cái ông là ai, có cái gì, nên chúng ta phải công khai, nhất là các đợt chuẩn bị bầu cử, chuẩn bị đại hội. Tài sản cứ giấu giếm sợ người ta biết, như thế không minh bạch”, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nói.

Ông Sùng Thìn Cò cũng dẫn lại một câu chuyện để nói về tham nhũng. "Đó là có một vị Vua đưa quan trung thần ra pháp trường để chém đầu, trung thần mới nói: Trước khi Vua chém đầu tôi, tôi hỏi Vua, tài sản lớn nhất của Vua là gì?

Vua không trả lời được. Vị quan trung thần nói liền nói: “Tài sản lớn nhất của Vua là lòng dân, Vua cứ chém tôi, tôi đi rồi Vua cũng đi theo. Vì bọn quan lại giàu hơn Vua, lòng dân mất hết rồi!”, tướng Sùng Thìn Cò kể.

Video: Du lịch chống tham nhũng ở Brazil

“Tham nhũng của chúng ta cũng thế. Tài sản lớn nhất của Đảng, Nhà nước là lòng dân. Nếu chúng ta không trị được giặc nội xâm này thì mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây là vấn đề tất yếu khách quan, chúng ta không trách ai cả, chúng ta chỉ trách chúng ta”, đại biểu Sùng Thìn Cò nói.

Cũng liên quan đến vấn đề tham nhũng, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đề cập đến vấn đề công tác phòng, chống tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ công chức.

Theo đại biểu Bộ, việc đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ ở đây chỉ dừng lại ở mỗi việc đó là về công tác luân chuyển cán bộ công chức.

Cụ thể, kết quả báo cáo đầy đủ là 29.261 cán bộ công chức được luân chuyển và công tác luân chuyển được đánh giá là cần thiết để phòng ngừa tham nhũng và được nhận xét tiếp. Tuy nhiên, việc thực hiện ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa thường xuyên, hình thức, kiểm tra, thanh tra thiếu được thực hiện.

"Cử tri chuyển tới Quốc hội câu hỏi có hay không có tham nhũng trong bổ nhiệm công chức? Nếu có thì báo cáo của Chính phủ về phòng chống tham nhũng chưa đầy đủ. Còn nếu không, sao đúng quy trình mà vẫn có những người có tài, có đức lại không được bổ nhiệm?", đại biểu băn khoăn.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn