Tướng Phan Anh Minh: 'Trung ương điều tra, đùng một phát đưa về bảo thành phố xử'

Pháp luậtThứ Năm, 10/03/2016 07:32:00 +07:00

Vừa qua Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015, tại đây nhiều vấn đề liên quan đến việc xét xử

Vừa qua Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015, tại đây nhiều vấn đề liên quan đến việc xét xử các vụ án tham nhũng đã được đưa ra thảo luận thẳng thắn.

Vướng cơ chế ủy quyền giữa trung ương và địa phương

Đề cập đến vấn đề xử lý án tham nhũng, Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó giám đốc Công an TP.HCM cho biết, hiện nay tốc độ xử lý đang rất chậm, trong khi tỷ lệ trả hồ sơ của loại án này trung bình lên tới 2,5 lần, thậm chí có vụ bị trả tới 3, 4 lần.

Theo ông Minh, bên cạnh việc đòi hỏi chất lượng buộc tội cao hơn theo luật thì việc các cán bộ tiến hành tố tụng quá thận trọng và cầu toàn khi gặp phải những đối tượng tham nhũng “có bản lĩnh” cũng là một nguyên nhân.

Thiếu tướng Phan Anh Minh (trái) và ông Lê Minh Trí.
Thiếu tướng Phan Anh Minh (trái) và ông Lê Minh Trí. 

Ngoài ra ông Minh cho rằng ở TP hiện nay còn vướng thêm ở Tòa và Viện cơ chế ủy quyền. “Toàn bộ quá trình điều tra là của Trung ương, đùng một phát đưa về biểu TP xử, mà hồ sơ các vụ án đó mà dưới 20.000 trang là con số quá ít, thường là vài trăm ngàn trang. Không hội đồng xét xử nào nghiên cứu được trong 2 tháng để đưa ra xét xử và có thể hiểu rõ được ngóc ngách của vụ án đó” – ông Minh nói.


Sau đó, khi nói về vấn đề này ông Dương Ngọc Hải – Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM cũng cho rằng đó là một trong những lý do khiến HĐXX tại TP phải trả hồ sơ để có thêm thời gian nghiên cứu vụ án.

Về phần mình, Tướng Minh thẳng thắn nhìn nhận rằng chính việc xử lý chậm và lâu sẽ làm xói mòn lòng tin của người dân. “Thậm chí người ta nghi ngờ tại sao quá lâu mới xử, mà xử rồi hủy án và xử lần sau thì có khả năng nhẹ hơn lần trước” – ông Minh nhận định.

“Như vụ ông Vũ Quốc Hảo ở Công ty cho thuê tài chính 2, giả giờ tôi mà có phát hiện thêm tôi cũng không muốn khởi tố vì khởi tố thực ra đúng luật nhưng mà lại cứu để cho ông ta không phải thi hành án tử hình (…) Nếu tôi là dân tôi cũng không hiểu cái luật này nó sao, ông Nhà nước làm gì ngộ vậy?” – ông Minh cho hay. (hiện ông Hảo đã bị Tòa tuyên 2 án tử hình về tội Tham ô tài sản).

“Mang con voi cắt ra từng khúc”


Liên quan đến vấn đề này ông Lê Minh Trí – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương giải thích rằng có vụ án quá lớn nên cơ quan tố tụng phải “khoanh lại thành từng khúc” rồi mang những “khúc” đó ra xử và xử “hết khúc này đến khúc khác”.

“Như vụ ông Hảo đó thấy xử hoài, tử hình hoài mà vẫn còn hoài, cảm thấy như nó lờn, nhưng mà vì bản thân vụ án lớn quá, nếu điều tra theo thời hiệu quy định của luật là không có điều tra được, vậy nên phải khoanh lại rồi xét xử từng hành vi cụ thể” – ông Trí nói.

Tuy nhiên sau đó Phó trưởng Ban nội chính Trung ương cũng bày tỏ lo ngại với cách làm như vậy, vì dù “giải quyết được yêu cầu chính trị” và bức xúc của người dân, nhưng nó cũng có mặt trái bởi đã “mang con voi cắt ra từng khúc, vài bữa thấy cái vòi, cái chân, như vậy bản chất tội phạm bị méo mó đi, cứ cắt miết rồi cuối cùng nó ra cái khác”.

“Bữa nay tôi không nói vụ án cụ thể nhưng tại TP.HCM có một cơ quan chức năng đưa ra khái niệm là tách tài liệu ra khỏi vụ án, bản chất là ngắt một khúc ra khỏi vụ án đó, xử khúc này thôi nhưng mà không nói là tách vụ án mà tách tài liệu.

Nhưng bữa đó chúng tôi không đồng ý, không có chuyện tách tài liệu, không có một từ ngữ khái niệm pháp luật nào nói tách tài liệu ra, chúng ta phải gác cửa chỗ này (…) Đôi khi cũng có cả nể rồi nhận thức nhưng mà có khi có nhiều động cơ khác nhau chúng ta phải lưu ý” – ông Trí cho hay.


Nói về vấn đề ủy quyền mà ông Minh đề cập ở trên, ông Trí nêu quan điểm: “Trên thực tế vụ ủy quyền xét xử từ trung ương cho địa phương đó, nhiều khi công an điều tra 3, 4 năm trời, hồ sơ đó bao nhiêu gang mà về 2 tháng bắt xử thì nói thật với các đồng chí cũng đang là một thách thức. Vừa rồi Ban Nội chính Trung ương cũng bàn bạc với các cơ quan tư pháp trung ương để đưa ra một quy trình cho hợp lý”.

“Có những luật tăng thẩm quyền của cơ quan tố tụng lên nhưng nó chạm đến quyền con người mà chúng ta đang tham gia với quốc tế. Nhiều khi mình làm nghề của mình thì mình đòi tăng lên để mình trị cho được nhưng ông khác nhìn dưới góc độ dân chủ xã hội, thì người ta nói một xã hội văn minh thì không được chạm tới như thế, mà chính các Đại biểu Quốc hội không nhấn nút. Người ta đòi hỏi văn minh, dân chủ còn mình làm nghề này thấy tức quá cứ đòi, đó cũng đang là một cuộc đấu tranh mà phải có quá trình chứ không thể nào nóng ruột được mà phải theo luật đấy!” – ông Lê Minh Trí.


Nguồn: Infonet
Bình luận
vtcnews.vn